Singapore “mở đường” cho doanh nghiệp SME chuyển đổi số

Chính phủ Singapore đã biến thách thức thành cơ hội, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vượt qua thách thức, đạt được những bước tiến lớn trong chuyển đổi số, vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên 4.0. Singapre có gần 300.000 SME, chiếm 99% tổng số doanh nghiệp, sử dụng 71% lực lượng lao động và đóng góp một nửa GDP quốc gia. Với vai trò là "xương sống" của nền kinh tế, Chính phủ Singapore đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đa dạng, thiết thực, giúp các SME bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số toàn cầu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.


 



Chính phủ đồng hành cùng SME trong chuyển đổi số

TS. Phạm Mạnh Hùng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết năm 2016, Cơ quan Phát triển Truyền thông và Công nghệ Thông tin (IMDA) được thành lập với nhiệm vụ chính là hỗ trợ SME trong quá trình chuyển đổi số. Một năm sau đó, IMDA giới thiệu Chương trình SMEs Go Digital, giúp các doanh nghiệp xây dựng năng lực số thông qua việc lựa chọn các giải pháp công nghệ phù hợp và tài trợ cho việc triển khai.

Năm 2019, IMDA cùng với Enterprise Singapore triển khai sáng kiến Start Digital hỗ trợ các SME mới thành lập cũng như các SME chưa số hóa tiếp cận các nền tảng số cơ bản. Tiếp đến, Chương trình Grow Digital ra đời năm 2020 giúp các SME vươn ra toàn cầu thông qua các nền tảng thương mại điện tử B2B và B2C.

“Sự thành công của Singapore là thông điệp ý nghĩa rằng Việt Nam cũng có thể làm được điều tương tự. Song đòi hỏi Việt Nam cần có tầm nhìn chiến lược, cam kết mạnh mẽ cùng các chính sách và chương trình hỗ trợ đa dạng phù hợp với từng đối tượng cụ thể cùng với việc đảm bảo việc tiếp cận, thực hiện thuận tiện, và tối ưu hóa chi phí cho SME, chẳng hạn như thiết lập Cổng tin hỗ trợ điện tử “một cửa”, để thúc đẩy các SME chuyển đổi số mạnh mẽ, vượt lên trong Kỷ nguyên số” - TS. Phạm Mạnh Hùng, Trường Đại học Kinh tế.

Mới đây nhất, nhằm thúc đẩy các SME ứng dụng AI, tháng 5/2024, Singapore công bố Kế hoạch doanh nghiệp số với mục tiêu hỗ trợ ít nhất 50.000 SME trong 5 năm tới, tập trung vào bốn trọng tâm. Theo đó, (1), đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là AI, giúp SME nâng cao năng suất và khả năng đổi mới; (2), tạo điều kiện giúp SME mở rộng quy mô nhanh chóng qua các giải pháp kỹ thuật số tích hợp và dựa trên đám mây; (3), cải thiện mức độ an toàn mạng cho các SME, củng cố niềm tin vào môi trường số; (4), nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt trong việc đào tạo lại và tuyển dụng dựa trên kỹ năng.

Đến thời điểm hiện tại, cứ 10 SME của Singapore thì có tới 9 doanh nghiệp đã áp dụng ít nhất một công nghệ số, trong đó các SME trong ngành tài chính, bảo hiểm và dịch vụ chuyên nghiệp đã áp dụng trung bình hơn hai công nghệ số, tỷ lệ SME áp dụng công nghệ số đã tăng mạnh từ 74% vào năm 2018 lên 95% vào năm 2023, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế số với tốc độ tăng trưởng 13% mỗi năm, đóng góp tới 17% GDP vào năm 2022.

Chính phủ Singapore không chỉ thiết lập chính sách mà còn đảm bảo việc thực hiện thuận tiện, tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa chi phí cho SME. Cổng thông tin tài trợ doanh nghiệp ra đời năm 2017 đã giúp quá trình xin tài trợ trở nên dễ dàng, thuận tiện, nhanh gọn, minh bạch, chỉ cần truy cập vào địa chỉ https://www.businessgrants.gov.sg/, các SME có thể tiếp cận các chương trình hỗ trợ và tài trợ phù hợp, tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa nguồn lực.

Cổng thông tin này tích hợp tất cả các khoản tài trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp vào một nơi duy nhất. Điều này giúp các SME dễ dàng tìm kiếm và nộp đơn xin các khoản tài trợ cần thiết, đơn giản hóa quy trình xin tài trợ. Thủ tục trở nên rõ ràng và minh bạch hơn, với các đơn xin tài trợ được chuyển đến đúng cơ quan giải quyết, đảm bảo được xử lý nhanh chóng và chính xác. Hệ thống tự động điền thông tin đã cung cấp, giúp quá trình nộp đơn trở nên nhanh chóng, tiện lợi.

Hỗ trợ tài chính, công nghệ số

Theo TS. Phạm Mạnh Hùng, Chính phủ Singapore đã triển khai các gói tài trợ tài chính và hỗ trợ công nghệ số đa dạng giúp các SME xây dựng năng lực số qua các giai đoạn khác nhau. Mỗi khoản tài trợ được thiết kế để giải quyết những thách thức và cơ hội chuyên biệt của các doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của các SME trên cả thị trường trong nước và toàn cầu.

