Liệu còn dư địa tăng năng suất trong các ngành có lợi thế so sánh của Việt Nam hiện nay? Phân tích từ ngành điện tử và thực phẩm

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là đổi mới kinh tế, Việt Nam đã gia nhập vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh, từ 200 USD năm 1990 lên 1.331 USD năm 2010 và khoảng 2.750 USD năm 2020. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức gần 7% những năm qua. 



Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, không nhất thiết phải tăng số lượng vốn đầu tư hay số lượng lao động với tốc độ tương ứng. Nếu sử dụng tối ưu nguồn lao động và vốn bằng cách phối hợp và sử dụng tốt nhất các yếu tố đầu vào kết hợp với việc cải tiến tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng lao động thì vẫn có thể đạt được tăng trưởng, hơn thế, tăng trưởng một cách bền vững. Như vậy, ngoài phần đóng góp của từng nhân tố đầu vào, còn thấy một phần giá trị mới do nhân tố TFP tạo ra. TFP là kết quả sản xuất mang lại do tác động của các nhân tố như: đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động của công nhân. 

Dữ liệu trong báo cáo này được cung cấp từ Tổng cục Thống kê. Tập trung vào 2 ngành là ngành sản xuất chế biến thực phẩm và điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Sau khi loại bỏ các doanh nghiệp bị thiếu dữ liệu, giữ lại các doanh nghiệp có vốn, lao động và lợi nhuận sau thuế dương, mẫu nghiên cứu còn lại 28,143 quan sát. Trong đó có 10,830 doanh nghiệp trong ngành sản xuất chế biến thực phẩm, chiếm tỷ trọng 85.41% trong tổng số doanh nghiệp được nghiên cứu, đồng thời báo cáo sử dụng phương pháp ước lượng tổng quát GMM để tính giá trị TFP.

Thực trạng các doanh nghiệp ngành thực phẩm và điện tử Việt Nam (giai đoạn 2010-2020)

Thực phẩm và đồ uống hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hằng tháng của người tiêu dùng (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu), chiếm khoảng 15% GDP. Xét trong khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng vốn và lao động đang chậm dần, trong khi đó TFP lại có tốc độ tăng nhanh hơn. Điều này cho thấy, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đang dựa nhiều vào tăng chất lượng, thay vì tăng về số lượng của vốn và lao động. Tuy 2 ngành này có tốc độ tăng cao nhưng hệ số TFP vẫn còn thấp, điều đó có nghĩa là tăng trưởng của DN Việt Nam trong giai đoạn này chủ yếu nhờ các yếu tố khác, ví dụ lao động rẻ, chứ không phải do công nghệ. Năng suất của doanh nghiệp trong các nhóm ngành này vẫn dựa nhiều vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư. Tăng năng suất nhờ đóng góp của đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học, phương thức quản lý hiện đại trong các ngành còn hạn chế.

Các ngành có đóng góp vào tăng TFP là điện, điện tử - tin học, đạt 40%, ngành cơ khí chế tạo đạt 37% và ngành da giày là 35%. Bình quân trong 5 năm qua, chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13.9%, trong đó năm 2017 đạt mức tăng cao nhất: 35.2%. Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia nhiều lĩnh vực này trong chuỗi giá trị toàn cầu.

TFP của ngành điện tử và thực phẩm phân chia doanh nghiệp theo quy mô?

Mặc dù luôn có sự biến động về mức độ tăng trưởng của TFP trong giai đoạn 2011-2018, nhưng xét về quy mô thì doanh nghiệp lớn luôn thể hiện ưu thế so với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế, trong mọi nền kinh tế, năng suất của DNVVN bao giờ cũng thấp hơn các doanh nghiệp lớn vì đầu tư về vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng hạn hẹp hơn rất nhiều, các DNVVN bao giờ cũng sẽ khó tiếp cận được với các công nghệ hàng đầu, không có điều kiện để tham gia vào chuỗi các sản xuất để có năng suất lao động cao. Khi phân tách cụ thể chỉ số TFP của 2 ngành này, thì chúng tôi thấy rằng doanh nghiệp lớn, nhỏ và vừa thuộc ngành điện tử thì luôn có hệ số TFP cao hơn so với ngành thực phẩm. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, khi ngành điện tử luôn được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam thu hút rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù số lượng doanh nghiệp ít hơn rất nhiều so với ngành thực phẩm, nhưng về thu hút lao đông và lợi nhuận sau thuế của ngành điện tử lại vượt trôi với ngành thực phẩm. 

