Gia tăng năng suất của tài xế công nghệ trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam: Đóng góp đáng kể của hành vi người tiêu dùng

Dịch vụ gọi xe công nghệ lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường Hà Nội vào năm 2014, đến nay đã trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ và mang lại sự thay đổi lớn trong thói quen sử dụng các dịch vụ vận tải nội đô. Số lượng người dùng gia tăng tạo ra thách thức cho các đối tác của dịch vụ vận tải công nghệ hay các tài xế của phương tiện công nghệ trong việc phục vụ hiệu quả hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. 



Nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Khánh Huy, Hoàng Đàm Lương Thuý, Hoàng Trọng Trường (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) và Nguyễn Khánh Linh (Trường Quốc tế - ĐHQGHN) với tiêu đề “Increasing Technology-Based Driver’s Productivity Under Covid-19 Pandemic in Vietnam: the Significant Contribution of Consumer Behavior”, công bố trên tạp chí International Journal of Professional Business Review, 7 (4) (2022) được thực hiện dưới góc nhìn của các tài xế công nghệ, thông qua phương pháp khảo sát với mẫu phân tích gồm 370 tài xế công nghệ. Các kết quả nghiên cứu được trình bày và thảo luận nhằm hướng tới mục tiêu cải thiện năng suất lao động của tài xế công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19; đồng thời tập trung vào các công tác giảm lãng phí cũng như nghiên cứu hành vi sử dụng dịch vụ vận tải của khách hàng. 

 

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả, có thể đề xuất những tác động chính để cải thiện năng suất của tài xế công nghệ trong và sau đại dịch COVID-19. Thời kỳ COVID-19 đặt ra thách thức cho doanh nghiệp nói chung và người lao động nói riêng khi công tác phòng chống dịch bệnh yêu cầu việc cách ly xã hội khiến các hoạt động bị ngưng trệ. Do đó, ứng dụng vận tải trực tuyến được sử dụng nhiều hơn và có thể được coi là mạch kết nối các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa cũng như vận tải hành khách. Điều này có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các tài xế công nghệ. Không chỉ năng suất của người lái xe mà cả sức khỏe của họ, nguy cơ bị nhiễm bệnh hoặc việc đóng cửa cửa hàng đều có thể bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch phong tỏa. 

Kết quả nghiên cứu chỉ rằng giảm lãng phí đóng vai trò quan trọng trong công tác cải thiện năng suất lao động của các tài xế công nghệ. Những lãng phí này bắt nguồn từ quy trình chưa được điều chỉnh hoặc sự không phù hợp về công nghệ giữa tài xế và doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải nên hệ thống hóa đội ngũ lao động của mình bằng các bằng cấp, chứng chỉ hoặc đào tạo về công nghệ và quản trị. Từ đó, các lãng phí sẽ được liệt kê, phân loại và tìm ra phương hướng giải quyết để cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như cải thiện năng suất lao động cho tài xế. Một khi năng suất đã đạt được, hiệu quả hoạt động sẽ được gia tăng trực tiếp. 

Đáng chú ý hơn, hành vi của khách hàng có thể là nguồn gốc cần được chú trọng đặc biệt vì trên thực tế việc xây dựng ý định và quyết định gọi xe công nghệ cũng yêu cầu những hiểu biết nhất định đến từ người dùng. Nhận thức của họ về sự hữu ích hay sự tiện lợi của việc sử dụng ứng dụng vận tải công nghệ sẽ đóng vai trò lớn trong việc tạo ra hành vi khách hàng. Vì vậy, việc tương tác không hiệu quả trên ứng dụng công nghệ có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho hoạt động của doanh nghiệp vận tải nói chung hay tài xế công nghệ nói riêng, có thể là nhu cầu thấp hơn, doanh thu bán hàng thấp hơn, số lượng chuyến đi ít hơn… Đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19, hành vi của khách hàng càng cần được xem xét kỹ lưỡng hơn bởi người dùng ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ gọi xe cao hơn (an toàn cao hơn, độ tin cậy cao hơn…).

Tóm lại, nhóm nghiên cứu đã xem xét năng suất lao động của tài xế trong dịch vụ gọi xe công nghệ với tuyến đường nội đô và kết quả thực nghiệm lấy từ Thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Trong thời kỳ dịch bệnh đã có những thay đổi lớn trong các hoạt động và động lực dựa trên công nghệ cũng không phải ngoại lệ. Yếu tố cân nhắc chính là năng suất lao động của tài xế, đo lường mức độ hiệu quả của họ trong đại dịch COVID-19 và kết quả xác định: khoảng cách xã hội, công tác giảm lãng phí và hành vi của khách hàng có ảnh hưởng đáng kể đến năng suất của tài xế. Mặt khác, tổ chức quản lý và sự hài lòng của lái xe ảnh hưởng đến năng suất lao động của tài xế ở mức độ vừa phải. Những phát hiện này sẽ đóng góp trực tiếp vào các chiến lược phục hồi cho dịch vụ gọi xe sau đại dịch COVID-19 và giai đoạn bình thường mới của nền kinh tế sẽ được thiết lập. Thông qua việc nâng cao năng suất của tài xế, các hoạt động của dịch vụ gọi xe có thể được ứng biến, cải thiện và hướng tới mục tiêu đạt hiệu suất cao hơn.

>>> Thông tin chi tiết về bài báo:

Nguyen, H. K., Hoang, T. D. L., Hoang, T. T., & Nguyen, L. K. (2022). Increasing Technology-Based Driver’s Productivity Under Covid-19 Pandemic in Vietnam: The Significant Contribution of Consumer Behavior. International Journal of Professional Business Review, 7(4), e0617-e0617.

https://openaccessojs.com/JBReview/article/view/617

>>> Thông tin chi tiết về tác giả Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN:

NCS.ThS. Nguyễn Khánh Huy hiện giảng dạy tại Bộ môn Quản trị Công nghệ thuộc Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Tác giả đã công bố bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín như International Journal of Productivity and Quality Management, Management & Marketing: Challenges for the Knowledge Society… 
Hướng nghiên cứu chính: Năng suất lao động, Quản trị chất lượng, Chất lượng dịch vụ trong thời đại số.

NCS.ThS. Hoàng Đàm Lương Thúy tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản trị bán lẻ và Marketing, Đại học Bournemouth – Vương quốc Anh, hiện giảng dạy tại Bộ môn Marketing thuộc Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. 
Tác giả đã công bố bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín như Management & Marketing: Challenges for the Knowledge Society, Transnational Marketing Journal
Hướng nghiên cứu chính: Quản trị marketing, Trải nghiệm khách hàng, Hành vi người tiêu dùng, Marketing trong thời đại số. 

NCS.ThS. Hoàng Trọng Trường tốt nghiệp Thạc sĩ Marketing Quốc tế tại Đại học Sussex - Vương quốc Anh, hiện công tác tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với vai trò là giảng viên Bộ môn Marketing thuộc Viện Quản trị Kinh doanh.
Trong 3 năm công tác, tác giả đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu các chủ đề liên quan tới marketing nói chung và hành vi người tiêu dùng nói riêng. Một số công trình nghiên cứu đã được xuất bản tại các tạp chí quốc tế uy tín như Journal of Productivity and Quality Management, Cogent Business & Management


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN