Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Về một người thầy

GS. Trần Phương
Bằng sự trưởng thành của mình, chúng tôi dám nói một cách chắc chắn rằng: sự thành công của một cơ sở đào tạo luôn gắn liền với việc quy tụ, thu hút và xây dựng được một đội ngũ những người thầy giỏi, tâm huyết.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi vượt qua kỳ thi vào đại học với kết quả tương đối cao. Tôi được gọi vào lớp “dự bị ngoại ngữ” tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) để chuẩn bị đi du học ở nước ngoài.
Sau khi hoàn tất khóa học, một ngày tháng 8 năm 1974, tôi chia tay người thân ở quê để lên Hà Nội, chuẩn bị “xuất ngoại”. Ngày hôm sau lớp chúng tôi sẽ lên tàu đi Rumani thì tối hôm trước, tôi mới biết mình không có tên trong danh sách những người được đi. Thời đó, còn chiến tranh, đối với những người được nhà nước cử đi học ở nước ngoài, ngoài những điều kiện khác, người ta rất chú ý đến chuyện lý lịch gia đình. Mãi nhiều năm sau này tôi mới được biết, với trường hợp tôi, chỉ vì một lá đơn kiện không có nhiều căn cứ nào đó mà người ta giữ tôi lại. Hóa ra, buổi háo hức lên tàu xuất ngoại lại biến thành buổi chia tay buồn vui lẫn lộn giữa tôi và bạn bè cùng lớp học ngoại ngữ.
Do không được đi “Tây”, tôi được chuyển vào học ở Đai học Tổng hợp Hà Nội theo nguyện vọng mà tôi đã ghi lúc thi vào đại học. Tin chắc mình sẽ vào học tại Khoa Toán, (tôi vốn học lớp “chuyên Toán” tại cấp 3 Nguyễn Huệ, Hà Đông), để vượt qua nỗi buồn, trong mấy tháng chờ đợi nhập trường mới, tôi lao vào đọc, nghiên cứu trước một số cuốn giáo trình toán đại học. Tôi còn nhớ, tôi hầu như không hề gặp khó khăn gì khi tự nghiên cứu những cuốn như “Cơ sở giải tích toán học” của Fich-ten-gon hay “Cơ sở đại số hiện đại” của Sze-Tsen Hu… Tôi nghĩ Toán là cái duyên, là sở học của tôi.
Đầu tháng 11 năm 1974, tôi nhập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội theo giấy báo của nhà trường. Cùng với Minh, bạn cùng quê của tôi, lúc đó đang là sinh viên năm thứ hai khoa Toán, tôi lần theo từng hàng trong danh sách sinh viên mới dán trước bảng tin Khoa Toán. Tìm đi tìm lại tôi không thấy tên mình trong danh sách. Như “con chim sợ cành cong”, tim tôi thắt lại, một nỗi lo mơ hồ nào đó xuất hiện: lại có chuyện gì đó bất ngờ đã xảy ra khiến ngay cả việc vào học đại học ở trong nước của tôi cũng không thành.
Bạn tôi bình tĩnh hơn, lôi tôi sang bảng tin thuộc địa phận của các khoa khác. Cuối cùng nó bất ngờ kêu lên: “Hồng ơi, thấy tên mày rồi này! Mày được phân vào Khoa Kinh tế Chính trị”. Cả hai đứa bọn tôi đều không biết chút gì về khoa mới, lần đầu tiên xuất hiện ở ĐH Tổng hợp Hà Nội này. Tôi mừng vì mình chính thức là sinh viên của trường, song cũng thất vọng vì không được học Toán, mà lại phải học Kinh tế Chính trị.
Chúng tôi làm thủ tục nhập Khoa rất thuận lợi. Khóa sinh viên đầu tiên của Khoa chúng tôi chưa đến 50 người. Có chừng hơn 10 anh chị lớn tuổi đã từng đi bộ đội, thanh niên xung phong; còn lại đa số là học sinh mới tốt nghiệp trung học phổ thông như tôi. Những người này cũng như tôi chẳng hiểu Kinh tế Chính trị là gì và cũng không lựa chọn học Kinh tế Chính trị.
