Thông tin cho sinh viên
 Search
TS. Vũ Thị Dậu:
"Lửa" nghề giáo vẫn cháy trong tôi cho đến tận bây giờ!

TS. Vũ Thị Dậu (ngồi giữa, hàng đầu) chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên K40
TS. Vũ Thị Dậu là cựu sinh viên khoá đầu tiên của Khoa Kinh tế Chính trị (Trường ĐHTHHN), sau đó trở thành cán bộ giảng dạy và là PCN Khoa Kinh tế Chính trị (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội). Trò chuyện với chúng tôi nhân dịp kỷ niệm 40 năm truyền thống của Trường, cô chia sẻ: điều đọng lại lớn nhất trong suốt 40 năm gắn bó với Khoa, với Trường chính là tình cảm thầy trò bền chặt, tinh thần đoàn kết, dìu dắt giữa các thế hệ cán bộ, sinh viên. Đây là động lực quan trọng giúp cô và đồng nghiệp giữ được ngọn lửa tình yêu với nghề dạy và với mái trường này.

Thầy cô truyền cho tôi những say mê...

Tôi đến với Khoa Kinh tế Chính trị (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), nay là Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) thật tình cờ! Từ nguyện vọng vào học Khoa Ngữ văn, tôi đã trở thành sinh viên khóa 2, Khoa Kinh tế Chính trị (KTCT) (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Cái duyên đến với Trường Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) dường như cũng “bén” từ đó. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Kinh tế Chính trị và công tác tại Trường cho đến khi nghỉ hưu.

Chúng tôi là sinh viên những khóa đầu tiên của Khoa KTCT (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Khi ấy, nhiều người trong chúng tôi còn chưa biết tới cái tên ngành học Kinh tế Chính trị. Thật nhiều bỡ ngỡ và suy tư ! Nhưng cũng thật may mắn, bên cạnh chúng tôi luôn có các thầy, cô trong Khoa quan tâm, động viên và hướng dẫn chúng tôi trong cuộc sống và học tập ngay từ những ngày đầu còn lạ lẫm đó. Thầy, cô và chúng tôi nhanh chóng trở thành những người thân trong gia đình Khoa Kinh tế Chính trị. Phần đông các thầy, cô được chúng tôi gọi là anh, là chị: chị Vũ Thu, chị Phương, chị Thảo, chị Anh Thu, chị Nga, chị Thiêm, chị Thảo, anh Ly, anh Xuyên, … Một phần vì khi đó các thầy, cô còn rất trẻ, một phần vì chúng tôi coi các thầy, cô như những người anh, người chị trong gia đình của chúng tôi (bây giờ chúng tôi vẫn gọi như vậy). Đặc biệt, Giáo sư Đào Văn Tập, thầy Trần Phương, thầy Hoàng Kim Giao, thầy Hoàng Trung, thầy Nguyễn Đức Diệu, thầy Nguyễn Thắng Hơn… đã chỉ dẫn, dìu dắt chúng tôi dần dần làm quen với ngành học Kinh tế Chính trị. Các thầy, cô đã cho chúng tôi niềm tin vào ngành học của mình, đã truyền cho chúng tôi lòng say mê học tập và rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng trong cuộc sống.

Trong mỗi cựu sinh viên chúng tôi vẫn đầy ắp những kỷ niệm thầy trò thân thương, về những đợt đi thực tập, thực tế cuối năm thứ hai và cuối năm thứ ba của khóa học, nhất là những chuyến đi công tác đặc biệt ở biên giới phía Bắc, tham gia cải tạo công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, cải tạo nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, hay tham gia xây dựng phòng tuyến sông Cầu… Trong những chuyến đi như vậy, thầy, cô luôn là người anh, người chị tiên phong dẫn đoàn, chăm lo cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ trong điều kiện cuộc sống khó khăn lúc bấy giờ.

Thời sinh viên, tinh thần tập thể đã thực sự gắn kết chúng tôi với nhau, trong cuộc sống sinh hoạt và học tập. Những buổi tối bên nhau trên giảng đường tự học, những buổi sinh hoạt Chi đoàn tối thứ Sáu đầy niềm vui và ý chí học tập, rèn luyện, những giờ thể dục buổi sáng, những buổi làm tổng vệ sinh khu ký túc xá cuối tuần,… Tất cả đều để lại trong chúng tôi những kỷ niệm đẹp và cũng từ đó đã xây đắp nên truyền thống đoàn kết trong toàn Khoa. Đoàn kết đã tạo nên sức mạnh tập thể Khoa Kinh tế Chính trị ngày ấy và được duy trì cho tới tận bây giờ khi Khoa đã phát triển thành Trường Đại học Kinh tế. Thật tự hào khi Khoa Kinh tế Chính trị trở thành một trong hai tập thể đầu tiên của miền Bắc đạt danh hiệu "Tập thể xã hội chủ nghĩa toàn Khoa".

