Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Hội thảo Chính sách phát triển trong đổi mới và hội nhập

Tiếp nối chuỗi hội thảo “Chính sách công và phát triển bền vững” được tổ chức hàng năm, ngày 13/11/2014, Khoa Kinh tế Phát triển - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã tổ chức thành công Hội thảo “Chính sách phát triển trong đổi mới và hội nhập” với sự tài trợ của Quỹ Hanns Seidel, CHLB Đức.

Hội thảo thường niên Chính sách công năm nay diễn ra trong không khí kỷ niệm 40 năm truyền thống của Trường ĐHKT - ĐHQGHN (1974 - 2014) và chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2014. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn, nơi các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia có cơ hội trao đổi về vấn đề phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, hội nhập và liên kết phát triển.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển (KTPT), Trường ĐHKT, các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, chuyên gia nghiên cứu tư vấn hàng đầu Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Hiệp hội, các Viện nghiên cứu, trường đại học, Học viện khối kinh tế, đại diện Quỹ Hanns Seidel Foundation cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của Trường.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT nhấn mạnh Việt Nam đã trải qua hơn ba thập kỷ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều thành tựu phát triển về mọi mặt. Chúng ta đã gặp phải nhiều khó khăn, thách thức chủ quan cũng như khách quan đòi hỏi vai trò tích cực, chủ động của Chính phủ thông qua các chính sách phát triển. Chiến lược Phát triển Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 cũng đã định hướng các ưu tiên phát triển như: duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Hội thảo thường niên Chính sách công và Phát triển 2014 sẽ góp phần đánh giá bước đầu thực hiện những ưu tiên phát triển đã được đề ra trong Chiến lược, để từ đó có những nhận định và khuyến nghị chính sách cho 5 năm tiếp theo (2016 - 2020) của bản Chiến lược này.


Ông Axel Neubert -Trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á, Quỹ Hanns Seidel (CHLB Đức) phát biểu nêu rõ tầm quan trọng và  ý nghĩa của Hội thảo

Trước khi Hội thảo bước vào phiên làm việc thứ nhất, ông Axel Neubert - Trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á, Quỹ Hanns Seidel (CHLB Đức) đã phát biểu thể hiện quan điểm của Quỹ về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo này trong việc góp phần hoàn thiện chính sách phát triển của Việt Nam, trong đó có chính sách tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam. Ông khẳng định rằng, hướng tới phát triền bền vững trong tương lai chính là một xu thế tất yếu của thế giới, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.

Hội thảo gồm 2 phiên họp: Phiên họp chung bàn về Chính sách công và tăng trưởng bền vững/tăng trưởng xanh. Hai phiên họp sau diễn ra song song với hai chủ đề: Chính sách công & Phát triển vùng/phát triển khu vực và Chính sách công & hội nhập phát triển.

Trong bài trình bày mở đầu phiên họp chung, GS. Niels Vestergaard - Trường Đại học Nam Đan Mạch đã giới thiệu tổng quan về tăng trưởng xanh và kinh nghiệm của Đan Mạch. Tiếp đó, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng - Nguyên phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TW đã trình bày về chính sách tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng cho rằng một số chính sách mới có thể hay (trên giấy tờ), phù hợp từng thời điểm, đúng mong muốn của nhà hoạch định chính sách, nhưng để nó thực sự khả thi, đem lại tác động mong muốn đòi hỏi phải có thêm nhiều yếu tố. Hơn nữa, cũng cần quan tâm thực hiện trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện và theo dõi đánh giá chính sách. Vì thế mà vai trò của các nhà khoa học, đối tác liên quan trong các giai đoạn của chu kỳ chính sách là rất quan trọng.

Tại phiên này, Hội thảo tiếp tục với các tham luận về “Chính sách phát triển các vùng kinh tế của Việt Nam” do PGS.TS. Lê Đăng Doanh trình bày; tham luận “Đo lường tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đến khai thác thủy hải sản Việt Nam” của nhóm nghiên cứu Bộ môn Kinh tế môi trường - Khoa Kinh tế Phát triển do TS. Nguyễn Viết Thành trình bày.

