Giáo trình Logistics

Logistics là các hoạt động dịch vụ kết nối chặt chẽ tất cả các hoạt động kinh tế từ sản xuất, phân phối đến bán hàng trong thị trường. Khi những hoạt động này diễn ra suôn sẻ sẽ khuyến khích sự phát triển của ngành sản xuất và nếu gián đoạn sẽ hạn chế thương mại giữa các khu vực và nước sở tại, có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Nền kinh tế chỉ có thể phát triển đồng bộ và thông suốt nếu chuỗi logistics hoạt động liên tục. Logistics trở thành yếu tố kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy dòng chảy của các giao dịch kinh tế.



Chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử vô cùng đặc biệt và trở thành nhân chứng của nhiều sự kiện kinh tế - xã hội mang tính toàn cầu như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu toàn cầu và chiến dịch quân sự đặc biệt của Liên bang Nga tại Ukraine… Những sự kiện này đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tuy nhiên chính bối cảnh này đã làm nổi bật vai trò và tầm quan trọng của ngành logistics trong đời sống kinh tế - xã hội toàn thế giới.

Được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế, ngành logistics giữ vai trò tối trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc bảo đảm vai trò và vận hành thông suốt “huyết mạch” của nền kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường là vấn đề cấp thiết đang được đặt ra cho ngành logistics.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu trong năm 2021 của Bộ Công Thương, chỉ số năng lực hoạt động của ngành logistics tăng và đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm của năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong Top 10 Chỉ số logistics của thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 14 - 16% trong một năm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành logistics vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong đó có thể thấy rõ là nguồn nhân lực của ngành còn yếu và thiếu, mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của thị trường và chưa theo kịp được sự phát triển của logistics trên thế giới.

Với cách tiếp cận truyền thống và hiện đại, Giáo trình Logistics trình bày các lý thuyết cơ bản về quản lý các hoạt động logistics một cách hệ thống. Giáo trình đưa ra các nội dung quản lý logistics trong doanh nghiệp theo góc độ từ các hoạt động chính của logistics bao gồm dịch vụ khách hàng, hệ thống thông tin logistics, dự trữ, kho bãi, vận tải và các dịch vụ khác. Giáo trình Logistics được tập thể tác giả biên soạn nhằm góp phần nâng cao sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực logistics của sinh viên, sẵn sàng đón nhận việc dịch chuyển lao động giữa các nước ASEAN cũng như tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 

 

Môn học Logistics là mắt xích quan trọng trong chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Kinh tế quốc tế và có sự kết nối chặt chẽ với các môn học khác trong chương trình như: Thanh toán quốc tế, Vận tải và bảo hiểm trong thương mại quốc tế, Quản lý mua hàng và nguồn cung ứng toàn cầu. Vì vậy, Giáo trình Logistics được biên soạn hướng tới đối tượng người học là sinh viên năm 2 và năm 3 chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Kinh tế quốc tế, cung cấp các kiến thức cơ bản về logistics, đảm bảo cung cấp đủ kiến thức nhưng không trùng lặp các môn học khác trong khuôn khổ môn học 3 tín chỉ và 45 tiết.

Để đạt được mục tiêu trên, Giáo trình được kết cấu thành 7 chương, với cấu trúc logic như sau:

- Phần tóm tắt mở đầu cung cấp cho người học một cái nhìn tổng quát về nội dung chương.

- Phần nội dung chính cung cấp các khái niệm và kiến thức cần thiết cho người học trong chương.

- Phần case study đem lại cho người học những ví dụ điển hình, kết quả ứng dụng ...

- Phần câu hỏi ôn tập nhằm nhấn mạnh các ý chính, củng cố và kiểm tra kiến thức từng chương cho người học.

Về mặt nội dung, 7 chương trong Giáo trình được tóm lược như sau: 

Chương 1 trình bày một cách cô đọng nhất sự hình thành và quá trình phát triển của logistics qua các giai đoạn khác nhau. Nhấn mạnh vào vai trò và tầm quan trọng của logistics ở các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, đồng thời chỉ ra đặc điểm của logistics trong một số lĩnh vực đặc thù qua nội dung phân loại. Việc phân loại còn cho thấy vị trí, tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của hoạt động logistics trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chương 2 trình bày khái niệm và mục tiêu của quản lý logistics trong doanh nghiệp. Các nội dung của quản lý logistics trong doanh nghiệp được giới thiệu theo góc độ từ các hoạt động chính của logistics bao gồm dịch vụ khách hàng, hệ thống thông tin logistics, dự trữ, kho bãi, vận tải, và các dịch vụ khác.

Chương 3 trình bày cấu trúc và ứng dụng hệ thống thông tin trong logistics, cùng với đó là các giải pháp công nghệ thông minh đi kèm cho phép các doanh nghiệp tự động hóa các quy trình nhằm tối ưu hóa hoạt động logistics trong doanh nghiệp.

Chương 4 trình bày các kiến thức lý thuyết cơ bản nhất về hoạt động quản trị dự trữ bao gồm: khái niệm và chức năng, nhận biết và phân biệt các loại dự trữ tồn tại trên thị trường.

Chương 5 trình bày các kiến thức tổng thể về vai trò, chức năng và các hoạt động cơ bản của kho hàng, cũng như giới thiệu các loại hình kho hàng phục vụ cho hoạt động kinh doanh cũng như xuất nhập khẩu.

Chương 6 trình bày vai trò của vận tải, cách thức phân loại vận tải khác nhau, dựa vào tính chất kinh tế, đối tượng vận chuyển, kỹ thuật tổ chức chuyên chở hàng hóa, cách thức tổ chức quá trình vận tải, phương tiện vận tải…

Chương 7 trình bày kiến thức cơ bản và nền tảng trong hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, cung cấp cho người học những quy trình giao nhận hàng xuất nhập khẩu một cách tổng quan nhất, để sinh viên có thể gắn với môn học khác trong chương trình đào tạo.

 

>> THÔNG TIN VỀ SÁCH

Tác giả: TS. Nguyễn Tiến Minh, ThS. Phạm Thị Phượng, TS. Nguyễn Lan Anh, TS. Phạm Minh Tuấn

Loại bìa: Bìa mềm

Khổ sách: 16 x 24 cm

Số trang: 218

Giá bìa: 179.000

Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội

ISBN: 978-604-9993-02-2

___________

LIÊN HỆ:

Phòng Tạp chí - Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội 

Tel: (84-24) 37547506 + 703 (Ms. Ngọc Anh)

Email: phongtcxb@vnu.edu.vn

Website: http://ueb.edu.vn 

Fanpage: https://www.facebook.com/UEBresearch


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN