Sự phụ thuộc theo không gian - thời gian của tham nhũng: Nghiên cứu tại Việt Nam

Để xem xét sự phụ thuộc theo không gian - thời gian của tham nhũng và điều tra các yếu tố bên ngoài không gian đối với mức độ tham nhũng ở các khu vực trong một quốc gia, nghiên cứu của nhóm tác giả Đặng Trung Chính và Lê Quang Cảnh với tiêu đề Spatio-Temporal Dependence of Corruption in Vietnam, đăng trên tạp chí Applied Spatial Analysis and Policy (2022) đã chỉ ra mô hình không gian - thời gian hiệu quả hơn so với các mô hình không gian thông thường trong việc ước tính mức độ tham nhũng.



Mức độ tham nhũng là khác nhau giữa các quốc gia cũng như giữa các khu vực trong cùng một quốc gia, và chúng được tập hợp lại theo không gian và thời gian. Do đó, nghiên cứu sử dụng mô hình Dynamic Spatial Durbin Model (SDM động) để ước tính sự phụ thuộc theo không gian - thời gian của mức độ tham nhũng. Phương pháp này phân tích các yếu tố tác động chính về mức độ tham nhũng cấp tỉnh do ngoại tác không gian động mà các nghiên cứu trước đây chưa xem xét tới. Dữ liệu được trích xuất và tổng hợp từ cuộc điều tra Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) cho 63 tỉnh ở Việt Nam trong giai đoạn 2006-2017. Kết quả thực nghiệm cho thấy mức độ tham nhũng của mỗi tỉnh chịu ảnh hưởng tích cực bởi sự phụ thuộc thời gian - thời gian của tham nhũng ở các tỉnh lân cận. Hơn nữa, sự phụ thuộc theo không gian - thời gian của mức độ tham nhũng giữa các địa phương cũng được giải thích bởi các yếu tố phi không gian, chẳng hạn như nhập cư, quản lý cấp tỉnh và chính sách, chứ không phải do phát triển kinh tế.

Một hạn chế có thể có của nghiên cứu này là khái niệm và nhận thức về tham nhũng của các đối tượng được khảo sát có thể không đồng nhất. Người trả lời từ các khu vực khác nhau có thể nhận thức khác nhau về tham nhũng do các chuẩn mực xã hội và khả năng chịu đựng tham nhũng của địa phương. Ngoài ra, việc tuyên truyền phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể ảnh hưởng đến nhận thức của người được hỏi ngay cả khi các vụ việc tham nhũng không xảy ra ở cộng đồng địa phương. Nghiên cứu sâu hơn nên sử dụng thước đo tham nhũng được chuẩn hóa hơn khi người trả lời tiếp cận các dịch vụ hành chính công nhất định. Mặc dù nghiên cứu có một số hạn chế, nhưng kết quả có nhiều ý nghĩa lý thuyết và quản lý.

Từ góc độ lý thuyết, tham nhũng tập hợp theo không gian và thời gian, có nghĩa là mức độ tham nhũng của một khu vực bị ảnh hưởng bởi mức độ tham nhũng của khu vực cụ thể và mức độ tham nhũng của các khu vực lân cận theo thời gian, những ảnh hưởng đó là đồng thời. Các ước tính về tác động của tham nhũng nên sử dụng các mô hình phụ thuộc theo không gian - thời gian để tránh đánh giá thấp các tác động, thu nhận được các tác động trực tiếp và gián tiếp trong ngắn hạn của mức độ tham nhũng, đo lường các tác động phi không gian từ các khu vực lân cận và có được các ước tính không thiên vị. Kết quả cũng đề xuất hướng nghiên cứu sâu hơn nhằm điều tra tác động không gian - thời gian của các biến ngoại sinh của các khu vực lân cận trong cùng một quốc gia đến mức độ tham nhũng và sự phụ thuộc theo không gian - thời gian của tham nhũng một cách đồng thời. Mô hình lý thuyết được đề xuất có thể hỗ trợ để đo lường các tác động không gian - thời gian đối với mức độ tham nhũng, đồng thời cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho việc thiết kế chính sách chống tham nhũng.

Từ góc độ quản lý, các kết quả thực nghiệm có thể có một số ứng dụng. 

Đầu tiên, chính sách chống tham nhũng cần tính đến sự phụ thuộc theo thời gian của các mức độ tham nhũng. Từ khía cạnh không gian, kết quả cho thấy các biện pháp chống tham nhũng cần được áp dụng một cách kiên quyết ở trung tâm của các khu vực hứa hẹn sẽ có những tác động lan tỏa đáng kể. Nó có thể bao gồm các khu vực trong cùng quốc gia, chẳng hạn như thủ đô, hoặc các khu vực có vai trò kinh tế, chính trị, xã hội lớn. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy các biện pháp phòng chống tham nhũng nên tập trung vào các vụ án tham nhũng gần đây nhất vì chúng có tác động lan tỏa về không gian mạnh mẽ và thực chất. Theo kinh nghiệm, điều này đúng với các yếu tố ngoại tác liên quan đến việc khởi tố các vụ án tham nhũng khi nguồn lực hạn chế được phân bổ cho nỗ lực chống tham nhũng. 

Thứ hai, các chương trình chống tham nhũng không nên được thực hiện riêng lẻ ở một tỉnh riêng lẻ. Vì tham nhũng là một hiện tượng không gian - thời gian, tham nhũng của các tỉnh lân cận ảnh hưởng đến mức độ tham nhũng của địa phương. Cách tiếp cận địa phương để chống tham nhũng cần hướng tới phạm vi bao phủ rộng rãi hơn dựa trên các thể chế quốc gia. 

Thứ ba, chính sách chống tham nhũng cần tập trung vào cải cách thể chế để hạn chế tham nhũng tại mỗi khu vực trong một quốc gia. Cải thiện đồng thời tính minh bạch giữa các khu vực trong cùng một quốc gia và tính chủ động của lãnh đạo cấp tỉnh cho phép gián tiếp giảm mức độ tham nhũng của từng địa phương một cách hiệu quả hơn.

>>> THÔNG TIN BÀI BÁO

Dang, C. T., & Le, C. Q. (2022). Spatio-Temporal Dependence of Corruption in Vietnam. Appl. Spatial Analysis, 15, 1143-1165.

https://link.springer.com/article/10.1007/s12061-022-09447-1 

>>> GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ

NCS. ThS. Đặng Trung Chính hiện giảng dạy tại Bộ môn Kinh tế học thuộc Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hướng nghiên cứu chính của ông gồm kinh tế vĩ mô và kinh tế phát triển.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN