BC2020
 
Văn hóa doanh nhân và tư duy làm giàu

Ngày 12/10/2009, hòa chung không khí kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, Khoa Quản trị Kinh doanh, Tài chính Ngân hàng và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm giữa sinh viên nhà trường và doanh nghiệp với đại diện là TS. Lê Đắc Sơn, nguyên Tổng giám đốc VPBank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Đại Nam cùng TS. Nguyễn Đình Long, Phó giám đốc Công ty Kỹ thuật Đóng tàu Vinashin.


Tham dự tọa đàm “Khởi sự doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân Việt Nam” có TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng, cùng lãnh đạo, giảng viên và đông đảo sinh viên Trường ĐHKT.
Từ văn hóa doanh nghiệp là một “đạo hàm”…
Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Trúc Lê đã diễn giải quan niệm về văn hóa doanh nghiệp, theo ông, văn hóa doanh nghiệp là một “đạo hàm”, được cấu thành từ 3 yếu tố cơ bản là Product (sản phẩm), People (con người), và Profit (lợi nhuận). Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam có thể bị tác động ở nhiều phương diện, nhưng vấn đề cần suy xét một cách thấu đáo là những ảnh hưởng tiêu cực bởi văn hóa ngoại. Cuối cùng, TS. Nguyễn Trúc Lê khẳng định, dù văn hóa doanh nghiệp là một phạm trù mang tính chất vĩ mô, song nó lại được bắt đầu từ một con người, sau đó là một nhóm người và một tập thể người.
…đến “lập trình” làm giàu
Phát biểu về nội dung tư duy làm giàu tại tọa đàm, TS. Lê Đắc Sơn đề cập đến giấc mơ và hành động làm giàu của mỗi người mà theo ông, với tư cách là một doanh nhân, họ phải là người làm chủ tình hình tài chính của bản thân và cho người khác.
Ai cũng có ước mơ làm giàu, song một câu hỏi đặt ra rằng tại sao lại chỉ có một số người giàu và có rất nhiều những người nghèo? Ông đã sử dụng nguyên lý Pareto (một nhà kinh tế học người Italia, sinh vào cuối thể kỷ 19, ông đã viết nguyên lý 80/20) để diễn đạt ý tưởng của mình rằng, thế giới này chỉ có 20% những người giàu và 80% là những người nghèo. Và một trong những câu trả lời cho ông tại sao lại có những hiện tượng đó là đơn giản vì, trong 2000 sinh viên Việt Nam được phỏng vấn thì có tới 85% trong số họ không biết tương lai của họ như thế nào.
TS. Lê Đắc Sơn nhấn mạnh “con đường làm giàu phải được “lập trình” ngay từ hồi còn trẻ vì cuộc đời chúng ta giống như một bức tranh, chúng ta tự pha màu và tự vẽ nên nó.” Ông cũng lập luận rằng có một số người may mắn giàu có vì trúng xổ số, song họ sẽ không giàu lâu, vì trong suy nghĩ của họ chưa có sự “lập trình tư tưởng của một người giàu”.

*

Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc của các sinh viên tham gia. Buổi tọa đàm được các giảng viên, sinh viên và những người tham gia đánh giá cao về tính hữu ích, đây là một thành công bước đầu trong việc khuyến khích sự phát triển và sức sáng tạo của sinh viên, giúp sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng của ngành học để vươn lên, tạo những bước đột phá cho tương lai. Buổi tọa đàm góp phần khẳng định sự đúng đắn của chính sách hỗ trợ sinh viên qua việc tổ chức các hoạt động và tập huấn ngoại khóa của Trường ĐHKT.
Từ những tư tưởng bảo thủ cho nền phát triển kinh tế và tư duy làm giàu, từ những ảnh hưởng bắt nguồn từ truyền thống gia đình, hay ngay chính bản thân thì những người có tư duy làm giàu phải mạnh dạn xem xét lại những tư tưởng không còn phủ hợp với thời đại mới, rằng lao động kiếm tiền là chính đáng, là bổn phận của mỗi người. Đi đôi với việc thay đổi tư duy, mỗi người cần phải sáng suốt lựa trọn con đường phù hợp cho riêng mình mà không bỏ qua việc học hỏi và kế thừa những kinh nghiệm thành bại của những người đã đi trước.


Việt Hòa - Thùy Dung