Sau này chúng tôi biết, vì là Khoa mới thành lập, hầu như chưa có sinh viên đăng ký theo học, nên Khoa được nhà trường cho ưu tiên chọn trước các sinh viên vào Khoa trong số các sinh viên mới của toàn trường (thời đó, cách phân sinh viên vào các khoa có đôi chút khác bây giờ). Nghe nói, Khoa chọn các sinh viên vừa có điểm thi vào đại học cao, vừa có kết quả học tập khá, giỏi về cả các môn khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội ở những năm cấp 3. Việc ưu tiên như vậy được duy trì trong một vài khóa đầu. Chất lượng đầu vào tốt là một trong những điều kiện thuận lợi để Khoa triển khai đào tạo các khóa đầu tiên.
Trở lại chuyện nhập trường. Vì bị “bắt vào Khoa" nên đám học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông chúng tôi rất buồn. Nhiều đứa con gái đã khóc. Đa số nằng nặc xin được chuyển khoa. Dĩ nhiên, nguyện vọng kiểu này không được chấp nhận. Các thầy, cô giải thích đại loại: Các em thích ngành này, ngành nọ mới chỉ là cảm tính. Cứ vào học rồi các em sẽ hiểu và yêu khoa học Kinh tế Chính trị.
Rồi chúng tôi được nghe thầy Trần Phương - Chủ nhiệm khoa đầu tiên, người sáng lập Khoa đầy tâm huyết nói chuyện (lúc này thầy là Viện trưởng Viện Kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHXH Việt Nam, đồng thời là một trong những trợ lý tin cậy của Tổng Bí thư Lê Duẩn). Thầy cũng trực tiếp giảng cho chúng tôi những bài đầu tiên về kinh tế chính trị.
Nhiều năm đã trôi qua, song tôi vẫn không quên được những ấn tượng về thầy. Mái đầu húi cua, đôi mắt thường nheo nheo cười (nếu không phải là bất kính với thầy, tôi sẽ nói rằng đôi mắt của thầy luôn ánh lên những tia “nghịch ngợm”), vầng trán rộng, cả người thầy luôn toát lên vẻ “bác học”. Giọng thầy rất ấm, truyền cảm. Những bài nói, bài giảng của thầy luôn cuốn hút chúng tôi. Qua thầy, chúng tôi hiểu rằng Kinh tế Chính trị cũng là một bộ môn của khoa học kinh tế nói chung; song khác với các chuyên ngành kinh tế cụ thể khác, nó thiên về nghiên cứu những quy luật chung, những vấn đề kinh tế tổng hợp của cả nền kinh tế chứ không đi vào những khía cạnh đặc thù của từng ngành hay lĩnh vực.
Thầy thường nói, khi ra trường, những người học kinh tế chính trị kể cả khi vào làm ở những ngành kinh tế cụ thể như kinh tế công nghiệp, kinh tế nông nghiệp, thời gian đầu có thể không thuận lợi bằng những người được đào tạo chuyên sâu, song sau một thời gian ngắn, bằng nhãn quan và tư duy tổng hợp, với khả năng tự học hỏi, tự đào tạo, họ sẽ không thua kém bất cứ chuyên gia kinh tế ngành cụ thể nào. Ngay từ hồi đó, chúng tôi đã dần dần “ngộ” ra rằng, đại học không phải là trường phổ thông “cấp 4”, học đại học có nghĩa là học phương pháp, là tự học, tự nghiên cứu, tự đào tạo.
Những bài giảng “khai tâm” của thầy đối với lứa sinh viên khóa 1 chúng tôi thật ấn tượng. Chúng đầy ắp những sự kiện thực tế, được cắt nghĩa, được lý giải bằng những nguyên lý, quy luật. Thầy cũng thường cho chúng tôi biết những tranh luận chính sách mà những người nghiên cứu, tư vấn như thầy phải đương đầu. Vào thời đó, ít giảng viên có điều kiện và khả năng làm được như thầy. Chúng tôi cảm thấy mình được tin tưởng, được chia sẻ thông tin, được khuyến khích khả năng tư duy độc lập để có thể dám “dấn thân” vào những vấn đề gai góc của nền kinh tế.
