Phát triển nhân lực gắn với sinh kế ở của các tỉnh miền núi phía Bắc

Đây là sản phẩm nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Trên cơ sở khảo sát, hệ thống hóa về mặt lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn ở một số quốc gia, nhóm tác giả đã phân tích đặc điểm của sinh kế hộ gia đình và tác động của giáo dục đào tạo đối với sinh kế hộ gia đình các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam (MNPB), phân tích thực trạng này ở các tỉnh MNPB để đề xuất một số mô hình, giải pháp - một số kiến nghị nhằm phát triển nguồn nhân lực theo hướng nâng cao năng lực sinh kế và thu nhập hộ gia đình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trên.



Vùng núi phía Bắc là khu vực rộng lớn trên cực bắc của nước ta gồm 15 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình (tiểu vùng Tây Bắc), Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh (tiểu vùng Đông Bắc), với hai khu vực Đông bắc và Tây bắc và một số huyện thuộc vùng miền núi phia Tây của 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Tổng diện tích tự nhiên của vùng khoảng 109.425 km2, chiếm 33% diện tích cả nước, dân số miền núi phía Bắc nước ta có khoảng 12.184 nghìn người, chiếm khoảng 13 % dân số cả nước. Tổng số lao động trong độ tuổi ở các tỉnh MNPB là 7.684.000 người bằng 63% dân số của cả vùng và 13,8% tổng số lao động cả nước.

Bên cạnh những thuận lợi trên, vùng MNPB còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Về điều kiện địa lý tự nhiên, khó khăn lớn nhất là địa hình phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, lũ lụt, lũ quét gây thiết hại nặng nề về người và tài sản, gây khó khăn sản xuất, buôn bán. Kết cấu hạ tầng thấp kém, văn hóa lạc hậu, hiện tượng mê tín dị đoan, tình trạng du canh du cư, di cư tự do, chặt phá rừng, khiếu kiện tranh chấp đất đai còn khá phổ biến. Môi trường sinh thái bị suy thoái nghiêm trọng. Tỷ lệ hộ nghèo đói nhiều khu vực vùng dân tộc và miền núi còn ở mức rất cao. Năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của khu vực miền núi Tây Bắc là 38,78%, miền núi Đông Bắc là 24,54% cao hơn 2 đến 3 lần so với mức nghèo và cận nghèo 14,2% của cả nước. Khoảng cách chênh lệch về thu nhập ngày càng nới rộng thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân chung của cả nước. Sinh kế của các hộ gia đình miền núi phía bắc chủ yếu vẫn là sinh kế trong lĩnh vực nông nghiệp, trên 78% người lao động vùng Tây Bắc tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản; 5% tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản; 15% làm thuê phi nông nghiệp, lâm nghiệp thủy sản. Sinh kế trong lĩnh vực nông nghiệp là chủ yếu, trong khi thu nhập bình quân đầu người cao nhất được ghi nhận cho các hộ gia đình chọn sinh kế tự do phi nông nghiệp, tiếp theo là những người có công việc trả lương, và cuối cùng là những người phụ thuộc vào công việc nông nghiệp.

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho khả năng chuyển đổi sinh kế cũng như hiệu quả sinh kế hộ gia đình thấp là do chất lượng nguồn nhân lực các tỉnh MNPB còn thấp kém cả về thể lực, trí lực và tâm lực so với nguồn nhân lực chung của cả nước.

Chất lượng nguồn nhân lực thấp dẫn tới năng lực khai thác sử dụng các nguồn lực sinh kế khác cũng bị hạn chế như nguồn lực về tự nhiên, nguồn lực vật chất, nguồn lực xã hội và nguồn lực tài chính.

Thực tế trên cho thấy, nghiên cứu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và sinh kế các hộ gia đình nói riêng ở các tỉnh MNPB là một nhiệm vụ hết sức cần thiết vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược cơ bản, lâu dài. Nghiên cứu về phát triển nhân lực là mảng nghiên cứu được nhiều nhà khoa học, nhiều cơ quan, tổ chức phi chính phủ quan tâm và thực hiện. Tuy nhiên, hiện các nghiên cứu này thường tập trung ở các nghiên cứu vĩ mô trên phạm vi tồng thể quốc gia hay tập trung ở các vùng trọng tâm như khu vực đồng bằng Sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long hay các khu vực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực gắn với sinh kế các tỉnh MNPB theo chúng tôi là hướng đi mới nhằm gắn kết giữa phát triển nguồn nhân lực với nhu cầu sinh kế của các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình vùng cao, dân tộc thiểu số.

Cuốn sách “Phát triển nguồn nhân lực gắn với sinh kế các tỉnh miền núi phía Bắc” hướng đến giải quyết 4 vấn đề chính:

Thứ nhất, hệ thống hóa về mặt lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn ở một số quốc gia để làm rõ thêm các khái niệm: nhân lực, vốn nhân lực, phát triển vốn nhân lực, sinh kế, mô hình sinh kế bền vững và nội dung phát triển nhân lực gắn với sinh kế làm khung lý thuyết cho phân tích các nội dung khác.

Thứ hai, phân tích đặc điểm của sinh kế hộ gia đình và tác động của giáo dục đào tạo đối với sinh kế hộ gia đình các tỉnh MNPB (phạm vi nghiên cứu giới hạn ở các hộ gia đình vùng Tây Bắc) bao gồm tác động của nguồn nhân lực tới sự lựa chọn sinh kế, đến thu nhập, đến tỷ lệ nghèo và độ sâu của nghèo. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng là phương pháp phân tích định lượng, dữ liệu nghiên cứu được lấy từ Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) năm 2016. VHLSS do Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới. Cuộc điều tra năm 2016 bao gồm khoảng 46.000 hộ gia đình ở 10.339 xã/ phường. Mẫu VHLSS được lựa chọn theo cách đại diện cho toàn bộ quốc gia ở cấp quốc gia, khu vực, thành thị, nông thôn và cấp tỉnh.

Thứ ba, phân tích thực trạng nguồn lực sinh kế (nguồn lực tự nhiên, nguồn lực vật chất, nguồn lực xã hội, nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính), thực trạng chất lượng nguồn nhân lực (thể lực, tâm lực, trí lực), thực trạng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề đối với phát triển nguồn nhân lực ở các tỉnh MNPB, trong đó đi sâu hơn các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Lào Cai, Sơn la, Điện Biên. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng là phương pháp định tính dựa trên số liệu thứ cấp từ các báo cáo, bảng biểu số liệu thống kê của trung ương và địa phương, kết hợp với kết quả điều tra trực tiếp ở một số địa bàn của tỉnh Điện Biên.

Thứ tư, đề xuất một số mô hình, giải pháp và một số kiến nghị nhằm phát triển nguồn nhân lực theo hướng nâng cao năng lực sinh kế và thu nhập hộ gia đình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc:

* Kiến nghị đối với nhà nước:

Đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển thành công của miền núi. Như đã đề cập ở trên, chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ miền núi. Nhưng cho đến nay những kết quả là những gì chúng ta thu được thường không như những gì chúng ta mong đợi. Ngày nay, hầu như các nhà quan sát của Việt Nam cũng như nước ngoài, đều nhận xét về sự chậm trễ trong việc tìm ra một chiến lược phát triển phù hợp và các mẫu được gọt giũa riêng để thích ứng với các điều kiện đặc biệt của miền núi là lý do chính tại sao nhiều chương trình phát triển không đạt được các mục tiêu đã đặt ra.

Vấn đề khó khăn nhất là làm thế nào để chuyển tải được những ý tưởng “phát triển nông thôn có sự tham gia của nông dân” hoặc “các quá trình quy hoạch phi tập trung hoá” sang các cơ quan có thể thực thi trên thực tế. Việc sáng tạo ra những tổ chức và quá trình mới đúng đắn cho việc quy hoạch phát triển thường bao giờ cũng gặp một vài rắc rối. Một chiến lược như thế phải bắt đầu bằng việc đánh giá một cách hiện thực tiềm năng phát triển thực sự của miền núi.

  • Thứ nhất, cần đổi mới về công tác quản lý về phát triển nhân lực nông thôn. Trong đó đặc biệt chú ý nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý về phát triển NNL nông nghiệp. Phân định rõ chức năng giữa quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp. Tăng cường phân cấp, nâng cao tính tự chủ của các cơ sở đào tạo nghề.
  • Thứ hai, thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo nghề cho ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn trên toàn quốc, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo vùng, miền và địa phương.
  • Thứ ba, đổi mới công tác quản lý đào tạo đi đôi với đổi mới công tác tuyển dụng sau đào tạo. Có cơ chế phù hợp để phát triển NNL nông nghiệp theo các tiêu chí việc làm, thu nhập, an toàn lao động, môi trường làm việc. Có chính sách thu hút bộ phận nhân lực chất lượng cao, đồng thời khuyến khích các nghệ nhân, nông dân có kinh nghiệm tham gia hoạt động đào tạo, truyền nghề.
  • Thứ tư, nhà nước cần hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho các địa phương để nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động. Khuyến khích các chương trình đào tạo gắn với việc thực hiện chương trình phát triển NTM. Ngoài ra cần tăng thêm vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cho những vùng khó khăn.
  • Thứ năm, nên mở rộng hạn điền, giả tiền thuê đất để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có thể tích tụ ruộng đất, tạo lập các trang trại quy mô lớn sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp có điều kiện cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao.

* Kiến nghị với địa phương:

  • Thứ nhất, tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân, chính quyền địa phương nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
  • Thứ hai, cần có định hướng, xây dựng các kế hoạch đào tạo nghề theo từng giai đoạn khác nhau tùy thuộc vào tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM. Chọn lựa những nghề thực sự cần đào tạo để phục vụ yêu cầu trước mắt và lâu dài. Tránh việc đào tạo theo phong trào, không giải quyết được việc làm cho người lao động qua đào tạo, gây lãng phí.
  • Thứ ba, tạo lập liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, để xây dựng chương trình đào tạo đạt hiệu quả cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Huy động mọi nguồn lực tham gia đào tạo và hỗ trợ vốn cho công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề từ nghề thuần nông sang các nghề thương mại dịch vụ, công nghiệp, xây dựng.
  • Thứ tư, công tác trồng rừng, bảo vê rừng chưa đạt được kết quả như mong muốn, diện tích rừng bị thu hẹp do đốt, phá lấy đất canh tác. Do vậy, các tỉnh phía Bắc cần hỗ trợ và vận động người nông dân bảo vệ rừng theo hình thức giao khoán có định mức khuyến khích cụ thể, hoặc hỗ trợ vốn cho nông dân tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất phục vụ chế biến lâm sản.

Tác giả: PGS.TS. Trần Anh Tài (chủ biên) TS. Trần Quang Tuyến, TS. Trần Thế Nữ, TS. Nguyễn Thị Thanh Hải, TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, TS. Phạm Việt Thắng

Nơi sản xuất: Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật

Kích thước: 16 X 24cm

Loại bìa: Bìa mềm

Giá bán: 168.000 đồng

Năm xuất bản: 2020

ISBN: 978-604-67-1638-9

Trân trọng giới thiệu!