Tái cấu trúc hệ thống tài chính ở Việt Nam

Trên cơ sở xem xét tái cấu trúc hệ thống tài chính từ một số khía cạnh then chốt nhất, cuốn sách chuyên khảo do PGS.TS. Lê Trung Thành chủ biên đã nhận diện rõ các vấn đề tái cấu trúc hệ thống tài chính sau khủng hoảng, trên cơ sở đó đề xuất các kiến nghị chính sách để tiếp tục thực hiện tái cấu trúc hệ thống tài chính một cách hiệu quả, phù hợp hơn với bối cảnh mới của nền kinh tế trong nước và thế giới.



Tác giả: PGS.TS. Lê Trung Thành (Chủ biên)

Loại bìa: Bìa mềm

Khổ sách: 16 x 24 cm

Giá bìa: 119.000 đồng

Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật

Năm xuất bản: 2017

ISBN: 978-604-62-8997-5

Sau khủng hoảng tài chính - tiền tệ toàn cầu năm 2008, kinh tế vĩ mô trong nước rơi vào suy thoái và có nhiều biểu hiện bất ổn kéo dài, nền kinh tế Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu mang tính hệ thống, trong đó rõ nhất là năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thấp. Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Ba trọng tâm tái cấu trúc nền kinh tế được Chính phủ xác định gồm:

(i)  Tái cấu trúc đầu tư, trọng tâm là đầu tư công;

(ii) Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty;

(iii) Tái cấu trúc hệ thống tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng (TCTD).

Trong ba trọng tâm nói trên, tái cấu trúc hệ thống tài chính được xác định là rất khó khăn, bởi các vấn đề tồn tại, hạn chế của cả khu vực ngân hàng thương mại (NHTM) và khu vực ngân sách nhà nước đã kéo dài. Việc xử lý tái cấu trúc cả hai khu vực này là vô cùng nhạy cảm, tác động chi phối cả ba nhiệm vụ cơ bản của tái cấu trúc kinh tế bao gồm: (i) Ổn định hóa nền kinh tế; (ii) Cải cách quan hệ Nhà nước - thị trường nhằm tạo thuận lợi cho kinh doanh; và (iii) Hiện đại hóa cấu trúc nền kinh tế.

Vượt lên những khó khăn đó, kết quả tái cấu trúc hệ thống tài chính trong giai đoạn đầu rất đáng khích lệ. Các TCTD cổ phần yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ  đã được giám sát chặt chẽ và sắp xếp lại, triển khai xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản, bảo đảm an toàn hệ thống. Thị trường tài chính ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo. Đến cuối tháng 12/2015, hệ thống các TCTD đạt tỷ lệ an toàn vốn 13% (mức tối thiểu theo quy định là 9%) và đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của pháp luật. Quy mô thị trường tài chính, bao gồm thị trường chứng khoán giữ được đà tăng trưởng. Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và trong lĩnh vực ngân hàng được tăng cường, cải thiện mức độ lành mạnh và an toàn của môi trường kinh doanh. Hệ thống các TCTD vừa thực hiện tái cấu trúc, vừa đảm bảo tiếp tục tăng trưởng để hỗ trợ cho nền kinh tế. Lãi suất cho vay trung bình giảm từ 17,9% năm 2011 xuống còn 9,08% năm 2015, nhờ đó tăng trưởng tín dụng dần được cải thiện. Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm khá mạnh, tổng huy động vốn từ nền kinh tế của hệ thống các TCTD tăng cho thấy niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng được cải thiện.

Tuy nhiên, tái cấu trúc hệ thống tài chính còn nhiều hạn chế như sự thay đổi về cấu trúc thị trường tài chính diễn ra chậm chạp, việc huy động và phân bổ vốn đầu tư trung và dài hạn vẫn dựa đáng kể vào hệ thống NHTM, trong khi sự tham gia của các định chế phi ngân hàng còn tương đối hạn chế. Quy mô thị trường chứng khoán tuy đã có sự tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chưa trở thành kênh cấp vốn trung và dài hạn quan trọng nhất cho khu vực doanh nghiệp. Các thể chế thị trường vốn chưa phát triển đầy đủ, đặc biệt chưa có các đơn vị định mức tín nhiệm. Bên cạnh đó, nhiều yếu kém có tính hệ thống và dài hạn của các TCTD chưa được giải quyết cơ bản, đặc biệt là vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo và quản trị ngân hàng nhiều rủi ro; chưa xử lý dứt điểm một số NHTM hoạt động rất yếu kém, có dấu hiệu phá sản. Do đó, rủi ro toàn hệ thống và rủi ro từng TCTD còn rất lớn.

