Tinh gọn bộ máy nhà nước: Bước ngoặt đột phá trong phòng – chống tham nhũng

Việc thí điểm bãi bỏ HĐND cấp cơ sở đã tác động sâu rộng và tích cực đối với các địa phương thực hiện, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời giảm tỷ lệ tham nhũng đáng kể, góp phần vào sự phát triển bền vững xã hội.



Thí điểm bãi bỏ Hội đồng Nhân dân cấp cơ sở

Việc tinh gọn bộ máy nhà nước nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền cơ sở đã trở thành vấn đề nổi bật được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm đặc biệt. Nhằm thực hiện hóa chủ trương này, đề án thí điểm về việc bãi bỏ Hội đồng Nhân dân cấp huyện, quận, phường đã được thí điểm theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Việc thí điểm bãi bỏ Hội đồng Nhân dân tại một số cấp cơ sở tại 3 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã được tiến hành trong thời gian gần đây.

Thực tế, việc thí điểm bãi bỏ HĐND cấp cơ sở đã được tiến hành từ hơn 10 năm trước theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại các địa phương thí điểm, quy chế tổ chức hoạt động của HĐND được bãi bỏ, tạm dừng quy trình bầu cử đại biểu HĐND và cấp quản lý được trao quyền chủ động thực hiện các chính sách về công tác cán bộ theo quy định hiện hành. 

Một trong những mục tiêu chính của việc thực hiện đề án là Nghị quyết 50/NQ-CP 2021 bao gồm xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng gắn với đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính. Sau gần 10 năm thực hiện thí điểm, việc đánh giá, tổng kết những tác động của Nghị quyết đối với việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang mở ra những vấn đề đáng nghiên cứu và bàn luận.

Tác động của thí điểm đề án bãi bỏ HĐND đến tham nhũng, tiêu cực

Nhóm nghiên cứu đã so sánh và phân tích dữ liệu từ hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006-2016, xem xét sự thay đổi về mức độ tham nhũng giữa các nhóm doanh nghiệp ở địa phương nơi thực hiện thí điểm với các địa phương khác dựa trên số tiền mà họ phải chi trả không chính thức. Kết quả cho thấy việc bãi bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường đã góp phần tích cực làm giảm thiểu tình hình tham nhũng ở địa phương. Cụ thể, việc bãi bỏ HĐND làm giảm khoảng 4,3% tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả các chi phí phi chính thức cho cán bộ quản lý nhà nước. Điều này chứng tỏ vai trò quan trọng của thí điểm đối với nhận thức về tham nhũng của doanh nghiệp, giúp họ nhận ra rằng hối lộ không phải là việc cần thiết trong quá trình hoạt động kinh doanh. Các tỉnh tham gia thí điểm cũng thể hiện mức độ hài lòng của người dân về bộ máy quản lý chính quyền cao hơn, minh chứng việc bãi bỏ HĐND làm tăng hiệu quả của bộ máy quản lý chính quyền, giảm tương đối tình trạng quan liêu khi xử lý các thủ tục hành chính.

Khuyến nghị tiếp tục mở rộng thí điểm Nghị quyết trên toàn quốc

Những phát hiện của nghiên cứu giúp các doanh nghiệp giảm gánh nặng về các chi phí phi chính thức và các thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là giảm tỷ lệ tham nhũng ở cấp cơ sở. Đồng thời, nó cũng chỉ ra rằng hệ thống tổ chức bộ máy phi tập trung quá mức có thể dẫn đến nhiều hành vi trục lợi và tham nhũng. Việc bãi bỏ HĐND có thể giảm số lượng đầu mối nơi mà các doanh nghiệp phải gánh chịu những khoản chi phí do tiêu cực gây ra. Ngoài ra, cần xem xét mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, cũng như tác động kinh tế tiềm ẩn của quá trình thí điểm Nghị quyết, đặc biệt là đối với các nhà hoạch định chính sách về vấn đề bãi bỏ HĐND. 

>>> NHÀ TƯ VẤN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐHQGHN

TS. Lưu Ngọc Hiệp

>>> TOÀN VĂN 

Ấn phẩm Tư vấn Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN