Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Ngành logistics Việt Nam với tổng giá trị ước tính khoảng 50-60 tỷ USD, đang tăng trưởng (20-25%/năm) và được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng hai con số trong ít nhất 5-10 năm tới. Điều này là do sự gián đoạn của ngành bán lẻ với sự thâm nhập cao của internet và xu hướng mua sắm trực tuyến. Với sự bùng nổ này, nhu cầu về logistics trong hệ sinh thái thương mại điện tử là rất lớn. Do đó, nghiên cứu này phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến dịch vụ e-logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp chiến lược phát triển e-Logistics tại khu vực này theo Đề án Phát triển ngành logistics đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nghiên cứu tiến hành khảo sát sâu với 40 nhà quản lý đến từ các tổ chức, doanh nghiệp và các chuyên gia liên quan để xác định quy mô các yếu tố ảnh hưởng đến dịch vụ e- logistics. Nghiên cứu xây dựng bảng câu hỏi cho 479 đối tượng khảo sát. Phương pháp thống kê mô tả: Dựa trên thông tin, số liệu thu thập được từ các nghiên cứu, báo cáo, kế hoạch, chiến lược để phân tích, đánh giá thực trạng e-logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, so sánh các chỉ số liên quan đến e-logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nghiên cứu định tính: Tác giả xây dựng bảng câu hỏi sơ bộ và tiến hành phỏng vấn thử với 5 chuyên gia là nhà quản lý thuộc các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics và thương mại điện tử tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phương pháp này nhằm phát hiện, điều chỉnh, bổ sung các biến quan sát, đồng thời kiểm tra độ rõ ràng của từ ngữ, diễn đạt hoặc sự trùng lặp nội dung (nếu có) của các phát biểu trong thang đo để có sự điều chỉnh phù hợp. Kết quả nghiên cứu định tính là cơ sở để xây dựng bộ câu hỏi phỏng vấn chính thức nhằm kiểm định thang đo gồm 07 biến độc lập, với 29 biến quan sát, đảm bảo tính khách quan và chính xác cho kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu định lượng: Từ kết quả khảo sát của 479 bảng hỏi, các tác giả sử dụng phần mềm SPSS 20.0 để phân tích số liệu và đánh giá mức độ tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến e-logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Bên cạnh đó, nghiên cứu dựa trên kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng; đánh giá thực trạng e-logistics; từ đó sử dụng ma trận SWOT để đề xuất giải pháp chiến lược cho e-logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Nghiên cứu sử dụng thông tin từ các nghiên cứu, báo cáo, kế hoạch, chiến lược liên quan trong những năm gần đây của Hiệp hội Logistics Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam và các chuyên gia, cơ quan đầu ngành tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Các nghiên cứu liên quan bao gồm: (1) Các nghiên cứu trong nước về phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế; Kinh nghiệm phát triển trung tâm logistics ở một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam; Nghiên cứu, đề xuất mô hình và giải pháp đầu tư xây dựng trung tâm logistics phục vụ cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện; Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics tại các doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội; Quản lý nhà nước về dịch vụ logistics tại cảng Hải Phòng...; (2) Các nghiên cứu nước ngoài của Charles và cộng sự về xây dựng mô hình tham khảo trung tâm logistics công nghiệp cho các nền kinh tế sản xuất. Từ đó, các tác giả tổng hợp cơ sở lý luận và thực tiễn về e-logistics và xây dựng mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến dịch vụ e-logistics.
Dựa trên kết quả nghiên cứu cho thấy e-logistics chịu ảnh hưởng của 07 yếu tố, đồng thời trên cơ sở phân tích thực trạng, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp chiến lược phát triển dịch vụ e-logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm: (1) Xây dựng mô hình e-logistics kết nối hoạt động thương mại điện tử với logistics đa phương thức trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0; (2) Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo xu hướng hình thành ngành e-logistics, có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cho doanh nghiệp e-logistics, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ cao tham gia; (3) Xây dựng trung tâm logistics, kết hợp với hoàn thiện và đồng bộ hóa hạ tầng e-logistics; (4) Khai thác mạng lưới tập trung các doanh nghiệp công nghiệp với nhiều giao dịch trực tuyến khác nhau để chia sẻ và khai thác tài nguyên ngành; (5) Hoàn thiện pháp luật về e-logistics.
>>> THÔNG TIN BÀI BÁO
Nguyen Tien Minh, Nguyen Thi Thu Ha, Nguyen Duc Duong (2022). Factors Affecting E-Logistics Services: A Case of Vietnam’s Northern Key Economic Region. Journal of Positive School Psychology, 6(7), 5839-5848.
https://journalppw.com/index.php/jpsp/article/view/12081/7849
>>> GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ
| TS. Nguyễn Tiến Minh hiện là Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế. Ông được cấp bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Hàng không Dân dụng Quốc gia Matxcơva năm 2006, có hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông và thanh toán điện tử tại các doanh nghiệp VDC (VNPT), Indochina Telecom, VNPT EPAY, tham gia tư vấn xúc tiến thương mại cho nhiều đơn vị bao gồm các văn phòng thương mại của các đại sứ quán (Nga và Bulgaria). Ông đã cùng đồng hành với vai trò cố vấn cho sinh viên trong nhiều cuộc thi về thương mại điện tử và logistics. |