Cụ thể, Chương trình Start Digital giúp các SME mới thành lập hoặc chưa số hóa tiếp cận các giải pháp số cơ bản như phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, và bảng lương. Gói Giải pháp năng suất giúp các SME ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ tới 50% chi phí áp dụng công nghệ, với mức tối đa là 30.000 SGD, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính trong quá trình chuyển đổi số. Các giải pháp công nghệ này đã được chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn, bởi vậy, không chỉ giúp đơn giản hóa việc lựa chọn mà còn đảm bảo rằng các công nghệ được lựa chọn triển khai thực sự phù hợp với nhu cầu thực tế của từng doanh nghiệp.

Một gói hỗ trợ đáng chú khác là Gói phát triển doanh nghiệp hướng tới hỗ trợ các SME đạt các mục tiêu tăng trưởng cao hơn, tập trung vào ba trụ cột chính: Năng lực cốt lõi, Đổi mới và năng suất, và Tiếp cận thị trường. Khoản tài trợ này giúp các doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng và đổi mới hoạt động kinh doanh, với khả năng nhận hỗ trợ lên đến 50% chi phí.

Gần đây, nhận thấy tiềm năng to lớn của AI tạo sinh có thể giúp các SME trong nhiều hoạt động, như thu hút, cải thiện trải nghiệm của khách hàng, tự động hóa các công việc thường xuyên, Chính phủ Singapore đẩy mạnh hỗ trợ các SME ứng dụng AI. Kế hoạch doanh nghiệp số 2024 đặt mục tiêu hỗ trợ ít nhất 50.000 SME tiếp cận và tận dụng các công cụ AI để trở nên thông minh hơn, cải thiện năng suất và đổi mới.

Chương trình GenAI Sandbox nhằm giúp các SME thử nghiệm và triển khai các ứng dụng AI tạo sinh được triển khai. Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên đã có 150 SME tham gia, sử dụng AI tạo sinh cho hoạt động tiếp thị và bán hàng, với 80% tiếp tục sử dụng sau thời gian thử nghiệm. Sáng kiến này không chỉ giúp SME tiếp cận các công nghệ tiên tiến mà còn tạo cơ hội cho họ phát triển và triển khai các giải pháp AI tạo sinh trong doanh nghiệp của mình.

Bên cạnh những hỗ trợ về tài chính và công nghệ số trên, Chính phủ Singapore đã triển khai một loạt các chương trình đào tạo đa dạng và thiết thực giúp cả SME và người lao động có những kỹ năng số cần thiết để thích ứng với xu thế chuyển đổi mạnh mẽ này. Theo đó, chương trình SkillsFuture với các khoản tài trợ dành cho cả doanh nghiệp và người lao động, giúp họ học các kỹ năng số thiết yếu như phân tích dữ liệu, điện toán đám mây, an ninh mạng, và tiếp thị số. Cụ thể, với tiếp thị số, Chính phủ cung cấp các khóa học và nguồn lực giúp các SME nắm vững các công cụ và kỹ thuật như SEO, tiếp thị qua mạng xã hội, và phân tích dữ liệu, từ đó nâng cao hiệu quả chiến dịch số và tối ưu hóa sự hiện diện trực tuyến.

Chương trình SkillsFuture Enterprise Credit tài trợ số tiền lên tới 10.000 SGD để các SME đầu tư đào tạo và phát triển kỹ năng số cho nhân viên, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bản thân cá nhân người học cũng được tài trợ tiền để tham gia các khóa học, người lao động là công dân Singapore từ 25 tuổi trở lên được nhận tài trợ 500 SGD để học kỹ năng mới hoặc nâng cao kỹ năng đang có.

Ngoài ra là hàng loạt các nội dung hỗ trợ khác như, chương trình SME Digital Reboot, ra mắt từ năm 2021, mang đến một giải pháp toàn diện, bắt đầu bằng việc đánh giá năng lực số của từng doanh nghiệp, xác định điểm mạnh, điểm yếu, và nhu cầu cụ thể, từ đó đề ra lộ trình chuyển đổi số phù hợp với doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp được kết nối với các chuyên gia tư vấn để triển khai giải pháp công nghệ, đồng thời tham gia các khóa đào tạo về các công nghệ cốt lõi như phân tích dữ liệu và quản lý quy trình số hóa, giúp các SME tự tin áp dụng công nghệ và thực hiện chuyển đổi số bền vững.

Hay chương trình Thủ lĩnh số DLP triển khai từ năm 2022 hỗ trợ các SME triển vọng để trở thành những người dẫn đầu về kỹ thuật số trong ngành…

“Sự thành công của Singapore là thông điệp ý nghĩa rằng Việt Nam cũng có thể làm được điều tương tự. Song đòi hỏi Việt Nam cần có tầm nhìn chiến lược, cam kết mạnh mẽ cùng các chính sách và chương trình hỗ trợ đa dạng phù hợp với từng đối tượng cụ thể cùng với việc đảm bảo việc tiếp cận, thực hiện thuận tiện, và tối ưu hóa chi phí cho SME, chẳng hạn như thiết lập Cổng tin hỗ trợ điện tử “một cửa”, để thúc đẩy các SME chuyển đổi số mạnh mẽ, vượt lên trong Kỷ nguyên số” - TS. Phạm Mạnh Hùng nhận xét.

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 49-2024 phát hành ngày 2/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 


Trường Đại học Kinh tế