Thông tin cho sinh viên
 Search

Đại học Kinh tế - Mái nhà thứ hai của UEBer

Ngày tôi nhận bằng cử nhân ra trường...
Có một sự lựa chọn mà chắc chắn bản thân tôi sẽ không bao giờ hối hận trong cuộc đời mình đó là được học tập và rèn luyện dưới mái trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trở về căn phòng quen thuộc lúc 22h đêm sau một ngày đầu tuần tất bật công việc, tôi dành thời gian thư giãn lấy năng lượng cho ngày kế tiếp, ngồi nhâm nhi ly cà phê lướt internet đọc tin tức, chợt thấy các dòng status của các thầy cô trường cũ đăng ảnh về Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập trường và các em sinh viên khóa sau chúc mừng ngày lễ của các thầy cô 20/11, kỷ niệm trong tôi lại ùa về y như một cơn gió mang đượm hương sắc của đêm…

Tôi chợt nhận ra điều gì đó, có lẽ mình quá mải mê công việc mà quên đi những điều quan trọng còn xung quang mình và những hoài niệm về Trường ĐH Kinh tế (UEB) nơi tôi cùng bạn bè học tập và sống quãng đời sinh viên mộng mơ. Tôi dùng từ “sống” ở UEB, là bởi vì ở ngôi trường này, chúng tôi trải cuộc đời mình lên tất cả những cung bậc cảm xúc chứ không đơn thuần là nơi để học. Ở nơi đây, chúng tôi nếm những mật ngọt của yêu thương, hưởng cái trong lành của sự thanh bình thời sinh viên, thời suy nghĩ còn trong sáng chập chững bước vào đời. Tại đây, chúng tôi cùng nhau xây đắp ước mơ, làm cái nền tảng cho một cuộc sống khác hơn ngoài cổng trường. Và hơn nữa, ở UEB có các thầy cô đã dạy dỗ chúng tôi luôn chào đón chúng tôi trở về như những người con xa quê trở về thăm gia đình.

 
 
Tại lễ Kỷ niệm 5 năm thành lập Trường ĐHKT - ĐHQGHN

Sau những ấp ủ, nỗ lực của thời học sinh, với ước mơ được vào giảng đường đại học, tôi đến với UEB vào năm 2010, ngôi trường mới lên “3 tuổi” với bề dày truyền thống của Khoa Kinh tế Chính trị - Đại học Tổng hợp Hà Nội năm nào. Khi chọn trường, tôi chưa có nhiều thông tin về trường mà chỉ biết rằng cả tập danh sách dày đặc các trường đại học và cao đẳng chỉ có UEB là thu hút tôi nhất, không biết vì lí do gì cả như người ta yêu nhau mà không biết tại sao vậy.

Thầy cô như mẹ cha...

Trong thời gian học tập tôi gặp gỡ và được theo học ở nhiều trường đại học tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong các chương trình của sinh viên, nhưng tôi nhận ra một điều rằng ngoài là những người giỏi về kiến thức, các giảng viên ở đây còn có một tinh thần trẻ đúng như tuổi của UEB, khí thế và cách làm việc khoa học và có một cái gì đó rất hiện đại mà sinh viên chúng tôi phải quan sát để học tập. Có những ý tưởng của tôi cho hoạt động của sinh viên tại khoa có nhiều người cười và thậm chí nói rằng : “dỗi hơi” nhưng thầy Quách Mạnh Hào (lúc đó thầy là Chủ nhiệm Khoa TCNH) và cô Trần Thị Thanh Tú (lúc đó cô là Phó chủ nhiệm Khoa TCNH) đã lắng nghe, góp ý và hỗ trợ tôi để đưa ý tưởng trở thành hiện thực. Giờ đây ý tưởng đó đã trở thành một sự kiện thường niên của khoa TCNH và UEB: SV Tài Chính.

