Trang cựu sinh viên
 
10 sự kiện tiêu biểu của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN năm học 2009 - 2010

Năm học 2009 - 2010 đã kết thúc. Sau hai năm thành lập và phát triển Trường ĐHKT đã tương đối ổn định về cơ cấu tổ chức và định hướng hoạt động. Thương hiệu của Trường đã được xã hội biết đến và đặc biệt trong khối các trường đào tạo ngành kinh tế.



Sau đây là 10 sự kiện nổi bật của năm học 2009 - 2010 do cán bộ, giảng viên Trường ĐHKT bình chọn:

1. Đạt trao chứng chỉ chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008: Trường Đại học Kinh tếlà một trong hai đơn vị đầu tiên của ĐHQGHN tham gia đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO. Việc áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO bước đầu thể hiện sự đổi mới của Nhà trường trong quản trị giáo dục đại học theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. 


GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN trao nhiệm vụ triển khai Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý công cho Trường ĐH Kinh tế

2. Ban tổ chức Trung ương đặt hàng đào tạo cán bộ nguồn cho các bộ, ngành và địa phương trong cả nước: Trường ĐH Kinh tế đã hợp tác với ĐH Uppsala - Thụy Điển, trường đại học lâu đời nhất ở khu vực Bắc Âu và là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới trong đào tạo thạc sĩ Quản lý công. Chương trình này đã được Ban Tổ chức Trung ương đặt hàng đào tạo cán bộ nguồn lãnh đạo trong khuôn khổ Đề án 165 của Chính phủ. Sự kiện này đã đánh dấu sự thành công bước đầu của Trường trong việc thực hiện sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.



3. Công bố và xuất bản Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam lần thứ 2 bằng tiếng Anh:
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là một trong những nghiên cứu mang tính đặc thù của Trường và là trọng tâm của chương trình nghiên cứu kinh tế vĩ mô được Trường đầu tư để phát triển nhóm nghiên cứu mạnh. Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010: “Lựa chọn để tăng trưởng” được xuất bản bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Ấn phẩm này đã nhận được sự đánh giá tích cực của giới chuyên môn, được đề nghị chiết xuất các kiến nghị gửi lên cơ quan Chính phủ phục vụ tư vấn chính sách. Sự thành công bước đầu của sản phẩm này đã tạo tiền đề để đầu tư phát triển Nhóm nghiên cứu của Trường trở thành “think-tank” của Việt Nam về các vấn đề kinh tế vĩ mô.

4. Chất lượng tuyển sinh đầu vào cao; Quy mô sinh viên các chương trình chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, liên kết quốc tế, sau đại học và liên thông tăng mạnh: Đây là kết quảcủa việc thực hiện tốt chiến lược maketing tuyển sinh và nhiệm vụ đào tạo chiến lược (16+23, CLC), tận dụng phát huy thế mạnh của ĐHQGHN và của Trường trong đào tạo liên kết, liên thông. Kết quả này chứng tỏ Nhà trường đang từng bước phát triển theo hướng đào tạo chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế.

TS. Harsha V.Singh - Phó Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới trao tài trợ của Chương trình WTO Chairs (WCP) cho nhóm nghiên cứu của Trường ĐHKT

5. Tham gia vào mạng lưới nghiên cứu quốc tế, thực hiện các chương trình nghiên cứu do các quỹ và ngân hàng quốc tế tài trợ, đạt giải thưởng WTO Chair: Thông qua việc đấu thầu và thực hiện thành công các đề tài, dự án nghiên cứu quốc tế, Trường ĐH Kinh tế đã kết nối được với mạng lưới nghiên cứu quốc tế và khu vực (ĐH Princeton, Quỹ NC Thái Lan, Quỹ JICA Nhật Bản, chương trình nghiên cứu các nước thuộc tiểu vùng Mekong do ADB tài trợ, Chương trình hợp tác nghiên cứu với sự tài trợ của tổ chức Thương mại thế giới WTO…). Hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của các giảng viên mà còn đánh dấu bước đầu sự hội nhập của nhà trường với quốc tế để thực hiện mục tiêu phấn đấu trở thành đại học nghiên cứu đạt đẳng cấp quốc tế.

ĐHKT triển khai tự đánh giá chương trình CLC ngành Kinh tế Đối ngoại theo Tiêu chuẩn AUN-QA

6. Chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế Đối ngoại chất lượng cao được kiểm định: Chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế đối ngoại chất lượng cao của Trường là một trong những chương trình đào tạo đầu tiên trên cả nước được kiểm định chất lượng. Đây là cơ sở để Trường tiếp tục thực hiện kiểm định chất lượng Chương trình này theo tiêu chuẩn kiểm định của AUN-QA và là một bước tiến quan trọng trong công tác đảm bảo chất lượng của Trường.




7. Nghiên cứu thành công đề án đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO
(Conceive, Design, Implement và Operate): Trường ĐH Kinh tế đã nghiên cứu thành công Đề án“Xác lập cơ sở khoa học, thực tiễn và quy trình xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO và áp dụng cho ngành Kinh tế đối ngoại hệ Chất lượng cao tại Đại học Quốc gia Hà Nội”. Đây là cơ sở để các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN nói chung và Trường ĐH Kinh tế nói riêng xây dựng và thiết kế các chương trình đào tạo theo một quy trình chuẩn, phù hợp với thực tế.

8. Tổ chức các hội thảo quốc tế do các học giả nổi tiếng thế giới diễn thuyết: Các hội thảo này cùng với sự xuất hiện của các giáo sư, chuyên gia nổi tiếng trên thế giới (GS.Tom Cannon, GS.TS.Susan Schwab) là một chuỗi các sự kiện tiêu điểm của giới báo chí và kinh tế trong nước. Các sự kiện nói trên đã góp phần tôn vinh hình ảnh của ĐHQGHN nói chung và trường ĐH Kinh tế nói riêng đồng thời tạo cơ sở ban đầu cho việc tiếp tục thu hút các học giả nổi tiếng ở nước ngoài đến hợp tác với Trường.

9. Thành lập Hội đồng ngành Kinh tế học của ĐHQGHN: Hội đồng ngành Kinh tế được thành lập là thành quả lớn cho công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường. Sự kiện này không chỉ thể hiện bước phát triển vượt bậc về chất và lượng của đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh của Trường mà còn cho phép Trường chủ động hơn trong việc đề ra các định hướng nghiên cứu khoa học mũi nhọn trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh cũng như tập trung nguồn lực phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và hiệu quả.

10. Thành lập Hội cựu sinh viên trường ĐH Kinh tế: Hội cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế (UEBAA) được thành lập (tháng 11/2009) tạo kết nối, hợp tác, hỗ trợ giữa Trường với các cựu sinh viên, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và sinh viên trong đào tạo, nghiên cứu, kinh doanh dịch vụ và phát triển nguồn nhân lực. Sự kiện này đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc xây dựng mối liên kết không chỉ giữa các thế hệ cựu sinh viên mà còn giữa cựu sinh viên với Nhà trường, tạo ra một diễn đàn giao lưu, hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển đầy tiềm năng.


Trường ĐHKT - ĐHQGHN