Cách diễn đạt của thầy cũng rất độc đáo. Chẳng hạn, khi phê phán chính sách giá cả thời “bao cấp”, thầy khái quát: đó là chính sách “mua như cướp, bán như cho”. “Mua như cướp” vì Nhà nước lập kế hoạch thu mua nông sản của nông dân với mức giá áp đặt cực kỳ rẻ mạt, thấp hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất. Thầy nói: “Với giá thu mua thịt lợn của Nhà nước, người nông dân chỉ thực sự có lãi nếu nuôi lợn toàn bằng không khí”.
Bán như cho” vì Nhà nước cung cấp lại hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân, chủ yếu qua hệ thống tem phiếu, cũng với giá bao cấp, rẻ hơn rất nhiều so với giá “chợ đen” (giá ở thị trường tự do song thời đó bị cấm đoán). Với hệ thống “giá kế hoạch”, bất chấp quy luật giá trị như vậy, người sản xuất không còn động lực để sản xuất.
Bởi thế, thầy nói đùa: “Muốn xóa sổ một ngành hàng rất đơn giản, chỉ cần Nhà nước đưa sản phẩm của nó vào kế hoạch thu mua”. Trong những năm tháng mà niềm tin vào Nhà nước, vào tính ưu việt của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, vào mô hình kinh tế Xô Viết còn chưa bị nghi ngờ, cách đặt vấn đề của thầy quả là mới mẻ, cấp tiến.
Khi học Kinh tế Chính trị, chúng tôi dần dần được giới thiệu và tiếp xúc với các tác phẩm của các nhà kinh điển C. Mác, F. Ăngghen… Thầy khuyên chúng tôi cố gắng đọc trực tiếp các tác phẩm của họ như là các tác phẩm của các nhà bác học. Lối đọc gián tiếp, qua lăng kính của người khác, kể cả những người nổi tiếng như Mao Trạch Đông, dễ làm người ta lạc lối. Hiểu được một tư tưởng, một nguyên lý nghĩa là phải dùng được tư tưởng ấy, nguyên lý ấy trong đời sống thực tiễn. Thầy hay chê những người chỉ nhắc lại người khác như một con vẹt và gọi đó là những người “Ăn ngô lại… ị ra ngô”.
Sau vài tháng được học ở Khoa, được nghe những bài giảng, bài nói chuyện hấp dẫn từ những người thầy đáng kính, người đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của Khoa như thầy Trần Phương, thầy Đào Văn Tập (lúc bấy giờ là Viện phó Viện Kinh tế và kiêm Phó chủ nhiệm khoa, Về sau, khi thầy Phương chuyển công tác thì thầy Tập tiếp quản chức Chủ nhiệm khoa) và nhiều người khác nữa, dần dần chúng tôi hiểu và yêu ngành học của mình.
Tôi an tâm học ở Khoa, dù rằng riêng tôi đã có cơ hội được chuyển sang học ở Khoa Toán khi một người thầy dạy ở đó vì biết quá trình tôi học chuyên toán ở cấp 3 đã xin chuyển giúp. Cứ thế, học kỳ đầu tiên, rồi năm học đầu tiên của chúng tôi trôi qua thật nhanh. (Một vài năm sau, mỗi lần có sinh viên năm thứ nhất nhập học, trước hiện tượng sinh viên xin chuyển ngành học, Khoa lại cử những người như tôi gặp gỡ, nói chuyện với họ. Bằng câu chuyện của mình, hình như tôi cũng thuyết phục được không ít người).