 
 \
UEB Chào tân sinh viên 
 
Không quan tâm quá mức nhưng ở khoảng cách vừa đủ để các thầy cô ở UEB hỗ trợ chúng tôi xây dựng kế hoạch cho tương lai một cách chủ động. Và khi cần, dù bận nhưng các thầy cô luôn lắng nghe để có những tư vấn với những sinh viên của mình, có thể là ở hành lang sau giờ học, có thể qua facebook, có thể là ở quán coffee nào đó hoặc bằng nhiều cách khác nhau để giúp sinh viên của mình. Mặc dù chỉ dạy ở một môn học nào đó nhưng các giảng viên của UEB đã quen là thân luôn như người nhà vậy, đã vài năm nay chúng tôi thường xuyên trò chuyện với các thầy cô qua facebook hoặc gặp tại các sự kiện của trường. Tại sự kiện tổng kết hoạt động chào tân sinh viên của Khoa Tài chính Ngân hàng vừa qua, trước hôm đó tôi đã nhắn tin cho cô Hải Hà (cô là giảng viên Khoa TCNH khi đó) hỏi cô có tham dự sự kiện này không? buổi tối mặc dù công việc gia đình rất bận và hiện cô đã chuyển sang Khoa Kế toán - Kiếm toán nhưng khi nhận được thông báo có cựu sinh viên TCNH về dự thì cô ngay lập tức thu xếp công việc tới tham dự và trò chuyện cùng chúng tôi, cả cô và trò như người thân lâu ngày gặp lại, cứ trò chuyện mãi mà không biết đêm về khuya lúc nào.

Vậy đấy, ở nơi đây đã quen nhau thì đừng bao giờ quên nhau, dù đi bất kỳ nơi đâu hay làm ở bất kỳ cơ quan, tổ chức nào khi về đến UEB là mình như bé lại như lúc mới nhập học vậy, các thầy cô ân cần thăm hỏi từng chút một về cuộc sống của bạn một cách thân tình nhất, giải đáp các khúc mắc hay những khó khăn cả trong học tập và rèn luyện.

Là gia đình của mọi người…

Có lẽ sự bỡ ngỡ của những cô cậu học trò sau khi rời vòng tay gia đình, đặc biệt với những người xuất thân từ những mảnh đất thuần nông như tôi thì khi đến với Thủ đô Hà Nội tráng lệ của những ngày đầu trở thành tân sinh viên cũng có chút gì đó đầy xa lạ và khác biệt. Và đâu đó kế hoạch về cuộc sống sinh viên khép kín và ít giao lưu, chỉ tập trung vào học và đi làm thêm đã nhen nhóm trong suy nghĩ của tôi.

Sau nhập học năm nhất, trái với những gì tôi nghĩ, ở đây các anh chị khóa trên quan tâm hỗ trợ các em năm nhất tận tình và chu đáo, gần như khi tôi chưa biết điều gì thì các anh chị đều tìm đến cùng lời giải đáp để hỗ trợ tôi. Mọi kế hoạch của tôi hoàn toàn bị đảo lộn, tôi đã tham gia các câu lạc bộ và làm cán bộ lớp, tôi trở thành con người khác, năng động hơn, tự tin hơn và quan trọng là không còn tư tưởng chỉ suy nghĩ cho bản thân nữa khi chứng kiến những gì thầy cô và các anh chị khóa trên đã hỗ trợ và giúp đỡ mình và các bạn cùng khóa. Ở UEB,với hình thức học tín chỉ hoàn toàn nên mọi người gần như có sự quen biết nhau và luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần, ở đây không có sự phân biệt nào cả mà là gia đình cho các thế hệ cán bộ giảng viên và sinh viên. Ở nơi đây, không phải là mái nhà cho một người hay một lớp người mà là mái nhà cho những lớp người, cho các thế hệ của những “người UEB”.

“Sao anh lại có thể làm nhiều điều cho trường như vậy?”

“Sao các thầy cô nhiều người biết và nhớ tên anh thế?”

“Sao anh ra trường rồi mà vẫn tâm huyết với UEB thế?”

 
 
 Những chuyến tình nguyện đầy ý nghĩa

Thi thoảng vẫn về với các em khóa sau, để chia sẻ về suy nghĩ của mình và góp ý cho các em về những hoạt động đoàn thể. Các em đã hỏi tôi như vậy, cũng không biết lý giải cho các em như nào nữa vì có thể đó là may mắn của tôi và vì “tình yêu của tôi với UEB”. Tôi nói với các em rằng những điều anh làm cho UEB chỉ là đóng góp nhỏ của mình với thành tích của nhà trường và những thế hệ các sinh viên như chúng ta sẽ dần đưa thương hiệu của UEB đi nhiều nơi hơn nữa chỉ cần chúng ta nỗ lực làm tốt công việc của mình, không quan trọng các em ở vị trí nào, chỉ cần các em muốn làm và “yêu UEB” là chúng ta có thể thực hiện được.

Người thuyền trưởng có “tâm và tầm”

Trong quãng thời gian sinh viên, tôi được chứng kiến nhiều sự kiện lớn của UEB như lễ kỷ niệm 5 năm thành lập trường và thời gian chuyển giao giữa Hiệu trưởng đầu tiên của trường là thầy Phùng Xuân Nhạ ( nay là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Hiệu trưởng thứ 2 của trường là thầy Nguyễn Hồng Sơn (nay là Phó Giám đốc ĐHQGHN). Mặc dù các thầy đã nhận nhiệm vụ mới không còn công tác tại UEB nữa, nhưng thế hệ các sinh viên luôn nhắc đến các thầy với cả sự tự hào và ngưỡng mộ.

