Trang cựu sinh viên
 
Lựa chọn nào trước ngưỡng cửa đại học?

Trong những ngày cận kề biết điểm chuẩn của các trường đại học, các phụ huynh và các em học sinh đều băn khoăn lo lắng và có hàng trăm câu hỏi trước ngưỡng cửa quan trọng này!


Ai cũng muốn cho con học đại học để sau khi ra trường sẽ có một việc làm tốt với mức lương cao. Nhưng học công lập, học dân lập hay du học tại chỗ? Mỗi lựa chọn đều có những ưu thế riêng và cần sự sáng suốt của các bậc phụ huynh trong việc chọn lựa môi trường học tập phù hợp với con cái mình.

Tâm lý phổ biến và dường như đã trở thành lựa chọn tất yếu của đa số phụ huynh và học sinh là nhất định phải vào học tại một trường đại học công lập. Tuy nhiên, cánh cửa vào trường đại học công lập “không phải lúc nào cũng mở” với tất cả các em học sinh. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 1,9 triệu học sinh tốt nghiệp THPT trên khắp cả nước tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của cả ĐH - CĐ chỉ ở mức 550.000, trong đó đại học là 273000 chỉ tiêu. Như vậy, chỉ 1/8 số học sinh được bước qua cánh cửa hẹp. Ngay cả các em học sinh giỏi với điểm thi cao cũng không khỏi băn khoăn trước việc đăng ký Nguyện vọng (NV) 1, NV2, NV3 với rất nhiều “rủi ro” do phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh từng trường đại học và tâm lý của người học theo từng năm. Ngoài yếu tố thói quen thì mức học phí hợp lý của các trường công lập cũng phù hợp với thu nhập của đại đa số phụ huynh.

“Làn sóng” tư tưởng mới hơn trong các bậc phụ huynh trong những năm gần đây là tìm kiếm một môi trường học quốc tế, phổ biến nhất là đi du học. Tuy vậy, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện kinh tế và sẵn sàng thả cho “cậu ấm - cô chiêu” đang tuổi ăn tuổi chơi một mình học tập lo toan nơi xứ người. Do đó, nhiều phụ huynh thấy việc theo học chương trình đào tạo liên kết quốc tế ngay tại Việt Nam có thể là một giải pháp.

Hình thức liên kết đào tạo (du học tại chỗ) có rất nhiều điểm thuận lợi cho học sinh và phụ huynh. Sinh viên được tiếp cận với chương trình học tiên tiến của các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, New Zealand… Bên cạnh đó, các em sẽ được trang bị không chỉ kiến thức mang tính học thuật mà cả kiến thức xã hội để có điều kiện phát triển toàn diện các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc trong tương lai. Em Cao Minh Đức, sinh viên chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị kinh doanh ĐH Troy (Hoa Kỳ) liên kết với Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN chia sẻ: “Năm thứ nhất học đại cương, em thích nhất môn Đánh giá âm nhạc, Nghệ thuật hội họa vì nhiều kiến thức em chưa từng biết, lại được các thầy giảng dạy ngay tại bảo tàng. Hiện tại em đang học năm thứ 2 với các môn cơ sở ngành như Giao tiếp trong kinh doanh, Nguyên lý kế toán, Quản trị Marketing,…các thầy cô giáo nước ngoài có nhiều kinh nghiệm thực tế tạo ra môi trường học tập sôi nổi, dân chủ dễ tiếp thu”.

Ngoài ra, du học tại chỗ sẽ giúp các em không xa rời với điều kiện thực tế tại Việt Nam, các em sẽ có nhiều cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp tại các doanh nghiệp đòi hỏi trình độ tiếng Anh tốt và sự năng động sáng tạo. Nguyễn Hoàng Linh, cựu sinh viên Khóa 3, tốt nghiệp 2009, Đại học Troy, Chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân, Ngân hàng HSBC cho biết: “Em đi làm từ cuối năm thứ 3, tại Samsung, hiện nay em làm cho HSBC. Các bạn cùng lớp em sau khi tốt nghiệp thường làm các công ty nước ngoài KPMG, Citibank, AnZ,…”

