New Don Vi & Giang Vien
 Search

Giảng viên Trường ĐH Kinh tế tham dự Hội thảo về Giáo dục tài chính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)

Nhận lời mời của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng đã tham dự Hội thảo Vai trò của giáo dục tài chính và Bảo vệ người tiêu dùng trong đẩy mạnh phổ cập tài chính (Role of Financial Education and Consumer Protection in Supporting Financial Inclusion) tại Siem Reap, Campuchia vào 2 ngày 21-22/11/2019.

OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật, Anh, Đức ... Mục tiêu ban đầu của OECD là xây dựng các nền kinh tế mạnh ở các nước thành viên, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả kinh tế thị trường, mở rộng thương mại tự do và góp phần phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp. Những năm gần đây, OECD đã mở rộng phạm vi hoạt động, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Chính vì vậy, OECD cùng WB có thể nói là hai tổ chức lớn nhất thế giới quan tâm đến lĩnh vực phổ cập tài chính, hiểu biết tài chính, fintech và bảo vệ người tiêu dùng.

 Ảnh: TS. Đinh Thị Thanh Vân trình bày tại phiên thảo luận của Hội thảo

 
 
Ảnh: Các phiên thảo luận của Hội thảo
 
 
 

Ảnh: TS. Đinh Thị Thanh Vân chụp ảnh với các chuyên gia hàng đầu của thế giới về Giáo dục tài chính (TS. Adele Atkinson, OECD và TS. Lilian Koh, NTU)

Hội thảo được đồng tổ chức bởi Ngân hàng trung ương Campuchia (NBC), Viện nghiên cứu Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với mục tiêu cung cấp một diễn đàn để thảo luận các thông lệ tốt nhất trong phát triển các hoạt động giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng nhằm đẩy mạnh phổ cập tài chính tại Campuchia và các quốc gia Đông Nam Á. Tham dự hội thảo có mặt của đông đảo các lãnh đạo, chuyên gia tài chính từ Campuchia và một số quốc gia châu Á, bao gồm các lãnh đạo từ các ngân hàng trung ương, bộ tài chính, cơ quan hoạch định chính sách, các lãnh đạo chính phủ và từ các tổ chức quốc tế và các nhà nghiên cứu, các đại diện từ khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ.

 

TS. Đinh Thị Thanh Vân được mời tham gia làm người điều hành phiên hội thảo thứ 2 về Đánh giá hiểu biết tài chính trong ngày thứ nhất của hội thảo và vinh dự là người trình bày Điểm nhấn nghiên cứu (research spotlight) về vai trò phát triển các công ty công nghệ tài chính (fintech) trong việc đẩy mạnh phổ cập tài chính ở châu Á và đưa ra một số kinh nghiệm về giáo dục tài chính tại Việt Nam trong ngày thứ 2 của Hội thảo. Bài trình bày của TS. Vân nhấn mạnh tới việc phát triển đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng cho các công ty fintech phát triển là yếu tố quan trọng trong thúc đẩy phổ cập tài chính ở Việt Nam. Ngoài ra, TS. Vân cũng trình bày một số kinh nghiệm hợp tác với các công ty fintech trong giáo dục tài chính ở Việt Nam do Mạng lưới Tài chính cá nhân Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua. Mạng lưới Tài chính cá nhân Việt Nam là một nhóm nghiên cứu và đào tạo về tài chính cá nhân do các giảng viên, các nhà hoạt động thực tiễn ở Việt Nam thành lập năm 2015.

 

Ảnh: TS. Đinh Thị Thanh Vân chụp ảnh với các đại biểu của Hội thảo

 

Bài trình bày của TS. Vân đã nhận được rất nhiều câu hỏi, đánh giá cao từ các khách mời tham dự hội thảo. Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) tiếp tục mời TS. Vân chia sẻ trong Hội thảo tiếp theo của Tổ chức này kết hợp với Ngân hàng Trung ương Malaysia trong thời gian 11-12/12/2019. Đây là cơ hội để giảng viên của Trường ĐH Kinh tế được tiếp xúc và làm việc với các chuyên gia hàng đầu về Tài chính cá nhân trên thế giới và đẩy mạnh hoạt động của nhóm nghiên cứu về Tài chính cá nhân của Trường ĐH Kinh tế trong thời gian tới.

Tin: Duy Khánh – Khoa TCNH, Trường ĐH Kinh tế



FullName Email
Address Security code GJIFSB
Content