Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Mãi tự hào là sinh viên của Khoa Kinh tế

Các thế hệ sinh viên Kinh tế gặp mặt nhân dịp Khoa kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (1974-2004)
Còn nhớ cách đây 30 năm, cũng như bao bạn bè khác, tôi hăm hở tựu Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với rất nhiều mơ ước. Nhưng thật oái ăm, từ một anh học sinh chuyên văn xứ Nghệ, tôi đã bị điều động sang học Khoa Kinh tế Chính trị - một Khoa mới toanh của trường.

Tâm trạng hẫng hụt pha chút lo âu đã khiến cho tất cả chúng tôi chán năn. Cố một vài lời khuyên mơ hồ vẫn chưa đủ sức thuyết phục được tôi bỏ ý định xin trở về Khoa Văn. Một chút tò mò lẫn sự phiêu lưu chợt đến. Rồi bài nói chuyện tại buổi lễ khai giảng của GS. Trần Phương, thầy Chủ nhiệm khoa đầu tiên, đã làm thay đổi tất cả. Một thế giới mới lạ với rất nhiều khám phá xung quanh về hàng hóa, giá trị, quan hệ cung cầu… như có ma lực hấp dẫn tôi. Những bài giảng đầu tiên của các thầy, cô giáo đã lôi cuốn tôi, từ thích đến yêu rồi say mê và cuối cùng là một cái nghiệp theo suốt cuộc đời. Từ một học sinh khóa I của Khoa về công tác ở Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, đến nay tôi đã trở thành một chuyên gia nghiên cứu về kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Tôi không hiểu ở những khoa khác, trường khác họ học ra sao, còn chúng tôi học ngành này với tất cả niềm say mê, sáng tạo. Lứa tôi, mọi người đọc bộ “Tư bản” quên cả ăn. Chúng tôi tranh luật sôi nổi suốt ngày. Nhiều bài học theo vào giấc ngủ thành các ý kiến tranh luận trên báo tường lớp và đặc biệt, phong trào nghiên cứu khoa học đã trở thành một nề nếp tốt để mọi người trong lớp tôi (dĩ nhiên có cả tôi) đã có bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế. Thật khó có thể diễn tả hết nỗi vui sướng của chúng tôi lúc đó và chúng tôi hiểu, điều quan trọng là GS. Trần Phương, GS. Đào Văn Tập đã dạy cho chúng tôi những bài tập đầu tiên trong cuộc đời nghiên cứu sau này.

Vượt qua khó khăn trong điều kiện sinh hoạt, chúng tôi gắn bó, chia sẻ và động viên nhau trong học tập. Học bạn như là sự bổ sung hữu hiệu cho học thầy. Các nhóm bạn của chúng tôi đã trở thành những tổ nhóm nghiên cứu khoa học, nó thu hút cả những sinh viên lớp dưới. Truyền thống đó vẫn còn giữ mãi đến ngày nay, dù đã sau 30 năm, nhiều trong số chúng tôi vẫn đứng cùng nhau trong các đội nghiên cứu đặc nhiệm khi tham gia trả lời các vấn đề lớn của đất nước. Những tiếp cận mới, nhiều chiều cạnh, có tầm chiến lược không dễ được hình thành tức thì mà nó là cả một quá trình tích lũy hàng chục năm. Sau những thành công nghiên cứu, chúng tôi luôn thầm tự hào mình là dân được đào tạo từ “lò” Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Bao nhiêu thế hệ sinh viên của Khoa đã được ra trường. Một trong số đã làm việc tại cơ quan chúng tôi, rất chững chạc, giàu say mê và đầy niềm hứng khởi, nhiều em đã trở thành trụ cột, chủ chốt trong cơ quan nghiên cứu, giảng dạy và hoạch định chính sách kinh tế của đất nước. Thật tự hào là các thế hệ sinh viên của Khoa vẫn tiếp nối được truyền thống của những người đi trước.

Tôi nay đã là Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, tuy bận công việc khác, vẫn rất thích được trở về Khoa, đứng lớp. Tôi không chỉ muốn truyền đạt kiến thức, những điều cập nhật cho các sinh viên mà còn muốn được truyền cả tâm huyết và niềm say mê khoa học mà Khoa đã hun đúc trong tôi suốt ba chục năm nay. Đó cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm, chút lòng của những con người đã lớn lên từ chiếc nôi này.

Dù đi đâu và làm gì, tôi vẫn mãi tự hào là sinh viên của Khoa Kinh tế. Xin cho tôi bày tỏ lòng tri ân đối với các thế hệ thầy cô giáo và cán bộ, công chức của Khoa, nhất là những người đã trực tiếp dạy dỗ tôi nên người hôm nay.

Sinh viên khóa I Khoa Kinh tế - Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ngày nay

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thắng(*)

Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới,
Sinh viên Khóa I Kinh tế chính trị (1974 - 1979)


Kỷ yếu "Khoa Kinh tế- ĐHQGHN, 30 năm xây dựng và phát triển (1974-2004)

FullName Email
Address Security code MUCPAG
Content