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng gặp phải một vài khó khăn trong việc lựa chọn để cho con em mình theo học chương trình liên kết đào tạo. Hiện nay có rất nhiều chương trình liên kết đào tạo đã và đang được triển khai thực hiện tại Việt Nam nhưng chất lượng đào tạo là vấn đề mà các phụ huynh và học sinh quan tâm hàng đầu. “Bỏ ra một khoản tiền không nhỏ đầu tư cho con cái học tập mà chất lượng đào tạo lại không tương xứng thì rất lãng phí thời gian, tiền bạc và nguy hại cho tương lai con trẻ” - 1 phụ huynh xin được giấu tên chia sẻ. Khi đến các cơ sở giáo dục để được tư vấn, uy tín của trường đại học, chứng nhận kiểm định, cũng như chất lượng đào tạo là điều đầu tiên các phụ huynh nên nghĩ đến khi có ý định “gửi gắm” con cái mình theo học. Những cơ sở đào tạo có uy tín luôn đưa ra một số yêu cầu khá khắt khe đối với học sinh nếu các em muốn theo học như: đủ điểm sàn đại học, thi đầu vào tiếng Anh. Em Lê Minh Sơn, sinh viên khóa 1 chương trình đào tạo Cử nhân kinh doanh 2+2 Đại học Massey (New Zealand) chia sẻ:”Em đã thi đỗ ĐH Xây dựng nhưng hết năm 1 thì chuyển sang học chương trình đào tạo liên kết với ĐH Massey, khó khăn lớn nhất mà em phải vượt qua là có đủ trình độ tiếng Anh để theo học, nhất là ở giai đoạn học chuyển tiếp tại New Zealand trong 2 năm cuối”.

Khả năng tài chính cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh. Tìm hiểu học phí 2010 của các chương trình Cử nhân quản trị kinh doanh của một số trường đại học thuộc 3 khối: các trường ĐH quốc tế có học xá tại VN (như RMIT, British University Vietnam,…), các trường ĐH công lập của Việt Nam liên kết với ĐH nước ngoài (như ĐH Kinh tế, ĐHQGHN liên kết với ĐH Troy - Hoa Kỳ, ĐH Massey - New Zealand,…) và các trường đại học dân lập trong nước (như ĐH FPT, ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM,…), ta có thể thấy học phí trung bình của khối các trường quốc tế có học xá tại VN cao hơn từ 3-4 lần học phí của các chương trình liên kết giữa ĐH công lập với ĐH nước ngoài. Có một điểm khá thú vị là mức học phí của một số trường ĐH dân lập cấp bằng trong nước có phần cao hơn học phí các chương trình liên kết cấp bằng nước ngoài, từ 10-15%. Chúng tôi có đem vấn đề này trao đổi với ThS. Phạm Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Giáo dục quốc tế (CITE), ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và được chị cho biết:”Sở dĩ các chương trình liên kết đào tạo cấp bằng nước ngoài có học phí vừa phải là do các trường Đại học và chính phủ các nước phát triển muốn thông qua các trường ĐH công lập để quảng bá văn hóa hoặc hỗ trợ phát triển xã hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam nên có nhiều học bổng và ưu đãi học phí . Ngoài ra, việc học bán phần hoặc toàn phần tại các trường đại học ở Việt Nam sẽ giúp tiết kiệm chi phí học tập và ăn ở đáng kể cho các em sinh viên.”

Tóm lại, tùy vào học lực của các em học sinh và khả năng tài chính của mỗi gia đình, các bậc phụ huynh hãy trao đổi thật cởi mở và nghiêm túc với con em mình trước khi đưa ra quyết định lựa chọn trường đại học. Môi trường học tập giúp các em phát triển bản thân, vững vàng trước mọi thử thách sẽ luôn là món quà mà các phụ huynh muốn dành tặng cho con em mình trước ngưỡng cửa vào đời.

Để được tư vấn về các chương trình liên kết đào tạo, các phụ huynh và học sinh hãy liên hệ:

Trung tâm Đào tạo và Giáo dục Quốc tế

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Phòng 509, nhà E4, 144 Xuân Thủy, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Điện thoại: 04.3754 9723. Hotline: 0982.201.330 hoặc 0916.932.492


Vũ Nhi A