Tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu

Nằm trong chuỗi Hội thảo thường kỳ về Hội nhập Kinh tế quốc tế (CIECI) được khởi xướng từ năm 2013 bởi nhóm nghiên cứu mạnh về Hội nhập Kinh tế quốc tế của Việt Nam thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Hội thảo “Tạo thuận lợi thương mại và đầu tư trong bối cảnh biến động toàn cầu” (International trade and investment facilitation in the context of global upheaval) do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Trường Đại học Thương mại và Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tổ chức ngày 02/12/2020 đã tập trung vào các vấn đề liên quan đến bối cảnh kinh tế thế giới và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo thuận lợi thương mại - đầu tư của Việt Nam cũng như đề xuất các khuyến nghị chính sách hữu ích.



Thương mại toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự xuất hiện của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại, nguy cơ làm xói mòn niềm tin vào xu hướng tự do hóa, những nguy cơ đối với hiệu quả hoạt động của các thể chế thương mại song phương và đa phương... Với niềm tin và sự lạc quan vào xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, Việt Nam luôn đề cao lợi ích của thương mại tự do và nhận thức rõ cơ hội hội nhập với dòng chảy chính là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa.

Năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn đang phải đối mặt với sự sụt giảm sản lượng và năng suất trong những năm gần đây. Đại dịch Covid-19 xuất hiện làm đảo lộn mọi mặt của nền kinh tế toàn cầu. Cú sốc này khiến nền kinh tế toàn cầu suy giảm và trở nên khó lường. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, có một số “xu hướng lớn” trên nền kinh tế toàn cầu đã gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu như: (1) Sự dịch chuyển đầu tư trên quy mô toàn cầu; (2) Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và (3) Đại dịch Covid-19. Với bối cảnh phức tạp nêu trên, cùng với sự thay đổi lớn của dòng vốn FDI toàn cầu, đồng nghĩa với việc các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, buộc phải suy nghĩ và có chính sách phù hợp để thu hút FDI và trở thành cơ sở sản xuất mới của thế giới.

Hội thảo đã ghi dấu ấn với 4 chủ đề chính mà các chuyên gia đã đi sâu phân tích, bao gồm: “Thương mại và đầu tư trong bối cảnh biến động toàn cầu” (Trade and investment in the context of global upheaval) của ông Christopher Jeffery - Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam (BritCham Vietnam); “Sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu và thuận lợi hóa thương mại trong bối cảnh đại dịch Covid-19” (Vietnam’s global value chain participation and trade facilitation in times of the Covid-19 pandemic) của PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; “Các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại và tình hình thực hiện” (Trade facilitation initiatives and implementation) của TS. Claudio Dordi - Giám đốc chương trình Thuận lợi hóa thương mại của USAID; và “Thực hiện thuận lợi hóa thương mại của Việt Nam - cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” của TS. Lê Thị Việt Nga - Trường Đại học Thương mại.

Bàn về sự tham gia của Việt Nam vào Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và thuận lợi hóa thương mại trong bối cảnh đại dịch Covid-19, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu cho rằng sự tham gia các GVC của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi cả sự gián đoạn trong xuất khẩu và nhập khẩu đầu vào trung gian cũng như chi phí thương mại gia tăng do sự gián đoạn trong vận chuyển, hậu cần và chuỗi cung ứng, việc áp dụng đột ngột các biện pháp kiểm soát. Để giảm bớt những tác động tiêu cực đó, việc thực thi các biện pháp tạo thuận lợi thương mại ở cả quy mô quốc gia và quốc tế là cần thiết để đảm bảo sự luân chuyển thông suốt của hàng hóa, không chỉ những mặt hàng có nhu cầu cao và cấp thiết như vật tư y tế, thực phẩm và công nghệ thông tin, mà còn là đầu vào trung gian để chế biến xuất khẩu. Việc thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại giữa Việt Nam và các đối tác chưa đồng đều, còn dư địa cho các nỗ lực hợp tác giữa các nước. Do đó, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại một cách phù hợp, đặc biệt là các biện pháp kỹ thuật số, có thể giúp giảm tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với sự tham gia các GVC của Việt Nam thông qua việc đảm bảo thông suốt các dòng thương mại biên giới. Các biện pháp trên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nếu được thực hiện ở quy mô quốc tế và đa phương. Do đó, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác đa phương và khu vực trong việc thúc đẩy các nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là các nỗ lực tập thể với ASEAN.

Ngoài ra, vấn đề “Thực hiện tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam - cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành - nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” cũng được đề cập và bàn luận đến trong hội thảo. Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, cải cách kiểm tra chuyên ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh. Mặc dù vậy, chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam (được sử dụng để xếp hạng môi trường kinh doanh) và tỷ lệ cắt giảm hàng hóa trong danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trong năm 2019 đã không đạt được mục tiêu của Nghị quyết 02/2019. Điều đó xuất phát từ những vấn đề trong công tác kiểm tra chuyên ngành, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Để tiếp tục thực hiện tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam nên tập trung vào các giải pháp sau:

(1) Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Đổi mới mô hình thanh tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu, ban hành Nghị định quy định phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu thay cho các nghị định hiện hành có liên quan;

(2) Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các Bộ đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuyển nhanh phương thức kiểm tra từ kiểm tra trước thông quan sang kiểm tra sau thông quan trên cơ sở quản lý rủi ro;

(3) Hệ thống công nghệ thông tin phải được nâng cấp, bổ sung chức năng để tự động quyết định đối tượng miễn, giảm; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu; thông báo đầy đủ, công khai các thủ tục hành chính có liên quan trên trang thông tin điện tử của Bộ chuyên ngành; tích hợp quản lý kiểm tra chuyên ngành và hệ thống thông quan tự động với Cổng thông tin một cửa quốc gia; phát triển các hoạt động truyền thông đến các cá nhân và doanh nghiệp về các văn bản pháp luật và giúp họ nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc thực thi pháp luật;

(4) Nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu và hiệu quả hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự chuyển đổi số toàn cầu đang đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, thì Việt Nam sẽ có cơ hội lớn nếu biết khai thác hiệu quả. Tuy nhiên cơ hội luôn đi kèm với thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Do đó, Hội thảo đã mang đến nhiều thông điệp chính sách quan trọng, đồng thời cũng thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc hiện thực hóa các cơ hội, thực hiện các mô hình phát triển, chính sách mới để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

 _________________

THÔNG TIN LIÊN QUAN:- Hội thảo quốc tế "Tạo thuận lợi thương mại và đầu từ trong bối cảnh biến đổi toàn cầu"