Trang cựu sinh viên
 
Hội thảo quốc tế CDIO: Chia sẻ và hợp tác

Từ ngày 14 đến 21/6/2010, Hội thảo quốc tế CDIO đã diễn ra tại Trường Bách Khoa Ecole Polytechnique de Montreal thuộc Đại học Montreal, Canada với chủ đề “Making Change Last: Sustaining and Globalizing Engineering Educational Reform”.


Đây là hội thảo lần thứ 6 được tổ chức bởi Ủy ban CDIO với sự tham dự của gần 300 đại biểu từ nhiều đại học trên thế giới trong đó có đại diện của các đại học danh tiếng như Harvard (Mỹ), MIT (Mỹ), Tsinghua (Trung Quốc), Liverpool (Anh), Singapore Polytechnique (Singapore), Linkoping (Thụy Điển)…
CDIO là một sáng kiến mới cho giáo dục, là một hệ thống các phương pháp, hình thức tích lũy tri thức, kỹ năng trong việc đào tạo sinh viên để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Khởi nguồn từ Viện công nghệ MIT (Mỹ), cho đến nay mạng lưới các trường đại học áp dụng CDIO trên toàn thế giới đang tăng lên rất nhanh. CDIO xuất phát là một hệ thống phương pháp phát triển các chương trình đào tạo kỹ sư nhưng về bản chất, CDIO là một quy trình đào tạo chuẩn và căn cứ vào đầu ra (outcome-based) để thiết kế đầu vào. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic và về phương pháp tổng thể mang tính chung hòa có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau ngoài ngành kỹ sư (với những sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết).Xuất phát từ lý do này, Ủy ban CDIO quốc tế đã khuyến khích, mời các trường đại học, các viện, các tổ chức, các đơn vị đào tạo và nghiên cứu chia sẻ việc áp dụng CDIO của họ cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Mặt khác mặc dù lấy nền tảng kỹ sư nhưng hội thảo cũng tập chung nhiều về đào tạo, phương pháp quản lý giáo dục (như tinh thần doanh nhân, lãnh đạo trong giáo dục đại học, phát triển giảng viên chuyên nghiệp, kết gắn doanh nghiệp với giáo dục đại học, quốc tế hóa giáo dục đại học, học tập dựa trên dự án, cải cách khung chương trình bền vững, đào tạo sinh viên các kỹ năng giao tiếp không chính thức, học tập kinh nghiệm và chủ động, thiết kế chương trình, khung chương trình, môi trường học tập…) có thể áp dụng cho các ngành khác nhau nên đã dành được sự quan tâm rất lớn.

TS. Vũ Anh Dũng - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế thuyết trình tại Hội thảo.

Tại hội thảo, Đại diện cho Trường ĐHKT - ĐHQGHN, TS. Vũ Anh Dũng - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế - đã tham dự và thuyết trình về việc áp dụng cách tiếp cận CDIO để xây dựng chuẩn đầu ra cho ngành Kinh tế đối ngoại chất lượng cao tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là một phần trong toàn bộ kế hoạch phát triển chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO mà Trường ĐHKT đã và đang thực hiện. Bài thuyết trình đã nhận được sự quan tâm lớn, đánh giá cao của các thành viên tham dự Hội thảo, đặc biệt là các Đại học đang và sắp áp dụng phương pháp CDIO để phát triển CT đào tạo ngành kinh tế, kinh doanh vì tính mới, sáng tạo, phương pháp luận khoa học, là một khung, trường hợp mẫu, cụ thể để các Trường tham khảo. Bài tham luận tại Hội thảo của Trường ĐHKT (của tác giả PGS. TS. Phùng Xuân Nhạ và TS. Vũ Anh Dũng) đã chính thức được Ủy ban CDIO chấp nhận sau quá trình peer-review dưới hình thức là một bài báo chính thức theo chuẩn mực qui định và đã được đăng tải tại trang Web chính thức của Ủy ban CDIO quốc tế với nhan đề: Adapting the CDIO Approach in Developing Learning Outcomes for Economics and Business Disciplines in Vietnam: A Case Study of the University of Economics and Business at Vietnam National University, Hanoi”
Tại hội thảo TS. Vũ Anh Dũng cũng đã có buổi gặp gỡ trao đổi với Ủy ban CDIO quốc tế (đại diện là Giáo sư Edward Crawley là sáng lập viên của sáng kiến CDIO), các cộng tác viên CDIO từ các Trường ĐH trên thế giới và đề nghị hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng CDIO cho ngành kinh tế, kinh doanh của Trường ĐHKT - ĐHQGHN trong thời gian tới. TS. Vũ Anh Dũng cũng đã gặp trao đổi trực tiếp với đại diện của 2 Trường đang bắt đầu áp dụng cách tiếp cận CDIO cho ngành kinh tế / kinh doanh là Đại học Bách khoa Singapore (Singapore Polytechnique) cho ngành kinh doanh quốc tế và Đại học Unitec của Honduras cho khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh. Như vậy, chủ trương của ĐHQGHN về triển khai các chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO cho tất cả các ngành đào tạo (không chỉ là ngành kỹ sư) đang dần thành hiện thực, Trường ĐHKT đã bắt đầu kết nối được với Ủy ban CDIO quốc tế và các trường đại học trên thế giới áp dụng cách tiếp cận CDIO cho các ngành kinh tế/kinh doanh.
 Tại hội thảo này Đại học Quốc gia TP. HCM cũng cử 5 đại diện tham dự (gồm đại diện Ban giám đốc, Trưởng ban Quan hệ quốc tế, chuyên viên Ban đào tạo, đại diện Ban Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin -  Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và đại diện Ban Chủ nhiệm Khoa Cơ khí Trường ĐHBK).

Từ phải qua: GS. Nguyễn Thế Hưng (Ecole Polytechnique Montreal), TS. Vũ Anh Dũng (Trường ĐHKT - ĐHQGHN), Giáo sư trợ lý Võ Hữu Đức (Ecole Polytechnique Montreal), PGS. TS. Nguyễn Hữu Lộc (Khoa Cơ khí - Trường ĐHBK TPHCM), và TS. Hồ Tấn Nhựt (California State University, Northridge) tại hội thảo.


Vĩnh Bảo Ngọc (Khoa KTQT)


Các tin khác