Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 Search

LAN TỎA TRI THỨC VỚI UEB RESEARCH & SHARING SERIES: Buổi tọa đàm số 1 - Một số xu hướng quản trị sản xuất và dịch vụ thông minh nâng cao năng suất chất lượng doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam.

Với định hướng phát triển nghiên cứu ứng dụng thực tiễn và lan tỏa tri thức đến với cộng đồng, trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã ra mắt chuỗi sự kiện: UEB RESEARCH & SHARING. Đây là hướng đi gợi mở, là “sân chơi” bổ ích về nghiên cứu khoa học cho giảng viên, cán bộ, sinh viên, học viên của trường và chuyên gia, nhà nghiên cứu quan tâm nhằm kết hợp, cộng hưởng nhiều nguồn lực khác nhau trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn để đạt được nhiều thành tựu giá trị hơn, đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.

Ngày 31/5/2021, mở đầu cho chuỗi sự kiện chương trình UEB RESEARCH & SHARING, là Tọa đàm khoa học Một số xu hướng quản trị sản xuất và dịch vụ thông minh nâng cao năng suất chất lượng doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam dưới hình thức trực tuyến nhằm cung cấp các thông tin phản ánh một số xu hướng quản trị sản xuất và dịch vụ thông minh nâng cao năng suất chất lượng trên thế giới và Việt Nam.
Các diễn giả tham gia trong Tọa đàm khoa học “Một số xu hướng quản trị sản xuất và dịch vụ thông minh nâng cao năng suất chất lượng doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam”
Tọa đàm đã đề cập đến 4 chủ đề chính: Một số yêu cầu mới đối với hoạt động cải tiến năng suất chất lượng tại Việt Nam trong bối cảnh làn sóng công nghiệp 4.0; Chất lượng dịch vụ trong ngân hàng - Từ quản trị dữ liệu đến cách xác định "sự thật ngầm hiểu" của khách hàng; Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để bảo đảm an toàn an ninh thông tin; Sản xuất thông minh – Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam;
PGS.TS. Phan Chí Anh trình bày một số xu hướng mới về quản trị chất lượng tại doanh nghiệp trên thế giới. Theo đó, doanh nghiệp quan tâm đến mở rộng phạm vi quản trị chất lượng ra ngoài phạm vi tổ chức, tới toàn bộ chuỗi cung ứng. Bên cạnh quan tâm triển khai áp dụng các mô hình và phương pháp QC/QA với các hoạt động chuỗi cung ứng, cần chú ý các hoạt động liên kết khách hàng và nhà cung cấp, chia sẻ thông tin và lôi cuốn các nhà cung cấp và khách hàng vào hoạt động thiết kế sản phẩm, xử lý vấn đề và cải tiến chất lượng sản phẩm.
Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Diễn giả - Thạc sỹ Nguyễn Thị Phương Thúy, Chuyên gia chất lượng dịch vụ ngân hàng đề cập đến việc đưa vào quản trị dịch vụ khái niệm “Sự thật ngầm hiểu” - sự thấu hiểu khách hàng một cách mới mẻ về thái độ người tiêu dùng, giá trị, niềm tin, thói quen, động lực và nhu cầu, tạo nên nền tảng trở thành lợi thế cạnh tranh đánh giá cảm nhận của khách hàng. Đồng thời, bài trình bày nhấn mạnh đến việc đánh giá chất lượng đối với hoạt động dịch vụ thông qua các chỉ số như Net Promoter Scores (NPS) gắn với trải nghiệm khách hàng trong các dịch vụ. Việc áp dụng các chỉ số này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu được tâm lý và hành vi khách hàng để từ đó có các giải pháp cải tiến chất lượng hàng hóa và dịch vụ.
 
Phần tiếp theo của buổi Tọa đàm đề cập đến khía cạnh đang rất được quan tâm trong quá trình chuyển đổi số, đó là phần trình bày của Thạc sỹ Hoàng Hà, Chuyên gia về công nghệ thông tin. Diễn giả đã trình bày một cách hệ thống về cách thức doanh nghiệp Việt Nam cần làm để bảo đảm an toàn an ninh thông tin, theo đó, để đảm bảo an toàn thông tin (tính bảo mật, tính sẵn sàng, tính đầy đủ) không chỉ là vấn đề công nghệ mà là vấn đề quản trị, bắt nguồn từ lãnh đạo, chính sách, qui trình, hệ thống trên phạm vi toàn tổ chức.Chứng nhận về an toàn thông tin theo chuẩn ISO 27001 đã dần trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số. Việt Nam đang nằm trong TOP 25 quốc gia áp dụng và chứng nhận ISO 27000 với gần 500 chứng chỉ của các tổ chức & doanh nghiệp.
                                   Sản xuất thông minh – xu thế tất yếu cho sự phát triển doanh nghiệp
TS.Hà Minh Hiệp, với vai trò Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Chủ tịch Tổ chức Năng suất Châu Á nhận định “Sản xuất thông minh là xu thế tất yếu cho sự phát triển của doanh nghiệp”, ông đã giới thiệu cách tiếp cận mới về sản xuất thông minh trên thế giới. Theo đó, để sản xuất nhanh hơn,linh hoạt hơn, phản hồi kịp thời hơn với các thay đổi ngày càng khó dự đoán thị trường, doanh nghiệp sản xuất cần tích hợp các hệ thống quản trị với hệ thống thông tin để kiểm soát hoạt động theo thời gian thực. Các định hướng và nguyên tắc thông minh hóa hệ thống quản trị tác nghiệp và sản xuất đã được quốc tế cụ thể hóa thông qua các tiêu chuẩn ISA 95 và IEC 62264. Bộ Khoa học Công nghệ đang nghiên cứu chấp nhận các tiêu chuẩn này thành tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam và có định hướng phổ biến triển khai tại các doanh nghiệp Việt Nam nhằm cụ thể hóa hành động của doanh nghiệp, phù hợp với Quyết định 36 của Chính phủ về ban hành kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.
Buổi tọa đàm đầu tiên trong chuỗi sự kiện UEB RESEARCH & SHARING đã nhận được sự tham gia tích cực của nhiều giảng viên, sinh viên, học viên của Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN và các cán bộ nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp quan tâm.
Việc nhận được sự quan tâm và thành công của buổi tọa đàm đầu tiên sẽ là nguồn động lực, tạo nên tinh thần hứng khởi để Trường ĐHKT – ĐHQGHN tiếp tục thực hiện tiếp chuỗi sự kiện UEB RESEARCH & SHARING trong thời gian tới.

PSG.TS Phan Chí Anh - Thanh Mai UEB Media

FullName Email
Address Security code YNKMFG
Content