Trang cựu sinh viên
 
Seminar “Xây dựng chuẩn đầu ra” tại Khoa Kinh tế Quốc tế

Trong lộ trình thực hiện Đề án xây dựng “chuẩn đầu ra” theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, ngày 14/5/2010, Khoa Kinh tế Quốc tế đã tiến hành Seminar với chủ đề “Xây dựng chuẩn đầu ra cho đào tạo đại học ngành Kinh tế đối ngoại” dưới sự chủ trì của TS. Vũ Anh Dũng, Chủ nhiệm khoa và PGS.TS Hà Văn Hội – Phó Chủ nhiệm khoa.


Tham dự Seminar có TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng  Trường ĐHKT, ThS. Đỗ Thị Ngọc Quyên – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, cùng toàn thể các cán bộ, giảng viên Khoa Kinh tế Quốc tế.
Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI – đại diện cho khối các doanh nghiệp, và các nhà tuyển dụng đến dự để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những kiến thức, những yêu cầu thực tế của doanh nghiệp đối với các kỹ năng cần thiết của sinh viên khi ra trường và  hội nhập vào môi trường làm việc hiện đại.
Mở đầu buổi Seminar, TS. Vũ Anh Dũng nêu rõ tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình hành động triển khai Nghị định số 05-NQ/BCSĐ ngày 6/1/2010 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, trong đó làm rõ vai trò, tính cấp thiết của việc xây dựng “chuẩn đào tạo” nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo của Khoa. Trên thực tế, hiện nay Khoa đã áp dụng và triển khai chuẩn đầu ra cho hệ đào tạo chất lượng cao ngành kinh tế đối ngoại theo mô hình CDIO (Conceive, Design, Implement and Operate).
Tiếp đó TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cũng khẳng định Trường Đại học Kinh tế nói chung và Khoa Kinh tế Quốc tế nói riêng sẽ công bố Chuẩn đầu ra với quy trình xây dựng hiện đại, thừa kế kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Để làm rõ mục tiêu, nội dung và cách thức xây dựng chuẩn đầu ra, ThS. Đỗ Thị Ngọc Quyên đã trình bày chi tiết các vấn đề: hiểu biết về cách thức xây dựng chuẩn, các bước triển khai xây dựng và công bố chuẩn đầu ra theo quy trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mẫu phiếu khảo sát, hướng dẫn đi kèm với từng công việc trong quy trình ban hành chuẩn đầu ra và xây dựng phương pháp đánh giá, kiểm soát chuẩn đầu ra của các chuyên ngành đào tạo cho phù hợp với nhu cầu xã hội,…
Tại phần thảo luận, Ban Chủ nhiệm Khoa và các cán bộ giảng viên đã trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm xoay quanh các nội dung liên quan đến: kinh nghiệm xây dựng chuẩn đầu ra của các trường đại học trên thế giới, một số thực tế liên quan đến chuẩn đầu ra của các trường đại học trong nước, công cụ khảo sát nhu cầu xã hội về sinh viên tốt nghiệp, định vị các chuyên ngành đào tạo một cách hiệu quả và vấn đề cải tiến chuẩn đầu ra hàng năm. Trong phần trao đổi về kinh nghiệm thực tế, các đại biểu đều nhất trí quan điểm đó là bên cạnh những “tiêu chuẩn cứng” thì cần phải xây dựng được “tiêu chuẩn mềm” về chuẩn đầu ra cho sinh viên, trong đó chú trọng đến: Khả năng cập nhật kiến thức và công nghệ mới, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc nhóm, khả năng làm việc độc lập; đạo đức nghề nghiệp… Đó là những chỉ tiêu rất quan trọng để đánh giá mức độ thành công của một sinh viên khi tham gia môi trường làm việc hiện đại.
Theo PGS.TS Hà Văn Hội, đây là một buổi seminar có ý nghĩa thiết thực, giúp cho cán bộ giảng viên cập nhật được những thông tin mới về chuẩn đầu ra đồng thời cũng đưa ra được những giải pháp để góp phần hỗ trợ Ban biên soạn chuẩn đầu ra của Khoa hoàn thiện thêm các nội dung nghiên cứu. Dự kiến chuẩn đầu ra của Khoa Kinh tế Quốc tế sẽ được nghiệm thu và ban hành vào tháng 8/2010.
Seminar được đánh giá là thiết thực và giải đáp được nhiều câu hỏi.

Bảo Ngọc