Lan toả những yêu thương…

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau từ Khoa KTCT (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN bây giờ, các thế hệ thầy trò luôn phát huy truyền thống quý báu đó: đồng nghiệp luôn giúp đỡ nhau, tạo điều kiện và hỗ trợ nhau trong công việc, đặc biệt là trong chuyên môn. Chính sự quan tâm, giúp đỡ này đã tạo điều kiện cho mọi người luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trưởng thành nhiều hơn, tiếp tục học lên và hoàn thiện bản thân. Đa số cán bộ giảng dạy của Khoa KTCT trước đây là những sinh viên xuất sắc trong học tập và nghiên cứu tại Khoa, sau này đều được tạo điều kiện làm tiến sĩ ở nước ngoài, đã trở thành những giảng viên vững vàng về chuyên môn. Tất cả chúng tôi đều đồng lòng xây dựng Khoa, Trường ngày càng phát triển. Mỗi chúng tôi luôn xác định trách nhiệm cá nhân trong công việc chung của Khoa và Trường. Tình yêu nghề, yêu sinh viên, mong muốn cống hiến cho Khoa, cho Trường đã giúp chúng tôi vượt qua những gian khó của cuộc sống.

Đặc biệt hơn là sự quan tâm, giúp đỡ của thầy, cô với sinh viên, học viên trong cuộc sống và học tập. Nhiều thế hệ thầy, cô giáo đã miệt mài cùng sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học để có những kết quả tốt. Cơ chế giáo viên chủ nhiệm lớp trước đây cho phép chúng tôi gắn bó nhiều hơn với lớp, với từng học trò. Những buổi đến thăm gia đình, hay chỗ ở của sinh viên giúp chúng tôi hiểu rõ hơn hoàn cảnh gia đình của sinh viên và tình cảm thầy, cô và học trò càng thêm gắn bó. Chúng tôi rất cảm thông cho hoàn cảnh của sinh viên và cố gắng để giúp đỡ sinh viên của mình, bằng nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, thầy Dũng, cô Xuân và cô Huê (Khoa KTCT) ngày ấy là những người đã hỗ trợ sinh viên rất nhiều, thậm chí cả những khoản học phí mà sinh viên chưa có điều kiện nộp hay những đồ dùng sinh hoạt quyên góp được (như những chiếc xe đạp, máy tính cũ, rồi quần áo, sách vở…). 

Tôi rất vui mừng khi Trường đã nhận được sự hỗ trợ sinh viên từ đông đảo các cựu sinh viên, doanh nghiệp của cựu sinh viên như anh Tự Minh (K5), chị Thanh, chị Xuân (TC K5), chị Đào Hiền (TC K13)… để khuyến khích sinh viên học giỏi, sinh viên nghèo vượt khó và giúp họ tìm thấy niềm vui trong học tập và cuộc sống… Hai sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ Khoa Kinh tế Chính trị (Nguyễn Ngọc Công K52 KTCT và Mai Hùng Sơn K54 KTCT) đã nhận được tấm bằng cử nhân và có được việc làm cũng từ những sự giúp đỡ quý báu đó. Đối với người thầy, người cô chúng tôi, sinh viên thành đạt là niềm vui, niềm hạnh phúc!
Những người «lái đò » chúng tôi luôn dõi theo từng bước đi của sinh viên ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế Nhà trường và cả sau này khi đã tốt nghiệp. Rồi các thế hệ sinh viên lần lượt rời xa mái trường yêu dấu để bước vào đời và trưởng thành nhưng tình cảm thầy trò vẫn vẹn nguyên như ngày nào… Chúng tôi vẫn thường đến dự những buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên các khóa - vẫn đầy ắp tiếng cười vui, những kỷ niệm thầy, cô và học trò. Và cả những buổi giao lưu giữa thầy, cô trò bao giờ cũng chan chứa tình cảm yêu thương…

So với ngày đầu thành lập, Trường Đại học Kinh tế đã thực sự lớn mạnh cả về quy mô, vị thế, uy tín và thương hiệu. Đó là sự phát triển tất yếu của Trường, với mục tiêu trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong cả nước, phấn đấu vươn lên đẳng cấp quốc tế! Thật vui khi hôm nay các thầy, cô vẫn một lòng tâm huyết với nghề, với sự nghiệp trồng người; sinh viên, học viên ngày càng say mê học tập, nghiên cứu và đạt được nhiều thành tích hơn… Tôi rất vui mừng và tự hào khi Trường Đại học Kinh tế nay đã là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều sinh viên, học viên, cán bộ trogn và ngoài nước đến học tập, nghiên cứu và làm việc. Nhiều gia đình có đến hai thế hệ đều chọn Trường ĐHKT là nơi bắt đầu sự nghiệp học tập, nghiên cứu của mình và đã thành đạt từ đây.

Gần 40 năm gắn bó với Khoa Kinh tế Chính trị, giờ là Trường Đại học Kinh tế đọng lại trong tôi là niềm tự hào về tình cảm thầy trò thiêng liêng và cao quý, về truyền thống đoàn kết trong Khoa, trong Trường. Chính những tình cảm chân thành mà các thầy, cô đã dành cho tôi trong những năm tháng là sinh viên và tình yêu của học trò dành cho mình khi ở cương vị người giảng viên đã giữ bước chân tôi ở lại với Khoa Kinh tế Chính trị. Nhờ đó mà “lửa” nghề giáo vẫn cháy trong tôi cho đến tận bây giờ!

Nguyễn Kha (ghi)

FullName Email
Address Security code CHLIPE
Content