Sang năm thứ hai, chúng tôi ít được nghe thầy Trần Phương giảng. Công việc chính của thầy là ở Viện Kinh tế, ở Ủy ban Khoa học Xã hội… chứ không phải ở Khoa. Thầy chỉ là người thiết kế đường hướng phát triển của Khoa, đưa một bộ phận các cán bộ của Viện Kinh tế sang làm việc kiêm nhiệm ở Khoa, tìm kiếm dần cán bộ, giảng viên chuyên trách với công việc của Khoa để giúp thầy triển khai các ý tưởng của mình. Quan hệ gắn bó giữa Khoa và Viện Kinh tế bắt nguồn từ đó. Thỉnh thoảng thầy mới vào Khoa họp hành, gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, sinh viên.
Cuối năm thứ hai, chúng tôi có một kỳ đi nghiên cứu thực tế. Chúng tôi được đưa về các hợp tác xã (HTX) ở vùng quê Nam Định. Chúng tôi được bố trí vào ở trong các gia đình nông dân (các xã viên của HTX). Sau khi được nghe các báo cáo về tình hình sản xuất của HTX, được xem xét, khảo sát sổ sách, được tiếp xúc, hỏi han cán bộ HTX, hay bà con xã viên…, dưới sự hướng dẫn của giáo viên đi kèm nhóm (giáo viên hướng dẫn của nhóm sinh viên chúng tôi là anh Chu Vũ, lúc đó là cán bộ nghiên cứu của Viện Kinh tế), mỗi người chúng tôi phải tự xác định một đề tài, dựng đề cương, chuẩn bị một bản thu hoạch dưới dạng một chuyên đề khoa học.


PGS.TS Phí Mạnh Hồng (thứ ba từ phải sang) - tác giả của bài viết

Sau khoảng hai tuần sống ở vùng “thực tập”, đầu một buổi sáng chủ nhật, anh Vũ triệu tập nhóm và thông báo thầy Phương sẽ từ Hà Nội xuống nghe sinh viên báo cáo kết quả khảo sát thực tế. Tôi không còn nhớ chi tiết nội dung của cuộc gặp này. Nhưng tôi nhớ rằng chúng tôi đã rất vui và hồi hộp khi được gặp lại thầy.

Thầy đã nghe anh Vũ báo cáo tình hình làm việc của nhóm, rồi nghe chúng tôi báo cáo kết quả khảo sát. Thầy chất vấn, góp ý, đặt ra những câu hỏi, vấn đề để chúng tôi tiếp tục khảo sát. Thầy khuyến khích chúng tôi đưa ra những ý kiến riêng, những lập luận hay kiến giải độc lập. Sau này, về Hà Nội, chúng tôi có một thời gian để hoàn thiện báo cáo của mình. Dưới sự chỉ đạo và ưu ái của thầy và sự giúp đỡ của các giáo viên hướng dẫn, sau nhiều ngày sửa đi, sửa lại bài viết một cách cực nhọc, báo cáo - bài viết của tôi và 4 người khác trong lớp được chọn để đăng dần trên một số số tạp chí nghiên cứu kinh tế. Tôi vẫn biết rằng đó chỉ là bài nghiên cứu khoa học sinh viên, song cũng không khỏi tự hào khi lần đầu tiên thấy bài của mình được đăng trên một tạp chí nghiên cứu có uy tín.
Qua việc này, thầy muốn “trình làng” phần nào sản phẩm của mình; còn chúng tôi cũng thấy tự tin hơn, ham thích hơn khi “mon men” đến “lâu đài khoa học”. Chính sự tin cậy của các thầy mà sau này nhiều người lớp tôi đã gắn bó với nghiệp giảng dạy, nghiên cứu nhiều vất vả song cũng lắm niềm vui.
Sau Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) một thời gian, năm 1977, thầy được điều sang làm Thứ trưởng Bộ Nội thương. Trước khi chia tay Khoa, thầy có một buổi nói chuyện với cán bộ, sinh viên. Thầy nói đại ý: dù thế nào thì dạy học vẫn là nghề mà thầy yêu quý. Vì thế, thầy hy vọng, sau khi hoàn thành những trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó, thầy lại được trở về với nghề “gõ đầu trẻ”. Là những học trò của thầy, cả sau này khi đã ra trường, chúng tôi vẫn dõi theo sự nghiệp “quan chức” của thầy. Chúng tôi thấy tự hào khi thầy của mình trở thành Bộ trưởng, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng).