Về những hạn chế của tái cấu trúc chi tiêu ngân sách, có thể thấy quy mô chi tiêu của Nhà nước còn lớn, chưa được kiểm soát một cách hữu hiệu, liên tục tăng nhanh và có nguy cơ vượt quá năng lực hiện tại của nền kinh tế, hạn chế tiềm năng đầu tư phát triển của đất nước. Cân đối ngân sách nhà nước tiếp tục khó khăn, thâm hụt ngân sách kéo dài, nợ công vẫn tăng nhanh và gần đạt trần 65% GDP, nợ Chính phủ vượt trần 50% GDP, tỷ trọng chi đầu tư phát triển giảm mạnh chỉ còn 15,2% trong tổng chi ngân sách năm 2015 , ảnh hưởng đến quy mô đầu tư công cho các lĩnh vực cần thiết để thúc đẩy tăng năng suất lao động như cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, công nghệ.

Trong bối cảnh đó, các kết quả nghiên cứu trong cuốn sách chuyên khảo “Tái cấu trúc hệ thống tài chính ở Việt Nam” đã giúp nhận diện rõ các vấn đề tái cấu trúc hệ thống tài chính sau khủng hoảng, trên cơ sở đó đề xuất các kiến nghị chính sách để tiếp tục thực hiện tái cấu trúc hệ thống tài chính một cách hiệu quả, phù hợp hơn với bối cảnh mới của nền kinh tế trong nước và thế giới.

Thứ nhất, một số gợi ý về định dạng hệ thống ngân hàng Việt Nam sau tái cấu trúc:

  • Xác định rõ cấu trúc sở hữu nhà nước, tư nhân và nước ngoài theo xu hướng giảm dần tỷ lệ sở hữu nhà nước.
  • Phát triển các mô hình tập đoàn tài chính đa năng.
  • Xây dựng các tiền đề để thành lập ngân hàng đầu tư.
  • Tách biệt hoạt động cho vay chính sách khỏi hoạt động của các NHTM.
  • Phân định phạm vi hoạt động của các NHTM nông thôn, thành thị.

Thứ hai, tạo đòn bẩy để các NHTM Việt Nam tiến đến với các quy định của Basel II:

  • Bổ sung trụ cột thứ hai thông qua việc ban hành thêm các quy định giám sát, đánh giá việc thực hiện, chấp hành tỷ lệ an toàn vốn quy định của các ngân hàng trong hệ thống, đồng thời có biện pháp xử lý, khắc phục đối với các ngân hàng không đáp ứng đủ điều kiện vốn theo quy định của Nhà nước.
  • Bổ sung điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đồng thời giảm hệ số rủi ro đối với các khoản vay đầu tư chứng khoán và bất động sản.
  • Điều chỉnh tỷ lệ dự trữ chi trả dựa trên sự khác nhau về khả năng thanh khoản của các tài sản dự trữ.
  • Bổ sung điều lệ quy định giới hạn cho tài sản ngắn hạn dùng để cho vay trung hạn và dài hạn.
  • Xem xét sửa đổi việc mua vốn, góp vốn cổ phần giữa các công ty mẹ con, công ty liên kết, nếu cần, có thể không cho phép hành vi mua, góp vốn giữa các công ty này.
  • Ban hành sửa đổi các quy định về ủy thác, nắm giữ cổ phiếu của các TCTD khác hay giới hạn mức độ nắm giữ cổ phiếu, phân loại đối tượng tham gia góp vốn của các TCTD cụ thể, quy định các mức sở hữu cổ phiếu, cổ phần khác nhau đối với các chức vụ khác nhau trong hội đồng quản trị của TCTD, mỗi TCTD được tham gia góp vốn cổ phần theo tỷ lệ tối đa bao nhiêu phần trăm đối với TCTD khác.
  • Ban hành quy định về thời gian công bố thông tin đối với Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC), đồng thời nâng cao tính chủ động của trung tâm này.

