Trang cựu sinh viên
 
Hội thảo đổi mới chương trình đào tạo Trường ĐHKT

ĐHKT đổi mới chương trình đào tạo hướng tới chất lượng - đẳng cấp
Trong hai ngày 15 và 17/7/2008, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tiến hành tổ chức 4 cuộc hội thảo đổi mới chương trình đào tạo các ngành: Kinh tế Chính trị, Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế Đối ngoại và Quản trị Kinh doanh.


Đối với một trường đại học, chương trình đào tạo được coi như một công nghệ, nếu công nghệ hiện đại, tiên tiến thì sản phẩm tạo ra mới chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Chính vì vậy, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường ĐHKT xem đổi mới chương trình đào tạo là công tác trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo, phải tiến hành thường xuyên. Hội thảo đổi mới chương trình diễn ra với ý nghĩa giúp các khoa trong trường có thể xây dựng chương trình đào tạo mới, hiện đại theo hướng chuẩn quốc tế.

Bốn hội thảo đổi mới chương trình đào tạo các ngành trên được tiến hành dưới sự chủ trì của Hiệu trưởng Trường ĐHKT, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ. Tham dự các hội thảo có Ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên, cựu sinh viên ĐHKT cùng nhiều khách mời là: (1) Cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan Trung ương: PGS. TS Nguyễn Xuân Thắng - Phó chủ tịch Viện KHXHVN; TS. Đinh Quang Ty - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương…; (2) Nhà doanh nghiệp đồng thời là nhà tuyển dụng: ThS. Chu Đức Cường - Tổng Giám đốc GP Service; ThS. Vũ Hồng Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Gami; ThS. Nguyễn Lâm Dũng - Giám đốc Công ty Chứng khoán Habu (Habubank)…; (3) Giảng viên các trường đại học lớn ở Hà Nội: PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Viện QTKD, ĐHKTQD; PGS. TS Đàm Văn Huệ - Khoa TCNH, ĐHKTQD; TS. Lưu Minh Văn - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Chính trị, ĐHKHXH&NV, TS. Lê Quân - Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị doanh nghiệp, ĐHTM… Ngoài ra, nhiều chuyên gia về kinh tế và quản trị kinh doanh đã gửi góp ý bằng văn bản cho hội thảo như: GS. TS. Hà Xuân Trừng - Đại học Hawaii; PGS. TSKH Võ Đại Lược - Viện Kinh Tế & Chính trị thế giới; TS. Tô Kim Ngọc - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng…
Các buổi hội thảo tập trung thảo luận để xác định rõ sản phẩm đào tạo cho từng ngành học, cách thức xây dựng chương trình chuẩn và các điều kiện thực hiện. Đó là những mục tiêu cũng như xuất phát điểm cho công tác xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo. Định hướng của Trường ĐHKT là đào tạo ra các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng cao theo hướng trở thành chuyên gia và cán bộ lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế chính trị, kinh tế đối ngoại, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh... có thể làm việc được ở các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Vì vậy, chương trình đào tạo của Nhà trường bên cạnh chú trọng trang bị cho người học những kiến thức cơ bản, chuẩn, hiện đại của thế giới thì việc nâng cao tính thực tiễn, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các lớp học kỹ năng hay trực tiếp thực hành tại các đơn vị tuyển dụng là hết sức cần thiết. Ở các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ cần chú trọng nâng cao hơn, chuyên sâu hơn nghiên cứu các lý thuyết kinh tế… Xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo cần học hỏi kinh nghiệm của các trường quốc tế uy tín, đảm bảo sự liên thông giữa các hệ, giữa trong nước và ngoài nước. Việc đảm bảo tính liên thông một mặt khẳng định chất lượng đào tạo mặt khác giúp cho người học có cơ hội nhận được bằng của các trường nước ngoài dễ dàng hơn, chi phí thấp hơn…
Bốn buổi hội thảo đã diễn ra sôi nổi, hiệu quả. Các nhóm soạn thảo của mỗi khoa đều nhận được những nhận xét, góp ý hết sức có ý nghĩa, phục vụ trực tiếp công tác hoàn thiện đổi mới chương trình đào tạo. Chủ trương của Trường ĐHKT là tiến tới đào tạo theo tiêu chí: chất lượng - đẳng cấp nên các nhóm soạn thảo ở các khoa nhất trí khi xây dựng chương trình đào tạo phải bám sát với nhu cầu của người học, xác định được sản phẩm đào tạo, dựa vào chương trình đào tạo của một trường đại học hàng đầu trên thế giới để xây dựng khung chương trình. Với những bước đổi mới trên mọi phương diện, đặc biệt là về đào tạo - nghiên cứu khoa học, hy vọng rằng Trường ĐHKT sẽ sớm trở thành địa chỉ đào tạo đáng tin cậy, có uy tín trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh.


Nguyễn Tuấn Hùng