Tác động của sự bất ổn chính sách kinh tế đối với các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp

Nghiên cứu về tác động của sự bất ổn chính sách kinh tế đối với các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, trong bài báo “UK economic policy uncertainty and innovation activities: A firm-level analysis” công bố trên tạp chí Journal of Economics and Business Vol. 123 (2023), nhóm tác giả Nguyễn Hồng Minh (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) và Trịnh Quang Vũ (Trường Kinh doanh Newcastle – Đại học Newcastle) đã sử dụng chỉ số EPU của Baker và cộng sự (2016) và dữ liệu của 213 doanh nghiệp phi tài chính lớn nhất tại Anh giai đoạn 1999-2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự bất ổn trong chính sách kinh tế của Anh đã làm giảm đáng kể đầu tư của các doanh nghiệp tại quốc gia này vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Hơn nữa, kết quả cũng cho thấy khi mức đầu tư của các các doanh nghiệp thấp đi sẽ dẫn đến sự sụt giảm giá trị doanh nghiệp, điều này tạo thành mối liên kết tam giác giữa EPU, đầu tư và giá trị doanh nghiệp.



Nghiên cứu của nhóm tác giả là một trong những nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu về sự bất ổn chính sách kinh tế đối với các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp tại Anh. Nhóm nghiên cứu cũng tìm hiểu về mối quan hệ này trong các lĩnh vực khác nhau. Kết quả cho thấy tác động của sự bất ổn chính sách kinh tế đến hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong bốn lĩnh vực: Hàng tiêu dùng, Dịch vụ tiêu dùng, Chăm sóc sức khỏe và Công nghệ. Tuy nhiên, các mối quan hệ này không rõ ràng trong các nhóm ngành Vật liệu cơ bản, Công nghiệp, Dầu khí. 

Kết quả nghiên cứu cũng đưa ra một số hàm ý chính sách. Đầu tiên, nhóm tác giả gợi ý rằng khi các nhà quản lý và hoạch định chính sách thực hiện những thay đổi nhanh chóng và quan trọng trong các quyết định chính sách kinh tế, họ nên lưu ý rằng sự bất ổn chính sách kinh tế liên quan đến các quyết định này có thể cản trở đầu tư vào các hoạt động đổi mới của doanh nghiệp. Do đó, điều này có thể làm giảm quá trình phát triển và giá trị doanh nghiệp. Như vậy, các nhà hoạch định chính sách nên cố gắng giảm bớt sự không chắc chắn trong chính sách kinh tế và kiểm soát sự không chắc chắn đó một cách thích hợp. Thứ hai, khi đánh giá tác động của sự không chắc chắn về chính sách kinh tế đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, nhóm tác giả lưu ý rằng các doanh nghiệp trong các ngành khác nhau sẽ bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. 

>>> Chi tiết bài báo xem tại:

Nguyen, M. H., & Trinh, V. Q. (2023). UK Economic Policy Uncertainty and Innovation Activities: A Firm-Level Analysis. Journal of Economics and Business, 123, 106093.

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0148619522000492?via%3Dihub#

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ CHÍNH

ThS. Nguyễn Hồng Minh: Giảng viên Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Tài chính tại Đại học Liverpool (UK) và hiện là nghiên cứu sinh tại Đại học RMIT. 

Hướng nghiên cứu chính của ThS. Nguyễn Hồng Minh gồm: Công nghệ tài chính (Fintech), tài chính phi tập trung (DeFi) và tiền kỹ thuật số.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN