Trang cựu sinh viên
 
Seminar “Kinh tế học thể chế và sự vận dụng vào các nền kinh tế chuyển đổi”

Chiều 20/9/2010, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHKT đã tổ chức seminar khoa học với chủ đề: “Kinh tế học thể chế và sự vận dụng vào các nền kinh tế chuyển đổi”.


Khách mời và diễn giả chính của seminar là PGS.TS. Dimiter Ialnazov đến từ Khoa Kinh tế, ĐH Kyoto (Nhật Bản).
Đông đảo cán bộ giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị đã đến tham dự. Đặc biệt, buổi seminar còn có sự tham gia của ngài George Vasilev, Đại sứ Bulgaria tại Việt Nam với tư cách một nhà nghiên cứu quan tâm đến những vấn đề của kinh tế học thể chế.

PGS.TS. Dimiter Ialnazov
Tại buổi seminar, PGS.TS. Ialnazov đã trình bày những nét khái quát nhất trong các lý thuyết cơ bản của Kinh tế học thể chế, phân tích vai trò của thể chế đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế dài hạn, phân tích quá trình chuyển đổi “hậu XHCN” và sự đa dạng của con đường chuyển đổi ở cấp độ quốc gia và khu vực.
Tuy nhiên nội dung được quan tâm và thảo luận sôi nổi nhất chính là sự vận dụng Kinh tế học thể chế trong nghiên cứu về quá trình chuyển đổi kinh tế ở các nước XHCN cũ. Nhiều ý kiến trao đổi cho rằng, so với Kinh tế học trào lưu chính, cách tiếp cận của Kinh tế học thể chế có thể lý giải rõ hơn nguyên nhân của sự khác biệt giữa các con đường chuyển đổi kinh tế ở các nhóm nước Trung Đông Âu, Nam Đông Âu, Cộng đồng các quốc gia độc lập (thuộc Liên Xô cũ) và Đông Á.
Buổi seminar cũng tập trung phân tích các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, một nền kinh tế chuyển đổi khu vực Đông Á trong quá trình xây dựng, phát triển và kiện toàn các thể chế chính thức cũng như phi chính thức để vận hành nền kinh tế thị trường hiện nay.
Buổi seminar này là một hoạt động thường niên trong khuôn khổ hợp tác, trao đổi học thuật, học giả giữa khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHKT - ĐHQGHN với Khoa Kinh tế, Đại học Kyoto.
Các hoạt động trao đổi học thuật đã góp phần cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết và gợi mở các hướng nghiên cứu mới cho giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHKT, đồng thời góp phần phát triển quan hệ hợp tác phát triển giữa Trường ĐHKT - ĐHQGHN với Đại học Kyoto, Nhật Bản.

Tin: Hồng Điệp (K.KTCT) - Ảnh: Mạnh Tuấn


Các tin khác