Tài chính thông minh: Không nên vay quá 30% thu nhập để tránh bị nợ vùi đầu

Chia sẻ trong chương trình Tài chính thông minh số 4, Ths Phạm Thế Thành khuyên mỗi cá nhân chỉ nên vay khi hiểu rõ tình hình tài chính và lên kế hoạch trả nợ rõ ràng. Ngoài ra người đi mượn tiền cũng đừng quên lựa chọn tổ chức uy tín, cân nhắc lãi suất, phí, điều khoản vay...



Trong chương trình Tài chính thông minh, ThS. Phạm Thế Thành - giảng viên Khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng có rất nhiều mục đích của việc vay vốn như vay để đầu tư, để khởi sự, mở rộng kinh doanh, để tiêu dùng hay sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp….

"Dù với mục đích nào, việc vay vốn chỉ nên được thực hiện sau khi đã nghiêm túc cân nhắc tình hình tài chính của bản thân và lên kế hoạch trả nợ rõ ràng cũng như tham khảo những giải pháp khác", ThS. Phạm Thế Thành nói.

Cụ thể, một người cần tối ưu hóa thu - chi của bản thân trước bằng việc ghi chép và đánh giá các khoản thu chi của mình trong khoảng 2 tháng. Sau đó tự đặt những câu hỏi: Khoản chi tiêu nào có thể cắt giảm? Khoản thu nhập nào đáng lý ra có thể cao hơn? Mình cần bao nhiêu tiền cho các mục tiêu tài chính tiếp theo?

Bên cạnh đó cũng cần tiết kiệm để đầu tư, xây dựng quỹ dự phòng rủi ro cá nhân. Hàng tháng, mỗi cá nhân nên lập kế hoạch, dành riêng một khoản thu nhập cho việc đầu tư hay phòng trường hợp khẩn cấp. Cách làm “trong an thì phải lo nguy” này giúp cho mỗi người thêm chủ động trước các biến động trong cuộc sống.  

Thu Phạm Thế Thành chia sẻ về phương pháp quản lý nợ trong chương trình Tài chính thông minh của Báo Lao động.
ThS. Phạm Thế Thành chia sẻ về phương pháp quản lý nợ trong chương trình Tài chính thông minh của Báo Lao Động. 

Về câu hỏi nên vay bao nhiêu là hợp lý, chuyên gia tài chính cá nhân cho biết có rất nhiều nguyên tắc tùy thuộc vào mức thu nhập và hoàn cảnh của mỗi người. Tác giả Elizabeth Warren trong cuốn sách “All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan” (Kế hoạch tài chính trọn đời) từng đưa ra nguyên tắc 50/20/30.

Theo đó, 50% thu nhập để chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu, 20% dùng để tiết kiệm và 30% sử dụng cho các mục đích khác. Với cách quản lý tài chính thông minh này, để đảm bảo đời sống hàng ngày và dự phòng bản thân trước rủi ro, mỗi người chỉ nên vay trong phạm vi sao cho nghĩa vụ nợ tại mỗi kỳ trả nợ (bao gồm cả gốc và lãi) tương đương hoặc không vượt quá 30% thu nhập. 

Xét ví dụ một cá nhân có thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Theo nguyên tắc 50/20/30, người này hàng tháng dành 10 triệu đồng cho nhu cầu thiết yếu, 4 triệu đồng cho tiết kiệm, còn lại 6 triệu đồng chi tiêu tự do, bao gồm việc trả nợ và cá nhân đó nên lựa chọn khoản vay sao cho nghĩa vụ nợ hàng tháng (cả gốc và lãi) không vượt quá 6 triệu đồng.

Các công cụ để tính toán khoản này được cung cấp trên website của các tổ chức tín dụng và khá dễ sử dụng. Mỗi người có thể nhập số tiền vay, kỳ hạn trả nợ, lãi suất để tính toán được khoản phải trả hàng tháng.

Trong ví dụ đang xét, nếu khoản phải trả hàng tháng vượt quá 6 triệu đồng, cá nhân trên sẽ phải cắt giảm khoản tiết kiệm hay các nhu cầu thiết yếu để trả nợ, chưa kể tới các khoản phát sinh khác.

Để quản lý tài chính thông minh, Ths Phạm Thế Thành đưa ra 3 lưu ý quan trọng khi đi vay, cụ thể như sau:

  • Thứ nhất là lựa chọn tổ chức cho vay uy tín.
  • Thứ hai là cân nhắc lãi suất, phí và các điều khoản vay.
  • Thứ ba là cân nhắc những nguồn thu trong tương lai của bản thân sẽ giúp quản lý tài chính thông minh, kiểm soát tốt mọi khoản nợ.

>> Xem bài gốc


Đức Mạnh Theo Báo Lao động