Phát huy nội lực và tận dụng các nguồn lực bên ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022

Bài viết đánh giá tình hình, nêu lên triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam và nêu lên một số khuyến nghị chính sách nhằm phát huy nội lực, tận dụng ngoại lực từ sự hội nhập kinh tế quốc tế trong năm 2022.



ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KINH TẾ VIỆT NAM 2021

Năm 2021, kinh tế Việt Nam đã cán đích với mức tăng trưởng GDP 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Con số này thấp hơn so với mức tăng 2,91% năm 2020, cũng so với mục tiêu đặt ra là 6,5%. 

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá mức tăng 2,58% là một thành công lớn trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021. Chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế, với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất công nghiệp ước tính tăng 4,82% so với năm 2020. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,16%.

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 càn quét Việt Nam từ tháng 4/2021, để lại một số vấn đề trong nền kinh tế. Cụ thể như:

Thứ nhất, Một số ngành còn khá bấp bênh (du lịch, dịch vụ, hàng không) và chỉ số dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ mặc dù có khởi sắc nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn hẳn so với 2019. Đây là dấu hiệu cho thấy sức cầu trong nước còn rất thấp.

Thứ hai, Nguy cơ lạm phát đến từ giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và nguy cơ bong bóng tài sản.

Hai yếu tố trên dẫn dến nguy cơ các nhà kinh tế và chính sách đề cập khả năng đình lạm (nền kinh tế đình trệ nhưng lạm phát tăng) trong năm 2022.

Thứ ba, Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn có xu hướng tăng.

Thứ tư, Các lợi ích thương mại của cả Việt Nam với các đối tác trong FTA thế hệ mới vẫn chưa được khai thác đúng mức tiềm năng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Sau một năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 39,8 tỷ USD tính đến ngày 31/07/2021, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020. Hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước chuyển biến tích cực nhằm đáp ứng những yêu cầu của Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, nhu cầu nhập một số hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ các nước EU đều giảm, mặc dù các mặt hàng này đều được giảm thuế suất theo các cam kết trong Hiệp định.

VỀ TRIỂN VỌNG KINH TẾ VIỆT NAM 2022

Từ năm 2015 đến nay, nền kinh tế Việt Nam có động lực đến từ các cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh và hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Do vậy, mặc dù năm 2021 nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chúng ta vẫn duy trì được ổn định các yếu tố vĩ mô, cũng như đà phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới, nhất là các bạn hàng, đối tác chiến lược của Việt Nam khả quan, nên VEPR tin rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế ấn tượng của những năm 2018-2019 (6,5-7%) sẽ quay trở lại nếu đại dịch Covid-19 thực sự được khống chế. Thời gian tới, khu vực sản xuất và lắp ráp (điện tử, điện thoại, máy tính) vẫn đóng vai trò dẫn dắt khu vực FDI và là điểm sáng xuất khẩu. Tuy nhiên, các xung lực mới sẽ đến ngành dịch vụ (du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái); sản xuất chế biến và xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản. Bên cạnh đó, Covid-19 cũng mang đến cho nền kinh tế Việt Nam không ít những cơ hội. Đơn cử như cơ hội mới từ nền tảng chuyển đổi số (làm việc từ xa), chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số ở ngành dịch vụ. Nền kinh tế số được kỳ vọng sẽ đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho tăng trưởng, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành khác. Thêm vào đó, Việt Nam có cơ hội chuyển dịch chuỗi sản xuất và cung ứng gắn với nỗ lực hội nhập của đất nước. Sản xuất và nhu cầu tiêu dùng (cả về hàng hóa và dịch vụ) cũng được phục hồi.

Mặc dù có triển vọng khả quan, nền kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều thách thức hậu Covid-19:

Thứ nhất, Đại dịch Covid-19 chưa thực sự được kiểm soát trên thế giới. Bên cạnh đó, biến thế Omircron còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng của Việt Nam, điển hình là khu vực FDI và hoạt động xuất khẩu.