Trong quá trình thảo luận, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý liên quan đến chính sách công và tăng trưởng bền vững/ tăng trưởng xanh. Phần lớn, các đại biểu đều cho rằng các bài trình bày tham luận là những nghiên cứu sâu, rất có giá trị và chỉ ra một thực tế ở Việt Nam là cần phải có chính sách đúng đắn, phù hợp, thiết thực đối với tăng trưởng xanh thay vì chỉ kêu gọi đầu tư, hỗ trợ từ nước ngoài. Kết thúc phiên họp chung, hội thảo chia thành 2 phiên song song.

Chính sách công và phát triển vùng/ khu vực là nội dung chính của các tham luận trong phiên thứ hai của hội thảo, TS. Matthias Michael Meizner,  Đại học Bochum CHLB Đức đã trình bày tham luận về “Chính sách hữu hiệu cho phát triển bền vững, bài học từ Việt Nam và Đức”. Qua những phân tích của mình, ông chỉ ra rằng hiện nay ở Việt Nam và Đức đang có nhiều chính sách và cơ chế quản lý tốt, hữu hiệu. Kinh nghiệm quốc tế có rất nhiều nhưng mỗi quốc gia cần có cách tiếp cận riêng phù hợp với bối cảnh pháp lý, kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử tương ứng. “Đổi mới chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo tiền đề phát triển bền vững trên địa bàn vùng cao Tây Bắc” là nội dung trong tham luận của TS. Lê Khả Đấu; tham luận “Phát triển vùng tam giác giáp danh với Trung Quốc và Lào” của TS. Hoàng Khắc Lịch & TS. Nguyễn Quốc Việt, tham luận “Đánh giá quy hoạch nông thôn mới ở cấp xã” của TS. Phạm Hùng Tiến. Ngoài ra còn có bài tham luận về  “Hiệu quả phân bổ và sử dụng vốn đầu tư ở Việt Nam”, “Tác động của Tín dụng nôn thôn tới mức sống hộ gia đình” của đề tài cấp nhà nước về đánh giá các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Vùng Tây Bắc, mã số KHCN.TB 03X/13-18 do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chủ trì.

Chính sách công và hội nhập phát triển là chủ đề của phiên song song thứ 2, những nội dung cụ thể về chính sách phát triển Việt Nam và các nước trong khu vực trong quá trình hội nhập được các tác giả trình bày và trao đổi rất sôi nổi bao gồm các tham luận: “Hiệu quả chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN”, “Tư duy chính sách công trong quá trình đổi mới và hội nhập” của Lê Viết Thái & Lê Minh Ngọc, “Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững tại Việt Nam” do ThS. Nguyễn Minh Thảo trình bày và “Thực trạng và chính sách của hỗ trợ có điều kiện tại Việt Nam” của Ths. Lương Thị Ngọc Hà.

Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Chủ nhiệm Khoa KTPT, Trường ĐHKT khẳng định Hội thảo lần này đã đem lại những kết quả nhất định về mặt khoa học cũng như đóng góp hoàn thiện các chính sách phát triển của Việt nam thông qua nhiều tham luận và trao đổi. Ông Nguyễn Quốc Việt cảm ơn các nhà tài trợ, nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn, giảng viên, học viên và sinh viên đã nhiệt tình tham gia và có những đóng góp ý nghĩa thiết thực làm nên thành công của Hội thảo. Ông bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Quỹ HSF và sự hợp tác tích cực của các nhà nghiên cứu để hội thảo thường niên về Chính sách công và Phát triển sẽ ngày càng có chất lượng góp phần hoàn thiện chính sách và thể chế của Việt Nam.

Khách mời, đại biểu cùng cán bộ và giảng viên Trường ĐHKT chụp ảnh lưu niệm
 

Hội thảo diễn ra thành công đã góp phần xây dựng hình ảnh Trường ĐHKT - ĐHQGHN, thực hiện mục tiêu trở thành một trường đại học nghiên cứu tiến tới đẳng cấp quốc tế và sẽ là điểm đến của tri thức thế giới.


Tin: Hoa Hạnh (KTPT) - Ảnh: Nguyễn Kha

FullName Email
Address Security code DRXNVU
Content