Chuỗi giá trị và thương mại ngành hàng nông lâm sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khủng hoảng sinh thái

Các kết quả nghiên cứu được trình bày trong cuốn sách là nỗ lực của tập thể tác giả gồm các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu hướng tới việc cung cấp các khung phân tích, thông tin và số liệu cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong xây dựng và thực hiện các chính sách về tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị và thương mại ngành hàng nông lâm sản theo định hướng phát triển bền vững.



Tác giả: PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, TS. Phạm Thu Thủy (Đồng chủ biên)

Loại bìa: Bìa mềm

Khổ sách: 16 x 24cm

Giá bìa: 890.000 đồng

Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội

ISBN: 978-604-369-407-9

 

Thương mại ngành hàng nông lâm sản đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam, đồng thời là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông lâm sản toàn cầu. Tuy nhiên, chuỗi giá trị và thương mại ngành hàng nông sản đang đối mặt với những thách thức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, các rào cản thương mại khi Việt Nam ký kết và phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cũng như những khủng hoảng sinh thái trong dài hạn và ngắn hạn (biến đổi khí hậu, mưa axit, dịch bệnh, đại dịch COVID-19). Để đón đầu xu thế thế giới và giải quyết các khó khăn trên, các cơ quan chính phủ, các nhà tài trợ và các đơn vị nghiên cứu khoa học đang nỗ lực hợp tác tìm kiếm và xây dựng các giải pháp cơ chế chính sách và kỹ thuật để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, đáp ứng với yêu cầu thị trường trong và ngoài nước về ngành hàng nông lâm sản và nâng cao tính bền vững của nền kinh tế.

Trong 10 năm trở lại đây, nhiều chính sách mới đột phá thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng nông sản đã ra đời. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia tại khu vực Châu Á nhận được số lượng lớn các dự án hỗ trợ kỹ thuật chuyển giao tri thức và công nghệ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp từ nhiều tổ chức nước ngoài. Sự phát triển và áp dụng khoa học công nghệ trong đổi mới sản xuất nông sản cũng được ghi nhận là một trong những thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp đồng thời là ưu tiên của các chương trình phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Tuy nhiên, cho tới nay có rất ít những ấn phẩm khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu chuyên sâu về lý thuyết, chính sách và bài học thực tiễn liên quan đến chuỗi giá trị và thương mại ngành hàng nông sản tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và khủng hoảng sinh thái.

Chủ biên cuốn sách “Chuỗi giá trị và thương mại ngành hàng nông lâm sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khủng hoảng sinh thái” là PGS.TS. Nguyễn An Thịnh (Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN) và TS. Phạm Thu Thủy (Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế - CIFOR) có kinh nghiệm nghiên cứu trong nước và quốc tế với chuyên môn sâu về nghiên cứu phát triển, kinh tế tài nguyên và môi trường, khoa học chính trị và xã hội, chính sách biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Các kết quả nghiên cứu được trình bày trong cuốn sách này là nỗ lực của tập thể tác giả gồm các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu hướng tới việc cung cấp các khung phân tích, thông tin và số liệu cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong xây dựng và thực hiện các chính sách về tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị và thương mại ngành hàng nông lâm sản theo định hướng phát triển bền vững.

Nội dung cuốn sách được cấu trúc theo 4 phần với 40 chương bao gồm: Các lý thuyết phát triển trong nghiên cứu chuỗi giá trị, thương mại ngành hàng nông lâm sản, hội nhập quốc tế và các khủng hoảng sinh thái thách thức phát triển nông nghiệp bền vững (Phần 1, gồm 9 chương); Thị trường nông lâm sản tiềm năng, chính sách quốc gia và các rào cản đối với thương mại ngành hàng nông lâm sản (Phần 2, gồm 11 chương); Các hệ thống nông lâm nghiệp bền vững và ứng phó, chống chịu khủng hoảng sinh thái (Phần 3, gồm 9 chương); Kinh nghiệm phát triển một số chuỗi giá trị nông lâm sản bền vững của quốc gia, vùng và địa phương (Phần 4, gồm 11 chương). 

Điểm nổi bật của cuốn sách là cung cấp cho người đọc thông tin cập nhật về chính sách và lý thuyết phát triển chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm sản đang được áp dụng trên thế giới, các phương thức quản lý đa ngành hiệu quả, các mô hình thành công và bài học kinh nghiệm trong phát triển chuỗi giá trị và thương mại ngành hàng nông lâm sản trên quy mô quốc gia, vùng và địa phương với kỳ vọng các sáng kiến thành công có thể được xem xét nhân rộng.

 

THÔNG TIN CHỦ BIÊN

PGS.TS. Nguyễn An Thịnh hiện là Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội Sinh thái Cảnh quan Quốc tế tại Việt Nam (VN-IALE). 

Cho đến nay, ông đã công bố 20 cuốn sách chuyên khảo trong nước và quốc tế (trong đó đồng chủ biên 3 cuốn sách thuộc NXB. Springer), hơn 100 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, hơn 30 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế trong danh mục ISI/SCOPUS. Ba năm liên tiếp (2019-2021), PGS.TS. Nguyễn An Thịnh nhận bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN khen tặng nhà khoa học xuất sắc về công bố quốc tế và đăng ký sở hữu trí tuệ của ĐHQGHN.

TS. Phạm Thu Thủy là nhà khoa học cao cấp tại Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR). Với kinh nghiệm làm việc tại hơn 17 quốc gia trên thế giới, bà hiện là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu so sánh toàn cầu về Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD ) tại CIFOR. Bà là thành viên Ban Biên tập của các tạp chí Land Use ScienceForest and Society.  

Cho đến nay, TS. Phạm Thu Thủy đã công bố khoảng 150 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học hàng đầu trong lĩnh vực. Năm 2016, bà được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao tặng Bằng khen về đóng góp quan trọng nổi bật đối với chính sách lâm nghiệp, đặc biệt là Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2020, TS. Phạm Thu Thủy cùng nhóm nghiên cứu đoạt giải bài báo khoa học xuất sắc nhất và được lượng độc giả trích dẫn/download nhiều nhất trên toàn cầu của tạp chí Forest and Society.

___________

LIÊN HỆ:

Phòng Tạp chí - Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội 

Tel: (84-24) 37547506 703 (Ms. Ngọc Anh)

Email: phongtcxb@vnu.edu.vn 

Website: http://ueb.vnu.edu.vn 

Fanpage: https://www.facebook.com/UEBresearch