Thứ hai, Thách thức từ chuyển đổi mô hình kinh tế hậu Covid-19 như: Chuyển đổi số, nền kinh tế chia sẻ trong bối cảnh năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt nam còn chưa theo kịp với đòi hỏi của xu hướng chuyển dịch kinh tế mới.

Thứ ba, Thách thức từ các quy tắc sản xuất, kinh doanh và áp lực canh tranh toàn cầu có thể khiến các lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam gặp khó. Đơn cử như hiện tại, khó khăn đến từ các hàng rào kỹ thuật và quy định xuất, nhập khẩu mới đến từ Trung Quốc - một trong những đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Thứ tư, Về thương mại quốc tế, Việt Nam hiện phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ bên trong cũng như bên ngoài. Chi phí thương mại của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN cũng như thách thức cạnh tranh trong tương lai khi mà EU đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Chi phí thương mại của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN. Các biện pháp phi thuế quan và thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp và gây cản trở cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Mặc dù Việt Nam đang là nước dẫn đầu trong thương mại hai chiều với EU, có thể coi như một cửa ngõ của EU vào Đông Nam Á và có thể là cả Trung Quốc, nhưng EU cũng đang đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippin và Indonesia. Đây đều là các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang khu vực EU.

KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH PHÁT HUY NỘI LỰC VÀ TẬN DỤNG NGOẠI LỰC TỪ SỰ HỘI NHẬP KTQT TRONG NĂM 2022

Những khó khăn từ đại dịch Covid-19 chính là thử thách không nhỏ đối với việc điều hành kinh tế. Để giảm tổn thương, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh và tận dụng tối đa các cơ hội mới là vấn đề đặt ra cho nền kinh tế trong năm 2022, chúng tôi đưa ra các khuyến nghị như sau:

Để phát huy nội lực trước hết là giải phóng các nguồn lực đầu tư tư nhân, triển khai và phân bổ một cách có trọng tâm và các gói hỗ trợ hậu Covid-19 và sử dụng đầu tư công hiệu quả, do vậy:

- Cần tiếp tục và thậm chí phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường - đặc biệt theo hướng dỡ bỏ các rào cản thúc đẩy đầu tư và liên kết đầu tư giữa các thành phần kinh tế, giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tự do hóa mạnh mẽ hơn các lĩnh vực dịch vụ trong nước, kể cả những lĩnh vực được coi là nhiều yếu tố nhạy cảm như Y tế, giáo dục.

- Cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ, phát huy hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh của thành phần kinh tế tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đặc biệt là quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình hộ kinh doanh (theo thống kê đã đóng góp tới 30% GDP) tại Việt Nam. Cần có sự thừa nhận chính thức tư cách chủ thể kinh doanh và tạo thuận lợi/an toàn cho việc liên kết, góp vốn, mở rộng quy mô, cũng như tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của các hộ kinh doanh.

- Các gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021 đã giúp hỗ trợ phần nào giảm bớt khó khăn của doanh nghiệp, chặn đà suy giảm kinh tế, tuy nhiên đa số doanh nghiệp đều chưa thể vực dậy sau cú sốc do Covid-19 gây nên, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào trạng thái kiệt quệ, do đó, các doanh nghiệp vẫn cần những gói hỗ trợ của Chính phủ trong năm 2022. Theo chúng tôi, các gói hỗ trợ mới cần lưu ý những điểm sau: Thứ nhất, cần làm rõ và công khai hóa cơ chế thực thi và triển khai các gói hỗ trợ cụ thể; Thứ hai, bên cạnh việc các gói hỗ trợ cần phải đủ lớn, đủ tập trung thì cần quan tâm bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chống lại các rủi ro. Doanh nghiệp cần phủ Vaccine, có cách điều hành linh hoạt hơn và đề phòng rủi ro từ các yếu tố quốc tế; Thứ ba, khi thiết kế các chính sách, nên tập trung vào các nguyên tắc chung và cơ chế tự động điều chỉnh, linh hoạt cho các chủ thể (nhất là doanh nghiệp, chính quyền cấp cơ sở). Song song với đó, cần có cơ chế đánh giá rủi ro và chính sách, điều hành thông minh, tránh sự can thiệp tùy tiện của người quản lý vào các chu trình thực thi chính sách; Thứ tư, cần có biện pháp phòng ngừa các nguy cơ trục lợi chính sách.

- Việc triển khai các gói hỗ trợ tài khóa và nguồn lực đầu tư công là nguồn nội lực quan trọng nhưng phải thận trọng do các giới hạn nguồn lực và kỷ luật ngân sách, do vậy, phải tính toán các lĩnh vực ưu tiên và đối tượng ưu tiên một cách phù hợp. Theo chúng tôi, trong năm 2022, cần ưu tiên các DN vừa và nhỏ (chứ không phải vào các DN lớn /khu vực FDI), tập trung hỗ trợ lĩnh vực có khả năng tăng trưởng sáng tạo và bền vững (hướng tới kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế xanh), các mô hình kết nối vùng/ chuỗi sản xuất - dịch vụ/công nghiệp hỗ trợ (cho các DN lớn và DN FDI), có khả năng duy trì sản xuất/kinh doanh và tạo nhiều công ăn việc làm/thu nhập ổn định cho người lao động.

Để phát huy cơ hội, tận dụng ngoại lực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, chúng tôi cũng đưa ra một số khuyến nghị sau:

- Giải pháp quan trọng nhất là rà soát, đánh giá các rào cản thương mại và đầu tư cũng như các yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hóa/dịch vụ của các Hiệp định tự do về Thương mại và Đầu tư mà Việt Nam đã ký kết, của các đối tác thương mại/đầu tư quan trọng và tiềm năng của Việt Nam (ví dụ chiến lược thương mại và đầu tư mới của EU). Trên cơ sở đó, cần có chiến lược và chính sách cụ thể nhằm tận dụng lợi thế các hiệp định thương mai tư do (nhất là các hiệp định thương mại tư do mới) mà Việt Nam đã ký kết/tham gia. Cải cách để đáp ứng đòi hỏi của Hiệp định EVFTA sẽ ngày càng khó và chậm hơn, trong khi đó, lợi thế tương đối của Hiệp định này cho Việt Nam đối với các nước trong khu vực sẽ ngày càng giảm đi nhanh hơn. Vì vậy, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật sao cho phù hợp với các cam kết trong Hiệp định. Đồng thời, giảm bớt các thủ tục hải quan và các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, tăng năng lực điều hành cũng như giám sát đối với các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS) Việt Nam nhằm hạn chế vi phạm các qui định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật tại các nước nhập khẩu....

- Cần nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và đa dạng hóa sản phẩm/ bạn hàng quốc tế (nhất là với các thị trường mới/tiềm năng từ các FTA), có như vậy thì các mặt hàng xuất khẩu của VN mới vượt qua các rào cản và những yêu cầu kỹ thuật mới. các doanh nghiệp trong nước cần chủ động, cải thiện năng lực, chất lượng sản phẩm để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi, cho dù có hay không có FTA thì xu hướng sản xuất và giao thương theo chuỗi giá trị đã và đang diễn ra rất tích cực, chiếm một phần không nhỏ trong trị giá xuất nhập khẩu toàn cầu.

- Công tác thông tin/nâng cao nhận thức về hội nhập KTQT cần có những cách làm hiệu quả và thực chất hơn, bám sát hơn giữa nhu cầu thị trường quốc tế với chu trình sản xuất/kinh doanh của doanh nghiệp và người dân để chủ động cơ chế phòng ngừa các rủi ro thương mại quốc tế (ví dụ như việc căng thẳng thương mại biên mậu với TQ thời gian qua)

- Bên cạnh các chính sách/ giải pháp về kinh tế thì việc thực hiện đồng bộ công tác ngoại giao (ví dụ là sự thành công của ngoại giao Vaccine) cũng cần được quan tâm và là một giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khi có tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc để giúp DN/người dân ứng phó kịp thời với các rào cản thương mại QT mới.

>> Xem hoặc download bài viết tại đây.

(VEPR Opinions, No.18, Jan 01, 2022)


PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, TS. Nguyễn Quốc Việt