Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Ngưỡng mộ 2 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, thủ khoa bằng “kép”

Học một bằng đại học để nhận được kết quả xuất sắc đã khó, thế nhưng Từ Bích Ngọc và Dương Phúc Thưởng - sinh viên ĐHQGHN đã xuất sắc trở thành thủ khoa tốt nghiệp ĐH theo chương trình bằng kép. Kết quả học tập này thực sự làm nhiều sinh viên ngưỡng mộ.

Từ Bích Ngọc: Học không có ngày nghỉ

Từ Bích Ngọc - sinh viên chương trình bằng kép ngành Tài chính - Ngân hàng giữa Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã tốt nghiệp cả 2 chương trình với kết quả xuất sắc.

Từ Bích Ngọc tại Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc

Từ Bích Ngọc vốn là sinh viên lớp 09C7 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc của Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN). Năm 2013, Ngọc đã tốt nghiệpxuất sắc ngành học của mình với điểm tổng kết 3.86/4. Tại Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT), Ngọc là sinh viên lớp QH-2011-E TCNH LK thuộc chương trình bằng kép liên kết giữa trường ĐHKT và trường ĐHNN. Năm nay, Ngọc cũng đã hoàn thành chương trình này với số điểm đáng ngưỡng mộ: 3.7/4.

Luôn quan niệm rằng kiến thức về kinh tế rất cần thiết trong đời sống, dù đơn giản là để quản lý chi tiêu cá nhân hay để sau này tham gia công tác ở các cơ quan,doanh nghiệp, vì vậy, dù biết đây không phải là thế mạnh của bản thân nhưng Ngọc vẫn luôn muốn tìm cơ hội học một văn bằng chứng chỉ ngành Kinh tế. Khi là sinh viên năm thứ 2 Trường ĐHNN, Ngọc được biết về chương trình bằng kép liên kết với trường ĐHKT. Dù biết để học chương trình này sẽ rất vất vả với lịch học dày đặc nhưng Ngọc nhận thấy đây là một cơ hội tốt có thể hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau này, vì vậy, đến đầu năm thứ 3, Ngọc đã đăng ký thi tuyển và theo học chương trình bằng kép ngành Tài chính - Ngân hàng.

Cũng như đại đa số sinh viên trường ĐHNN học bằng kép, Ngọc biết mình sẽ đối diện với khó khăn là việc học cùng lúc hai trường có thể sẽ kéo thấp điểm của một, thậm chí cả hai bên xuống. Nhất là đối với sinh viên Trường ĐHNN, lĩnh vực kinh tế không phải là sở trường. Vì vậy, ban đầu Ngọc không dám đặt kỳ vọng sẽ đạt được kết quả học tập cao như vậy tại Trường ĐHKT. Tuy nhiên trong quá trình học, Ngọc đã luôn cố gắng hết mình.

Kể lại quá trình học tập vất vả của mình, Ngọc cho biết: “Có những kỳ học cả 2 trường em đã đăng ký đến 12 môn. Đi học suốt từ 7h sáng đến 6h tối, học cả thứ bảy, chủ nhật; có những lúc một buổi chiều em thi liền 3 môn, từ 1 giờ đến 6, 7 giờ tối mới xong… Chương trình học có nhiều môn giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh trong khi ngành 1 của em là tiếng Trung, hay nhiều môn liên quan đến Toán học - mà đây không phải là thế mạnh của em cũng như của sinh viên Trường ĐHNN nói chung, vì vậy em phải chuẩn bị bài rất kỹ trước khi đến lớp, đồng thời làm thêm nhiều bài tập khi về nhà mới có thể theo kịp tiến độ của lớp”.

Thông thường mỗi môn học ở Trường ĐHKT đều được chia ra 40% điểm tích lũy trong cả kỳ, và 60% điểm từ bài kiểm tra cuối kỳ. Phương pháp học của Ngọc là tập trung giành điểm thật cao ở 40% đầu bằng việc đi học đầy đủ, đúng giờ, tham gia xây dựng bài trên lớp, hoàn thành tốt và đúng hạn các bài tập nhóm được giao. Để có thể tham gia xây dựng bài trên lớp thì trước khi vào giờ học Ngọc thường tranh thủ đọc trước những nội dung sẽ học trong ngày, nếu không kịp đọc trước thì cố gắng nghe giảng viên giảng bài và đặt câu hỏi.

Đối với các bài tập nhóm, bài thuyết trình, để hoàn thành tốt và đúng hạn thì ngay từ khi được giảng viên giao đề tài và phân nhóm, Ngọc thường xung phong làm nhóm trưởng, đặt ra kế hoạch làm việc cụ thể trong nhóm, kiểm tra tiến độ của các thành viên, xây dựng nhóm làm việc tích cực để đạt được kết quả mong muốn. Nhờ lượng kiến thức được tích lũy đó, đến cuối kỳ, Ngọc chỉ cần hệ thống lại một lượt là có thể tương đối tự tin với bài kiểm tra kết thúc môn học.

Theo Ngọc, sinh viên càng chăm chỉ thì việc học bằng kép càng mang lại nhiều lợi ích. Trước tiên là được học hỏi, tích lũy thêm kiến thức mới; sau đó là rèn luyện tính cần cù và nhẫn nại. Ngoài ra, mỗi môn học còn là một cơ hội để mài giũa những kỹ năng mềm như: quản lý và phân bổ thời gian, làm việc nhóm, trình bày văn bản, thuyết trình trước đám đông… và điểm số chính là thước đo xem bản thân đã tiến bộ được bao nhiêu. “Học bằng kép thực sự là một thử thách, nhưng một khi đã vượt qua được thì sinh viên sẽ có khả năng thích ứng với môi trường làm việc năng động và cường độ cao, tư duy linh hoạt và sáng tạo hơn” - Ngọc đúc kết.

Hiện tại Ngọc đang công tác tại Thông tấn xã Việt Nam với vị trí biên tập và biên dịch tiếng Trung Quốc. Tới đây, Ngọc sẽ chính thức được nhận tấm bằng tốt nghiệp Xuất sắc của Trường ĐHKT - ĐHQGHN.

Dương Phúc Thưởng (bên trái)  tại lễ trao bằng tốt nghiệp của Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN

Dương Phúc Thưởng: Cố gắng không để môn học nào dưới 7 điểm

Dương Phúc Thưởng không chỉ đạt danh hiệu Thủ khoa ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên năm 2013 mà năm 2014 Thưởng tiếp tục là Thủ khoa của ngành Kinh tế Phát triển - Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN.

Thưởng tâm sự: “Thú thực, những ngày đầu tiên khi theo học chương trình Kinh tế Phát triển, em chỉ mong học thêm được một số kiến thức về kinh tế nói chung, kiến thức về Kinh tế Môi trường để bổ trợ cho ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên mà em đang theo đuổi mà thôi. Nhưng rồi sự thật là chương trình đào tạo ngành kép Kinh tế Phát triển - Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên đã lôi cuốn, dẫn dắt em tới danh hiệu Thủ khoa đầu ra của cả 2 ngành. Em rất trân trọng danh hiệu đó   nhưng quan trọng nhất là gợi lên niềm đam mê và cái tâm của em đối với lĩnh vực mình đang theo đuổi”.

Chia sẻ về việc học 2 bằng đại học, Thưởng cho biết, vì không quá coi trọng thành tích nên em không thấy áp lực gì đáng kể cả bởi đại học thú vị hơn chương trình học phổ thông. Sinh viên chúng em hoàn toàn chủ động trong việc học tập và nghiên cứu.Trong quá trình học, em chỉ đặt ra một mục tiêu duy nhất cho mình là cố gắng không để có điểm dưới 7. Có một khoảng thời gian, em học cùng lúc 2 ngành nên khá bận bịu vì bài vở. Để tiết kiệm thời gian, em luôn chú ý lắng nghe thầy cô giảng trên lớp và tích cực tham gia đóng góp xây dựng bài để hiểu kĩ bài giảng. Điều này khiến việc ôn thi cuối kỳ của em cũng đỡ vất vả hơn.

Bên cạnh việc học tập và nghiên cứu, Thưởng đã tham gia điều hành và sinh hoạt trong câu lạc bộ kỹ năng của khoa, đi tình nguyện ở các địa phương và tham gia nhiều hoạt động Đoàn - Hội khác như tham gia BCH Liên chi Đoàn và hoạt động trong CLB kỹ năng GEO-BUS của khoa, tham gia đội xung kích đi tình nguyện xa, rồi đội thiện nguyện ở biên giới Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An)…

Với những nỗ lực cố gắng không ngừng đó, Thưởng đã đạt danh hiệu Thủ khoa ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên (6/2013) điểm tốt nghiệp 3.5/4 và Thủ khoa ngành Kinh tế Phát triển (9/2014): 3.35 /4.Thưởng đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

>>> Xem bài gốc tại đây 

Chi Nguyên - Dantri.com.vn

FullName Email
Address Security code PIAVOK
Content