Trang cựu sinh viên
 
Bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Ngày 24/11/2010, tại Trường ĐHKT – ĐHQGHN đã diễn ra buổi lễ Bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước chuyên ngành Kinh tế chính trị, mã số 62.31.01.01 của nghiên cứu sinh Lê Thị Hồng Điệp.


Luận án mang tên: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để hình thành nền kinh tế tri thức ở Việt Nam”, do PGS. TS. Trịnh Thị Hoa Mai hướng dẫn.


NCS Lê Thị Hồng Điệp bảo vệ luận án trước Hội đồng
Theo đánh giá của Hội đồng, luận án của nghiên cứu sinh đã góp phần làm phong phú thêm những lý luận mới về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó hình thành nền kinh tế tri thức. Luận án cũng đã đánh giá tương đối toàn diện thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đề xuất được một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để hình thành nền kinh tế tri thức tại Việt Nam.
Đánh giá về luận án này, GS. TS Vũ Văn Hiền cho rằng, nghiên cứu sinh đã rất nghiêm túc trong công việc nghiên cứu khoa học của mình. Các thông tin, tài liệu đáng tin cậy và xứng đáng là một đề tài của học vị Tiến sĩ. Cụ thể hơn về cách thực hiện, GS. TS. Vũ Văn Hiền cho biết, đây là một công trình độc lập, rất logic, khoa học, có giá trị tham khảo. Ông khẳng định, với luận án này, nghiên cứu sinh Lê Thị Hồng Điệp hoàn toàn xứng đáng nhận học vị tiến sĩ.
Đồng quan điểm với GS.TS. Vũ Văn Hiền, hội đồng khoa học đều đánh giá cao chất lượng của luận án, đặc biệt là cách tính toán, sử dụng các công cụ, phương pháp cổ điển và hiện đại hợp lý dẫn đến kết quả chuẩn xác. Đánh giá của 17 cơ quan và cá nhân liên quan đến luận án này cho thấy, luận án mang tính cấp thiết, có tính lý luận cao. Các chương, tiểu mục bố trí hợp lý, khoa học. Số liệu, tư liệu có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp, không trùng lặp với bất cứ luận án, đề tài nào trước đó.
Tuy nhiên, luận án vẫn có một số hạn chế nhất định có thể khắc phục được. Cụ thể như số lượng quốc gia khảo sát chưa nhiều và nếu có thể thì nên khảo sát tại những nước có điều kiện kinh tế gần giống Việt Nam hơn. Tuy nhiên, do lý luận và luận cứ tốt nên kết quả khảo sát đạt được có chất lượng cao, cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tác giả cũng đã đưa ra được những giải pháp táo bạo, mới mẻ.
Nhận xét về luận án này, PGS. TS. Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường ĐHKT, Chủ tịch hội đồng khẳng định, luận án có chất lượng tốt. Một số vấn đề PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ lưu ý thêm như: Việc đánh giá tố chất dân tộc là khó đánh giá. Vì vậy nên đưa ra tiêu chí đánh giá hoặc khung đánh giá để có độ tin cậy cao hơn. Nghiên cứu sinh cũng không nên đưa vào nguồn nhân lực chung mà đưa ra một nhóm đối tượng cụ thể để đánh giá và đưa ra phương án giải quyết…

PGS. TS. Trịnh Thị Hoa Mai nói về luận án của nghiên cứu sinh

Về phần mình, PGS. TS. Trịnh Thị Hoa Mai, người chịu trách nhiệm hướng dẫn nghiên cứu sinh khẳng định, rất hài lòng với phương pháp làm việc độc lập, tâm huyết của nghiên cứu sinh. Khả năng xử lý thông tin, giải quyết các áp lực công việc của nghiên cứu sinh là rất tốt. Vì vậy, PGS. TS. Trịnh Thị Hoa Mai hoàn toàn tin tưởng về việc nghiên cứu sinh Lê Thị Hồng Điệp đủ khả năng nhận chức danh tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế chính trị.
Với các góp ý của phản biện, các thành viên trong hội đồng, 7 thành viên trong Hội đồng khoa học kết luận, đồng ý nghiên cứu sinh Lê Thị Hồng Điệp nhận chức danh Tiến sĩ sau khi hoàn thành luận án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để hình thành nền kinh tế tri thức ở Việt Nam”. Trong số 7 thành viên hội đồng thông qua, có 2 thành viên thông qua với phiếu hoàn thành xuất sắc đề tài.

Nghiên cứu sinh tặng hoa và cảm ơn PGS. TS. Phùng Xuân Nhạ cùng Hội đồng khoa học.

M.T