 
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn chụp ảnh cùng sinh viên tại Hội nghị cong bố Báo cáo Kinh tế thường niên năm 2011. Tác giả bài viết đứng ngoài cùng, từ trái sang.
 

Ở kỳ cuối khóa học tôi đánh giá lại thời sinh viên của mình, tôi nghĩ rằng nên làm điều gì đó để giúp sinh viên của UEB trở nên chủ động hơn và tạo nên một phong trào mới cho sinh viên UEB. Tập hợp các bạn sinh viên có cùng suy nghĩ, chúng tôi đã sáng lập nên CLB Nhà doanh nghiệp tương lai (FEC) để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của sinh viên trong trường với kinh phí hoạt động năm đầu tiên là do tôi và một số thành viên đóng góp. Xây dựng ý tưởng, làm việc với các đơn vị bảo trợ từ BTC Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia của VCCI và quyết định nộp hồ sơ xin ý kiến thầy hiệu trưởng lúc bấy giờ là thầy Nguyễn Hồng Sơn. Vì từ trước đó (thời điểm năm 2013) các hoạt động của sinh viên chủ yếu là mạnh về nghiên cứu nên cũng nhiều ý kiến nói rằng thầy sẽ không ủng hộ, nhưng chỉ một ngày sau khi chuyển hồ sơ cho thầy qua chị thư ký chúng tôi đã nhận được điện thoại nói rằng thầy muốn gặp trực tiếp để lắng nghe ý kiến chúng tôi. Vừa mừng nhưng cũng lo, vì trước tới giờ chưa gặp riêng thầy như này bao giờ cả nên cả nhóm họp gấp và cử tôi cùng một bạn nữa lên gặp thầy. Tại phòng làm việc của thầy, trái lại với những gì chúng tôi lo lắng, thầy hỏi thăm chúng tôi về học tập về gia đình để tạo không khí gần gũi hơn và mới bắt đầu lắng nghe ý kiến của chúng tôi về kế hoạch thành lập một câu lạc bộ về khởi nghiệp. Sau đó thầy không chỉ ủng hộ mà còn có những ý kiến đóng ghóp rồi kết nối chúng tôi vỡi những doanh nhân khởi nghiệp có kinh nghiệm và rất thành công là bạn và đối tác của thầy. Mặc dù cuộc gặp ngắn, nhưng chúng tôi đã lĩnh hội được rất nhiều điều từ thầy, từ kiến thức cho đến phong cách làm việc và đó là niềm động viên rất lớn cho chúng tôi tiếp tục cống hiến cho UEB.

Chút kỷ niệm xưa…

Tháng năm đi qua, từng thế hệ sinh viên lần lượt nối nhau tạm biệt UEB, kết thúc quãng thời gian sinh viên, kết thúc quãng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ để tiếp tục hành trình của mình. Mọi thứ rồi sẽ đổi thay như những gì đã định, nhưng UEB vẫn cứ nằm yên ở đó, vẫn hằng ngày kể về các thế hệ nối tiếp nhau xây dựng truyền thống nhà trường. UEB sẽ là quyển nhật ký của không lời của biết bao nhiêu thế hệ, biết bao nhiêu con người đã đi qua. Khi trở lại, những con người ấy cũng sẽ có những hoài niệm, đọc lại quyển nhật ký không lời này bằng cả trái tim và sự trân trọng của mình.

 Ngày ra trường….

Đã 0h đêm, nhưng không phải là thời điểm kết thúc mà sự khởi đầu của một ngày mới. Với UEB cũng vậy, dù tôi đã tốt nghiệp nhưng các thầy cô vẫn ở đó, vẫn luôn chào đón những sinh viên của mình quay trở lại thăm trường, UEB vẫn luôn mở cửa để chào đón như người mẹ chào đón những người con của mình trở về gia đình. Sẽ còn nữa những dự định với UEB, chắc chắn rằng chúng ta sẽ mãi mãi là một gia đình. Từ tận đáy lòng mình, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các thầy cô và cả UEB vì những điều mà họ đã mang lại cho tôi trong quãng thời gian sinh viên, quãng thời gian đẹp nhất mà tôi đã từng đi qua. Và chắc chắn chúng ta sẽ còn viết tiếp những trang tiếp theo UEB nhé ….
 

Bùi Thanh (cựu sinh viên QH-2010-TCNH)

FullName Email
Address Security code TGCANN
Content