TFP của ngành điện tử và thực phẩm có hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu?

Nhìn chung, TFP của các doanh nghiệp có tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đều cao hơn so với TFP của doanh nghiệp chỉ hoạt động trong nước. Đặc biệt, TFP của doanh nghiệp điện tử có hoạt động xuất khẩu cao hơn nhiều so với những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuộc ngành thực phẩm, trong khi TFP của doanh nghiệp trong hai ngành này không có sự chênh lệch nhiều khi xem xét ở khía cạnh hoạt động nhập khẩu.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011-2018, TFP của nhóm doanh nghiệp thuộc hai ngành thực phẩm và điện tử có hoạt động xuất nhập khẩu đều có xu hướng tăng, tuy rằng tốc độ tăng trưởng TFP không ổn định. Điều này cho thấy có lẽ các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tìm được phương hướng để có thể hoạt động và tăng trưởng bền vững. Doanh nghiệp không tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu thì sự thay đổi trong TFP qua các năm không đáng kể. Một điểm đáng chú ý là từ năm 2015, nhóm các doanh nghiệp điện tử dù không có hoạt đông xuất nhập khẩu cũng cho thấy dấu hiệu tăng trưởng TFP đột phá. Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành điện tử cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ có thể lý giải phần nào cho việc này.

TFP của ngành điện tử và thực phẩm đánh giá theo loại hình doanh nghiệp?

Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài có giá trị TFP cao hơn hẳn các loại hình doanh nghiệp còn lại qua các năm, tiếp sau đó là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp nước ngoài thường được xem là hoạt động hiệu quả hơn, áp dụng công nghệ, máy móc, quy trình quản lý hiện đại hơn. Trong giai đoạn 2011 - 2018, TFP của các doanh nghiệp Nhà nước có xu hướng giảm, từ 8.41 năm 2011 xuống 6.97 năm 2018, ngược lại, TFP của các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng lên, với tốc độ tăng tương ứng là 3.22% và 10.67%.

Đối với nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, TFP của các doanh nghiệp ngành thực phẩm cao hơn TFP của các doanh nghiệp ngành điện tử. Đối với nhóm doanh nghiệp nhà nước, TFP của các doanh nghiệp ngành điện tử cao hơn TFP của các doanh nghiệp ngành thực phẩm. Đối với nhóm doanh nghiệp tư nhân, nhìn chung không có sự khác biệt quá lớn giữa nhóm ngành thực phẩm và điện tử, giá trị TFP của các doanh nghiệp tư nhân vẫn thấp hơn nhiều so với 2 loại hình doanh nghiệp trước. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân vẫn cần được thúc đẩy phát triển và cải thiện hơn nữa.

TFP của ngành điện tử và thực phẩm phân tích theo chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh

Từ xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành 3 nhóm bằng nhau trong mỗi năm. Như vậy sự biến động TFP trung bình của các nhóm theo năm xuất phát từ hai nguồn chính: (1) Sự biến động TFP của các tỉnh thành cố hữu trong nhóm, và (2) Sự di chuyển của các tỉnh thành giữa các nhóm.

Một trong những điểm đáng chú ý của TFP trung bình hai ngành chính là tính thiếu bền vững và biến động mạnh giữa các năm. Nguyên nhân chính của hiện tượng bắt nguồn từ sự đứt gãy trong khai báo kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp với Tổng cục thống kê. Bộ số liệu bao gồm 12.680 doanh nghiệp, ứng với 28.143 quan sát, hay nói cách khác, mỗi doanh nghiệp bình quân chỉ khai báo trong khoảng hơn 2 năm. Vì vậy tình trạng giá trị TFP một số năm tương đối cao phần nào đến từ một số doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả chỉ xuất hiện trong vòng một đến hai năm.