Thứ ba, tái cấu trúc NHTM Việt Nam theo Basel II:

  • Xác định rõ cấu trúc NHTM theo chuẩn mực Basel II phù hợp với đặc điểm, quy mô, năng lực, khả năng của ngân hàng.
  • Xác định rõ việc triển khai thực hiện Basel II là mục tiêu quan trọng, hoạch định rõ chiến lược thực hiện tái cấu trúc NHTM theo Basel II.
  • Xem xét các hình thức tái cấu trúc NHTM theo Basel II.
  • Tái thiết lập các quy chế nội bộ, sắp xếp lại mô hình quản trị ngân hàng, quản trị rủi ro, quản lý thông tin phù hợp với các quy định của Basel II và các quy định khác của Ngân hàng Nhà nước.
  • Một số giải pháp tái cấu trúc NHTM có thể áp dụng song song với tiến trình tái cấu trúc NHTM theo các chuẩn mực Basel II.
  • Xác định rõ cơ quan chuyên trách chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện và các thành phần tham gia quá trình tái cấu trúc, quản trị rủi ro NHTM theo chuẩn mực Basel II.
  • Các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, ngân hàng nên tạo môi trường thực hiện Basel II cho các NHTM.
  • Thiết lập quan hệ, nâng cao vai trò tư vấn thực hiện của tổ chức Basel II trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế thực hiện Basel II; thực hiện phối hợp giám sát với cơ quan giám sát của Ủy ban Basel.
  • Tăng cường thực hiện kiểm tra kiểm soát, xây dựng hệ thống công bố thông tin minh bạch theo hướng dẫn tại Hiệp ước Basel II.

Thứ tư, tăng cường hiệu quả của quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam:

  • Tăng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong các ngân hàng, kể cả tại các NHTMNN đã cổ phần hóa.
  • Chú trọng nâng cao năng lực quản trị công ty của các NHTM Việt Nam.
  • Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, đa dạng về kinh nghiệm giải quyết nợ xấu của các nước trong khu vực trong quá trình tái cấu trúc.

Thứ năm, một số khuyến nghị đối với tái cấu trúc thị trường bất động sản Việt Nam:

  • Thiết lập cấu trúc mới về hành lang pháp lý cho sự hình thành hệ thống tài chính đa dạng hỗ trợ thị trường bất động sản.
  • Duy trì phát triển cấu trúc thị trường nhà cho thuê, nhà ở xã hội.
  • Tăng cường sử dụng công cụ thuế vừa tạo nguồn thu cho ngân sách, vừa làm công cụ điều tiết thị trường.
  • Phát triển, hoàn thiện thị trường nợ theo các thông lệ quốc tế.
  • Đột phá về thay đổi cấu trúc thị trường bất động sản: Phát triển thị trường thứ cấp cho tín dụng bất động sản và các sản phẩm tài chính bất động sản.
  • Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường bất động sản theo các chuẩn mực quốc tế.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng công bố thông tin của các công ty niêm yết trong tiến trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán:

  • Hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống văn bản hướng dẫn
  • Tăng khả năng thực thi của cơ quan quản lý thị trường
  • Đối với các công ty niêm yết: Nâng cao hiểu biết về trách nhiệm xã hội và tầm quan trọng của quản trị công ty.

Thứ bảy, điều hành chính sách tài khóa:

  • Tăng cường giám sát thực thi chính sách tài khóa
  • Tăng cường phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
  • Tăng cường kiểm soát chi ngân sách nhà nước
  • Điều chỉnh hoạt động thu ngân sách nhà nước
  • Phát triển thị trường vốn
  • Tăng cường quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước

Thứ tám, đề xuất điều chỉnh thuế TNDN Việt Nam theo thông lệ quốc tế.

___________

Sách có tại:

Phòng Tạp chí - Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội 

Tel: (84-24) 37547506 máy lẻ 703 (Ms. Ngọc Anh)

Email: phongtcxb@vnu.edu.vn 

Website: http://ueb.vnu.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/UEBresearch