Phân tích so sánh quá trình chính sách xã hội giữa các quốc gia: Hàm ý cho phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo “Cross-country comparative analysis of social policy process: Implications for sustainable development in Vietnam” của PGS.TS. Đỗ Phú Hải - giảng viên cao cấp UEB - công bố trên tạp chí Edelweiss Applied Science and Technology, Vol. 8, No. 6 (2024) phân tích so sánh quá trình hoạch định chính sách xã hội ở các quốc gia OECD và EU nhằm rút ra hàm ý cho phát triển bền vững tại Việt Nam. Sử dụng phương pháp Phân tích So sánh Định tính (Qualitative Comparative Analysis – QCA), tác giả đánh giá vai trò của sáu yếu tố thể chế then chốt: quy trình bầu cử, minh bạch thông tin, quyền dân sự – chính trị, pháp quyền, năng lực hành pháp và trách nhiệm giải trình. Bài viết xây dựng các cấu hình thể chế tương ứng với kết quả chính sách xã hội công bằng và bền vững (equal and fair society).



Bài viết xây dựng các cấu hình thể chế tương ứng với kết quả chính sách xã hội công bằng và bền vững (equal and fair society). Kết quả cho thấy rằng các quốc gia có sự kết hợp giữa thể chế dân chủ mạnh, năng lực điều hành cao và cơ chế giải trình hiệu quả thường đạt được các chính sách xã hội mang tính bao trùm. Từ đó, nghiên cứu đưa ra các hàm ý chính sách nhằm thúc đẩy cải cách thể chế tại Việt Nam, hướng tới xây dựng một xã hội công bằng và phát triển bền vững.

Bài báo là một đóng góp quan trọng trong lĩnh vực chính sách xã hội và phát triển thể chế tại các quốc gia đang phát triển. Trên cơ sở dữ liệu thực nghiệm từ 41 quốc gia thuộc OECD và EU, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp csQCA để xác định các cấu hình thể chế tạo điều kiện cho kết quả chính sách xã hội hiệu quả và công bằng. Đây là một cách tiếp cận mới, cho phép xem xét các tổ hợp điều kiện thay vì từng yếu tố đơn lẻ, thể hiện tính chất “đa nguyên nhân” của kết quả chính sách.

Một điểm nổi bật trong nghiên cứu là việc làm rõ vai trò trung tâm của ba yếu tố: quy trình bầu cử dân chủ (ELPR), năng lực điều hành (EXPC), và trách nhiệm giải trình (EXAC). Tác giả chứng minh rằng sự kết hợp ba yếu tố này tạo nên môi trường thuận lợi để hình thành các chính sách xã hội hiệu quả, góp phần tạo ra một xã hội bình đẳng và bao trùm. Điều này được minh chứng qua các trường hợp điển hình như Phần Lan, Thụy Điển, Canada, Đức hay New Zealand. Mặt khác, ở các nước có mức độ minh bạch thấp và năng lực điều hành yếu (ví dụ như Romania, Hungary, Bulgaria), các chính sách xã hội thường thiếu hiệu quả và không đạt được mục tiêu công bằng xã hội.

 

 

Từ các phát hiện thực nghiệm, bài báo đưa ra nhiều hàm ý quan trọng cho Việt Nam:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh cải cách quy trình bầu cử và nâng cao năng lực đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp và giám sát chính sách xã hội. Điều này đảm bảo Quốc hội thực sự là cơ quan đại diện cho lợi ích của người dân trong xây dựng xã hội công bằng.

Thứ hai, năng lực hoạch định và thực thi chính sách của Chính phủ cần được nâng cao thông qua cải thiện quy trình lập chính sách dựa trên bằng chứng (evidence-based policymaking), tăng cường tham vấn xã hội, và hoàn thiện các cơ chế phối hợp liên ngành.

Thứ ba, thúc đẩy trách nhiệm giải trình thông qua các thiết chế kiểm tra, giám sát độc lập, mở rộng tiếp cận thông tin cho người dân và các tổ chức xã hội, qua đó tăng cường niềm tin công và sự tham gia vào quá trình chính sách.

Thứ tư, việc học hỏi từ các mô hình tốt trên thế giới phải đi đôi với cải cách thể chế phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng thể, nghiên cứu góp phần làm rõ mối quan hệ giữa thiết chế thể hiện qua cấu hình các yếu tố và kết quả chính sách xã hội, mở rộng hiểu biết lý thuyết và cung cấp gợi ý thực tiễn cho cải cách chính sách xã hội tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

 

>>> THÔNG TIN BÀI BÁO

Hai, D. P. . (2024). Cross-country comparative analysis of social policy process: Implications for sustainable development in Vietnam. Edelweiss Applied Science and Technology, 8(6), 8968–8985. https://doi.org/10.55214/25768484.v8i6.3922

>>> THÔNG TIN TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐHKT

PGS.TS. Đỗ Phú Hải hiện là giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế 



 


P. NCKH&HTPT tổng hợp


Các tin khác