Ngày 25/12/2008, Trường Đại học Kinh tế đã tổ chức buổi gặp trên với mục đích để Hiệu trưởng nắm rõ khả năng cũng như mong muốn của các giảng viên nằm trong quy hoạch đạt chuẩn quốc tế. Từ đó, Nhà trường có định hướng đào tạo, bồi dưỡng phù hợp giúp các giảng viên này nhanh chóng đạt chuẩn, có thể giảng dạy cho các chương trình liên kết đào tạo quốc tế trong và ngoài Trường.
Buổi gặp mặt quy tụ những giảng viên trẻ nằm trong diện quy hoạch phát triển, phục vụ cho tương lai của nhà trường. Hầu hết, họ là những người được đào tạo cơ bản ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo. Họ có thể trở thành những giảng viên đạt chuẩn quốc tế nếu có môi trường làm việc, rèn luyện phù hợp.
Tại buổi gặp mặt này, các giảng viên trẻ thực sự có một buổi đối thoại cởi mở với Hiệu trưởng Phùng Xuân Nhạ. Họ bày tỏ những tâm tư nguyện vọng của mình để Hiệu trưởng hiểu và tạo điều kiện cho họ tiếp tục phấn đấu, trưởng thành. Hầu hết các giảng viên đều có nguyện vọng: tiếp tục được nâng cao trình độ ở bậc học cao hơn; được nhà trường tạo điều kiện làm trợ giảng cho các giáo sư nước ngoài để học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm; gắn kết chặt chẽ công tác giảng dạy với nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn...
Đáp lại các ý kiến trên, Hiệu trưởng Phùng Xuân Nhạ tâm sự: “Vai trò của các bạn là cực kỳ quan trọng. Những thay đổi trung và dài hạn của Nhà trường phụ thuộc vào những cán bộ trẻ có năng lực và nhiệt huyết. Việc quy hoạch và bồi dưỡng kịp thời có ý nghĩa cho trước mắt cũng như lâu dài. Chúng ta đang đứng trước nhiều thời cơ nhưng không ít thách thức, bên cạnh những mặt mạnh chúng ta vẫn còn hạn chế, song tôi tin rằng với đam mê, khát vọng tạo ra sự khác biệt nếu chúng ta đồng tâm, nhất trí chúng ta sẽ vươn tới một đẳng cấp khác…”
Để trở thành một trường đại học “chất lượng, đẳng cấp”, Trường ĐHKT vẫn còn nhiều việc phải làm. Đây mới chỉ là buổi gặp đầu tiên giữa Hiệu trưởng với “những người tạo ra bước đột phá trong tương lai” nên nội dung chính mà Hiệu trưởng muốn các giảng viên quy hoạch đạt chuẩn quốc tế thực hiện trước mắt gồm:
1. Giảng viên sẽ chọn các môn phù hợp để giảng dạy sau khi xem xét khung chương trình các hệ đào tạo chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế (16+23).
2. Hoàn thiện hồ sơ cá nhân trong đó thể hiện nhu cầu, thế mạnh nghiên cứu, giảng dạy của bản thân.
3. Góp ý cho các kế hoạch, chiến lược phát triển của Nhà trường bởi các giảng viên thuộc diện quy hoạch chuẩn quốc tế là những người “thi công” chính.
4. Thành lập một “network” tạo môi trường để các thành viên chia sẻ, liên kết.