Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Hội thảo "Khoa học lãnh đạo quản lý và công tác đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo và doanh nhân Việt Nam hiện nay"

Ngày 13/1/2015, tại Đà Nẵng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo “Khoa học lãnh đạo quản lý và công tác đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo và doanh nhân Việt Nam hiện nay” nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Khoa học lãnh đạo, quản lý và sự vận dụng vào Việt Nam giai đoạn hiện nay” do quỹ NAFOSTED, Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ.

Về phía Trường ĐHKT, có PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường, chủ trì Hội thảo; PGS.TS. Hoàng Văn Hải - Chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh (QTKD), Trường ĐHKT, Trưởng ban tổ chức; PGS.TS. Đỗ Minh Cương - Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa Doanh nghiệp, Chủ nhiệm đề tài cùng nhiều cán bộ, giảng viên Khoa QTKD.

Về phía khách mời, có ông Bùi Văn Tiếng - Nguyên Trưởng ban tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Đà Nẵng; bà Nguyễn Thị Kim Hồng - Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng; bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần TRAPHACO; ông Nguyễn Trường Giang - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cùng các học viên cao học ngành QTKD tại thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo là nơi các nhà khoa học, doanh nhân gặp gỡ, trao đổi cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn và nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến khoa học lãnh đạo, quản lý và đặc biệt là những vấn đề chuyên sâu về công tác bồi dưỡng lãnh đạo và doanh nhân Việt Nam hiện nay.


PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đã nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo và quản lý đối với sự phát triển của một quốc gia, địa phương hay tổ chức. Ông cũng cho biết, thực tiễn phát triển đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại và nêu cao vai trò của các nhà khoa hoc trong việc đưa ra các biện pháp giúp các nhà lãnh đạo có đường hướng và cách thức làm đúng đắn để phát triển. Ba câu hỏi được đặt ra đối với đề tài bao gồm 1) Làm thế nào kế thừa và vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm lãnh đạo của các thế hệ đi trước vào công tác quản lý lãnh đạo đặc biệt là kinh nghiệm trong quân đội; 2) Vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm lãnh đạo quản lý của các quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Singapore vào thực tế Việt Nam; và 3) Đánh giá, đo lường; từ đó đưa ra được các giải pháp nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay.


Các đại biểu ttrao đổi tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Đỗ Minh Cương đã chỉ ra sự cần thiết phải nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản lý, từ việc chỉ ra các tồn tại, hạn chế và yếu kém của công tác lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay, đến nêu rõ nhiệm vụ của đề tài trong việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo và quản lý.
Ông Bùi Văn Tiếng đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về người lãnh đạo thành công; theo ông một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự thành công của Đà Nẵng hiện nay chính là khả năng “phản biện” lại chính bản thân của các lãnh đạo để liên tục tìm ra hướng đi mới, sự không hài lòng với chính mình và phải luôn tìm tòi để cải tiến. Ông cũng cho biết, để lãnh đạo thành công cần phải thoát khỏi căn bệnh thành tích và phải luôn hành động thay vì lời nói. Ông Nguyễn Trường Giang phân tích thêm khía cạnh: sở dĩ người Việt Nam thông minh, chịu khó nhưng dường như vẫn gặp nhiều khó khăn là do không dám dũng cảm đi ra nước ngoài để học hỏi và đặt ra các mục tiêu thấp.
Đại diện cho Công ty Cổ phần TRAFACO, bà Vũ Thị Thuận nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo trong sự phát triển và thành công của doanh nghiệp. Theo bà, người lãnh đạo cần nhìn xa, trông rộng, có tầm nhìn đúng đắn và quyết tâm thực hiện tầm nhìn đó. Nhà lãnh đạo cần có tầm nhìn bao quát, kế thừa và phát huy một cách hài hòa của các phong cách học thuyết lãnh đạo Đông - Tây.
TS. Nguyễn Đăng Minh chia sẻ triết lý Nhật Bản và kinh nghiệm thực tế làm việc tại công ty Toyota Nhật Bản: Lãnh đạo cần phải rèn luyện sự đổi mới trong tư duy, sự chậm đổi mới, trì trệ trong tư duy sẽ cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương và thậm chí của cả quốc giá và lãng phí trong tư duy là lãng phí lớn nhất. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy về lãnh đạo, TS. Đỗ Tiến Long cho rằng cần phải phân biệt năng lực lãnh đạo và chức vụ lãnh đạo, không phải những người đứng đầu là những nhà lãnh đạo giỏi. Biểu hiện của lãnh đạo phải là theo đuổi được và làm được việc lớn và người lãnh đạo phải tạo dựng lòng tin, gắn kết con người và thúc đẩy những hành động hiệu quả.

Liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo và doanh nhân Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thị Kim Hồng chia sẻ kinh nghiệm của Đà Nẵng, theo đó lãnh đạo cần được đào tạo bài bản: kết hợp năng lực và kinh nghiệm thực tế với kiến thức, lý thuyết. Bà cũng cho biết công tác phát triển lớp lãnh đạo kế cận, chú trọng đến sức trẻ kết hợp với kinh nghiệm thực tế và phương pháp đào tạo đào tạo bài bản.
Phát biểu tổng kết, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nhất trí với các diễn giả về tầm quan trọng của lãnh đạo, quản lý trong các tổ chức. Những đóng góp của các diễn giả sẽ được tập hợp lại thành những kết quả nghiên cứu và chuyển hóa để sử dụng trong công tác giảng dạy cũng như áp dụng vào thực tiễn công việc.


Đại biểu, khách mời tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm


Trần Huy Phương (QTKD)

FullName Email
Address Security code MWCHJQ
Content