Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 Search

DIỄN ĐÀN: DOANH NGHIỆP TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ FTA

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Đồng thời, Việt Nam là một trong số ít quốc gia tại khu vực Châu Á có Hiệp định thương mại với EU. Vì thế, việc EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đã mở ra cơ hội và lợi thế xuất nhập khẩu đặc biệt cho hàng hóa Việt Nam. Đây là chia sẻ của Bà Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tại diễn đàn "Doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ FTA" do Đài PTTH Thái Bình; Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN; Hội doanh nhân trẻ Thái Bình phối hợp thực hiện tại Trường quay S6 - Đài PTTH Thái Bình vừa tổ chức.

Diễn đàn có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam; ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư ; ông Phạm Hùng Tiến – Phó GĐ Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam; bà Nguyễn Anh Thu -   Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; ông Nguyễn Quang Hưng, UV BTV Tỉnh ủy, PCT Thường trực UBND tỉnh; ông Dương Xuân Thịnh - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Thái Bình; đại diện của các DN xuất khẩu và một số cơ sở chế biến nông sản xuất khẩu.

 Toàn cảnh diễn đàn "Doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ FTA"
 Diễn đàn đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp được lắng nghe các chuyên gia, cơ quan quản lý chia sẻ về 3 trụ cột trong chiến lược bứt tốc phát triển xuất nhập khẩu, bao gồm:

- Nắm bắt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước/hiệp định kinh tế khu vực.

- Thay đổi chiến lược xuất khẩu và tìm kiếm kênh phân phối mới đột phá.

- Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Theo ông Nguyễn Văn Thân, chính quyền tỉnh Thái Bình cần đẩy mạnh phối hợp với các bộ ban ngành, doanh nghiệp để tìm ra giải pháp hiệu quả xuất khẩu vào thị trường EU. Hiện tại, GDP/đầu người của EU trung bình khoảng 36 nghìn USD, do đó tiêu chuẩn cũng như thị hiếu của người tiêu dùng EU rất cao, do đó các doanh nghiệp của tỉnh cần nhanh chóng nhận diện thị trường mục tiêu phù hợp. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu Thái Bình cần nhận diện mặt hàng phù hợp, chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp, tránh đầu tư dàn trải hoặc ôm đồm sản xuất các hàng hoá không phải là thế mạnh. Ông Thân cũng cho biết Chính phủ đang ưu tiên và có ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu, khởi nghiệp, nhập khẩu máy móc sản xuất. Bộ Công Thương đang tăng cường xúc tiến thương mại và phổ biến kiến thức về EVFTA.

Về khả năng tiếp cận của các mặt hàng chủ lực tới thị trường EU như: dệt may, giày dép, thuỷ sản, nông sản, Bà Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã chỉ ra rằng: cơ hội sẽ đi liền với thách thức do thị trường EU có tiêu chuẩn về sản phẩm rất cao, các quy định về quy tắc xuất xứ của EVFTA cũng khá phức tạp, đòi hỏi Việt Nam phải chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, đặc biệt đối với mặt hàng dệt may. Để hiểu rõ thấu đáo về những yêu cầu trên, các doanh nghiệp Thái Bình cần phối hợp với các hiệp hội, cơ quan chức năng của địa phương, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Đặc biệt, đối với sản phẩm nông sản, thủy sản, một, EU đã công nhận 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam nhưng không có sản phẩm nào của Thái Bình. Do đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới được công nhận chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông thủy sản là một giải pháp cần làm ngay. Hiện tại, chính phủ đã thông qua chương trình hành động thực thi EVFTA, các tỉnh bao gồm Thái Bình cũng có chương trình hành động của tỉnh mình. Do đó, các doanh nghiệp của tỉnh Thái Bình nên tìm hiểu và lồng ghép các hoạt động của mình vào chương trình trên.

Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chủ động của doanh nghiệp trong tìm hiểu thông tin liên quan tới các yêu cầu SPS, TBT đối với hàng nhập khẩu của thị trường EU.

Ông Phạm Hùng Tiến đã chia sẻ các câu chuyện thành công cũng như đang gặp thách thức của các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Châu Âu. Ông cũng giới thiệu về hệ thống e-Ping là một nền tảng trực tuyến cung cấp các thông tin về các biện pháp SPS, TBT thị trường Châu Âu đang áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu. Đồng thời, ông Tiến cũng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tra cứu mã HS của các hàng hoá xuất khẩu.

Trong phần thảo luận, một số doanh nghiệp đã đặt một số câu hỏi liên quan tới phương hướng, cách thức tiếp cận thị trường Châu Âu và tận dụng những ưu đãi của EVFTA và đã được các diễn giả giải đáp cụ thể. DIỄN ĐÀN: DOANH NGHIỆP TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ FTA sẽ tiếp tục được Đài phát thanh và truyền hình Thái Bình thực hiện và sẽ đi vào các ngành hàng và các lĩnh vực cụ thể hơn trong các số tiếp theo.

 


Mai Thành

FullName Email
Address Security code SMSRPY
Content