Sau vụ “giá, lương, tiền" năm 1985 cận kề đổi mới, thầy rời chính trường. Và quả như lời thầy đã nói lúc chia tay chúng tôi, thầy lại trở lại nghề dạy học nhưng giờ đây với cương vị mới. Năm 1996, Thầy lập trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (nay là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) và là Hiệu trưởng của Trường từ đó đến nay.
Là người sáng lập Khoa Kinh tế Chính trị (1974) thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay, thầy Trần Phương là một người thầy đặc biệt. Đặc biệt cả theo nghĩa là người không dễ gặp, mặc dù thời là sinh viên, mỗi khi tiếp xúc với thầy trên giảng đường chúng tôi không hề có cảm giác đó. Từ 1976 đến nay, chúng tôi hiếm khi được gặp lại thầy.
Năm 1994, khi Khoa tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, Ban tổ chức phải thuyết phục mãi thầy mới đến dự. Hôm đó, thầy có một bài phát biểu rất hay, đúng kiểu “Trần Phương”: sắc sảo, nhiệt huyết, dí dỏm. Thầy tự hào về quyết định thành lập ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội một Khoa đào tạo cơ bản chuyên về lý luận kinh tế, về sự trưởng thành của Khoa và mong Khoa luôn phát triển trên nền tảng định hướng đó.
Năm 2004, thầy không về dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Khoa. Cũng năm đó, lớp Kinh tế Chính trị khóa 1 chúng tôi cũng tổ chức một buổi họp lớp kỷ niệm 30 năm ngày nhập trường, 25 năm ngày ra trường. Đại diện lớp cũng đến gặp thầy, mời thầy đến dự. Thầy không đến nhưng có gửi cho những học trò cũ một bức thư viết tay, gửi gắm tình cảm nồng ấm của thầy đối với chúng tôi. Tôi không biết ai trong chúng tôi còn lưu giữ được bức thư này? Nói chung, thầy là người không thích hội hè, không thích những ngày lễ lạt, kỷ niệm. Thầy là người của công việc, của sự đam mê khoa học và cũng là người gắn bó với sự nghiệp trồng người. Sinh năm 1927, giờ đã bước vào tuổi 85 song thầy vẫn chưa nghỉ ngơi.
Là người sáng lập Khoa và là Chủ nhiệm Khoa đầu tiên, chỉ với 3 năm ngắn ngủi, thầy Trần Phương đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Khoa và Trường Đại học Kinh tế sau này. Những dấu ấn mà thầy để lại như một nhà khoa học bản lĩnh, sắc sảo, đầy đam mê và đầy cá tính trong những khóa sinh viên đầu tiên của Khoa quả là sâu, đậm.
Với nhân cách khoa học của mình, thầy đã quy tụ được nhiều cộng sự giàu tâm huyết. Bằng uy tín của mình, thầy và Khoa đã thu hút được những chuyên gia kinh tế hàng đầu của đất nước từ các các cơ sở nghiên cứu, đào tạo khác nhau đến tham gia giảng dạy ở Khoa. Những thế hệ sinh viên đầu tiên của Khoa được hưởng lợi rất nhiều từ điều đó. Bằng sự trưởng thành của mình, chúng tôi dám nói một cách chắc chắn rằng: sự thành công của một cơ sở đào tạo luôn gắn liền với việc quy tụ, thu hút và xây dựng được một đội ngũ những người thầy giỏi, tâm huyết.  

Phí Mạnh Hồng (Chủ nhiệm Khoa Kinh tế thời kỳ 2004-2007) Bài viết đạt Giải Nhất cuộc thi viết “Đại học Kinh tế và tôi”

FullName Email
Address Security code MJYCQJ
Content