Khoa _KTPT cũ
 Search

Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc và con đường phát triển bền vững

GS. Hak K.Pyo trình bày tham luận tại hội thảo
Ngày 11/9/2013, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo Chính sách công và phát triển với chủ đề “Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc và con đường phát triển bền vững”. Ông Hak K.Pyo - Giáo sư danh dự của Đại học Quốc Gia Seoul đã tham dự và thuyết trình tại hội thảo.

Hội thảo còn có các giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển và các khoa trong Trường Đại học Kinh tế, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu trong nước.
Tại hội thảo, GS. Hak K.Pyo đã trình bày tham luận: “Korea and Vietnam: Two economies in transition and the fourth way to sustainable growth”. Trong đó, ông nêu những nét khái quát về quá trình phát triển và mối quan hệ kinh tế của 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc trong các lĩnh vực như: thương mại, đầu tư, du lịch đến Việt Nam… Ông cho rằng Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

GS. Hak K.Pyo là Giáo sư danh dự Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia Seoul. Ông từng là giáo sư thỉnh giảng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Đại học Johns Hopkins, Đại học Tokyo... và đã xuất bản nhiều sách và bài báo trên tạp chí chuyên ngành và sách.


GS. Hak K.Pyo từng đảm nhận các vị trí quan trọng như: Chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế lượng Hàn Quốc; Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới - Đại học Quốc gia Seoul; Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế quốc tế Hàn Quốc; thành viên của Ủy ban Hoạch định chính sách cho chính phủ; Giám đốc Trung tâm Quốc gia cạnh tranh (CNC) - Đại học Quốc gia Seoul... Hiện nay, ông là Chủ tịch Ủy ban KLEMS Châu Á, nghiên cứu về năng suất (www.asiaklems.net).
Ngoài ra, GS. Hak K.Pyo cũng đề cập đến khái niệm “Kinh tế sáng tạo” (Creative Economy). Thông qua việc đưa ra những dẫn chứng về phát minh, bản quyền, bằng sáng chế…, ông chỉ ra rằng sáng tạo không phải là cái mới mà chính là cách mà những người có ý tưởng kết hợp những ý tưởng đó để tạo ra những giá trị đặc biệt. Các sản phẩm sáng tạo hội đủ những tiêu chí để được trở thành sản phẩm có sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ có nhiều hình thức biểu hiện, trong đó phổ biến nhất là: bản quyền, bằng sáng chế, thương hiệu, thiết kế. Bốn ngành công nghiệp này cùng nhau tạo thành các ngành công nghiệp sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo.
Bình luận về những trình bày của GS. Hak K.Pyo, TS. Phạm Quỳnh Anh (Trường ĐH Kinh tế) và TS. Phan Thế Công (Trường ĐH Thương mại) cho rằng: mặc dù có những sự khác biệt trong sự phát triển kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc, nhưng sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc đã mang lại cho Việt Nam rất nhiều bài học kinh nghiệm thiết thực.
Các đại biểu có mặt tại hội thảo đã đặt câu hỏi cho GS. Pyo xoay quanh những vấn đề như: Làm thế nào để giải quyết vấn đề nhóm lợi ích đang tồn tại ở Việt Nam? Trong nền kinh tế sáng tạo, làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn trong việc phải chi trả bản quyền để được tiếp cận với thông tin và mọi người có nhu cầu được tiếp cận thông tin, tri thức để sáng tạo?

Chủ đề của hội thảo nhận được sự quan tâm của không chỉ giảng viên Trường ĐHKT mà còn các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu

Trả lời những câu hỏi trên, GS. Pyo cho rằng để giải quyết vấn đề nhóm lợi ích cần có cơ chế dân chủ, minh bạch trong xây dựng chính sách, người dân cần được tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng và thực thi chính
sách. Ông nhận định, trong nền kinh tế sáng tạo, bản quyền và sở hữu trí tuệ rất quan trọng. Ban đầu, Nhà nước nên có những hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, tri thức mang tính sáng tạo đó.
Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi những vấn đề về tương lai phát triển của Việt Nam và Hàn Quốc, sự cần thiết phát huy tiềm năng con người vào quá trình phát triển bền vững.
Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Vũ Quốc Huy cảm ơn sự tham gia của GS. Hak K.Pyo cùng những ý kiến thảo luận rất tích cực của các chuyên gia, các đại biểu. Ông mong rằng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được những đóng góp của các chuyên gia về các vấn đề nghiên cứu liên quan.

Tin: Hoa Hạnh (Khoa Kinh tế Phát triển) - Ảnh: Văn Ba

FullName Email
Address Security code VAJFNZ
Content