Trang cựu sinh viên
 
Tổng kết chương trình đào tạo thí điểm thạc sĩ chuyên ngành Quản lý kinh tế

Ngày 9/2/2015, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGN đã tổ chức buổi “Tổng kết chương trình đào tạo thí điểm thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Kinh tế” dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường.


Sau phát biểu khai mạc của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, PGS.TS Phạm Văn Dũng - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị đã trình bày báo cáo về Chương trình đào tạo thí điểm thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Kinh tế. Theo đó, ngày 23/12/2009, Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định số 4393/QĐ-SĐH về việc Ban hành Khung chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý Kinh tế và Quyết định số 33/QĐ-SĐH ngày 7/1/2010 về việc giao cho Trường ĐHKT đào tạo thí điểm chương trình này.
Để có thể được ĐHQGHN thẩm định và cho phép đào tạo, Trường ĐHKT đã thực hiện xây dựng chương trình đào tạo này theo hướng liên ngành.
Chương trình thạc sĩ Quản lý Kinh tế được xây dựng với định hướng đào tạo cán bộ quản lý kinh tế ở cấp vi mô và vĩ mô nên đã đáp ứng cao nhu cầu của xã hội. Ngay từ khi được ĐHQGHN cho phép triển khai, Trường ĐHKT đã nỗ lực giới thiệu, quảng bá chương trình đến xã hội nên số lượng thí sinh đăng ký dự thi hàng năm tương đối cao. Cho đến nay, sau 5 năm, số lượng thí sinh dự thi vào chuyên ngành Quản lý Kinh tế luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong các kỳ tuyển sinh sau đại học của trường.
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, Trường ĐHKT luôn coi chất lượng đào tạo là vấn đề căn bản nhất trong việc thực hiện sứ mạng, tầm nhìn cũng như cam kết đối với xã hội. Chính vì vậy, Trường luôn đảm bảo các hoạt động tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo quy định của ĐHQGHN
Do tính liên ngành của chương trình nên mặc dù được giao cho Khoa Kinh tế Chính trị để thống nhất quản lý nhưng nguồn lực giảng viên tham gia giảng dạy là toàn bộ các khoa của Trường ĐHKT; bên cạnh đó là nhiều giảng viên thuộc các đơn vị khác của ĐHQGHN.
Trường ĐHKT đã gửi phiếu điều tra theo mẫu và nhận được phản hồi của 40 học viên và 10 nhà sử dụng lao động. Hầu hết các đánh giá của học viên đều cho rằng chương trình có tính hợp lý, đội ngũ giảng dạy phù hợp và nhìn chung chương trình đã đáp ứng yêu cầu người học. Đối với nhà tuyển dụng, kết quả cũng cho thấy sự phản ứng tích cực đối với kết quả của Trường.

PGS.TS Lê Xuân Bá - Viện Quản lý Kinh tế Trung ương trao đổi tại buổi tổng kết

Tại buổi tổng kết, các giảng viên trong và ngoài trường đã có những thảo luận về chương trình đào tạo thí điểm này. PGS.TS Lê Xuân Bá - Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng đây là một chương trình cần thiết và việc tập trung vào phát triển chuyên ngành Quản lý kinh tế là hướng đi đúng đắn. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng chương trình cần chú trọng về đầu ra hơn nữa. Một số ưu điểm mà ông nhấn mạnh như: chương trình đã tiếp thu các giáo trình trên thế giới nhưng cần có chọn lọc rõ ràng cho phù hợp với điều kiện học tập ở Việt Nam và nên mời thêm các chuyên gia thực tế ở các doanh nghiệp để giúp học viên có thêm kinh nghiệm cụ thể từ phía các tổ chức và doanh nghiệp.

TS. Lê Hồng Huyên - Ban Kinh tế Trung ương cho biết, ông rất đồng tình với báo cáo về chương trình. Các học viên sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý Kinh tế rất được trọng dụng trong các tổ chức; các học viên này cũng có nhiều bài báo khoa học được đánh giá cao về mặt nghiên cứu. Do vậy, ông cho rằng cần có thêm chương trình tiến sĩ Quản lý Kinh tế để đáp ứng nhu cầu của các học viên đang theo học chuyên ngành thạc sĩ.
Sau những góp ý tâm huyết của các giảng viên, kết thúc chương trình, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã phát biểu nhấn mạnh lại một số điểm cần lưu ý để chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý kinh tế ngày càng đạt chất lượng hơn nữa.


Vân Anh (Khoa KTCT)