Tuy TFP giữa các năm xảy ra sự biến động mạnh, nhìn chung nhóm các tỉnh có năng lực cạnh tranh cao vẫn đạt được mức năng suất cao nhất, tiếp đến là nhóm trung bình, và cuối cùng là nhóm có PCI thấp. Sự tách bạch giữa hai ngành nghiên cứu cho thấy TFP của các doanh nghiệp điện tử nổi trội hơn hẳn nhóm ngành thực phẩm tại các tỉnh có năng lực cạnh tranh cao và trung bình. Còn đối với các doanh nghiệp tại các tỉnh có môi trường cạnh tranh thấp hơn, sự vượt bậc của ngành điện tử so với ngành thực phẩm không quá rõ ràng. Đối với ngành thực phẩm, nhóm chỉ số PCI cao nhất không có quá nhiều lợi thế về TFP so với hai nhóm còn lại.

Khuyến nghị chính sách:

Năng suất, chất lượng trong các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành điện tử và thực phẩm nói riêng đã có những bước tiến rõ rệt. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng vốn và lao động đang chậm dần, trong khi đó TFP lại có tốc độ tăng nhanh hơn.

Khu vực DNNVV chiếm 98% tổng số DN đăng ký, tạo ra khoảng 60% GDP, tạo ra hơn 90% việc làm cho người lao động (Sách trắng doanh nghiệp 2020). Điều này khẳng định, DNNVV đang là trụ cột chính trong nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng DNNVV nói riêng đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng đến hiệu quả, sức cạnh tranh và chỉ số TFP chưa cao được coi là một nút thắt lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Để giúp các DNNVV nâng cao được nâng lực cạnh tranh, nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, trước hết là chi phí bất hợp lý phát sinh từ quản lý nhà nước; ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp nhằm cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh. Hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi quan tâm tìm kiếm chuỗi cung ứng trong nước và tăng hàm lượng nội địa hóa; tiếp cận với quy trình, thủ tục đấu thầu, mua sắm của doanh nghiệp đầu chuỗi và được hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đâu chuỗi…

Bên cạnh đó chính phủ, cơ quan quản lý cần tập trung đối tượng phát triển là các doanh nghiệp tư nhân. Tạo điều kiện thuận lợi để để các doanh nghiệp tư nhân có môi trường phát triển tốt hơn, cải thiện năng suất. Tạo điều kiện để Doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm hoạt động, quản lý từ các doanh nghiệp nước ngoài. Và bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng cần phải tự đổi mới, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn để tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Kết quả phân tích cho thấy năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có ảnh hưởng tích cực đến TFP của các doanh nghiệp Việt Nam tuy nhiên tác động này có xu hướng giảm dần độ lớn của TFP. Bên cạnh đó trung bình các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp có năng suất cao hơn các doanh nghiệp không thuộc khu doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hay nói cách khác, cải thiện môi trường kinh doanh địa phương của doanh nghiệp thông qua các trụ cột của chỉ số PCI. Xây dựng khu công nghiệp hợp lý, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của địa phương; Thu hút vốn đầu tư và các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp; Xây dựng cơ sở hạ tầng tạo nhằm tạo điều kiện phát triển khu công nghiệp.

Hoạt động xuất nhập khẩu có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng TFP. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế, cải thiện điều kiện kinh doanh và pháp lý, giảm thiểu các rào cản ngoại thương để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bước ra thị trường quốc tế. Đồng thời, chính phủ cũng cần chú trọng cải thiện các chính sách giáo dục, đào tạo nâng cao kiến thức, năng lực, kỹ năng cho người lao động. Nhờ đó Việt Nam sẽ có thể tận dụng tối đa lợi ích từ hiệu ứng lan tỏa đến từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.

(VEPR Opinions, No 9. Sep 24, 2021)


TS. Tô Thế Nguyên, TS. Vũ Văn Hưởng