Trang cựu sinh viên
 
Chương trình trả nợ đợt cuối trong dự án phối hợp giữa Quỹ ABS và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển

Phòng khám Trần Bình khám bệnh cho người dân
Ngày 5/7/2009, tại xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã diễn ra chương trình khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người già và người nghèo của xã do Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền Trần Bình thực hiện với sự tài trợ của Quỹ ABS.


Quỹ ABS là Quỹ tư nhân của Na Uy, có hoạt động tài trợ nhân đạo, hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên. Ở Việt Nam, Quỹ ABS lựa chọn Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, Trường Đại Học Kinh tế - ĐHQGHN với vai trò điều phối viên để thực hiện chương trình SMI từ năm 2005 đến nay. Chương trình này diễn ra nhằm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn không lãi suất để đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sử dụng chính những sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp để hỗ trợ miễn phí cho người tàn tật và người nghèo. Chương trình SMI đến nay đã trải qua 4 giai đoạn và Phòng khám Trần Bình là một trong những đơn vị được hỗ trợ trong giai đoạn 4 với số tiền 5000 USD.

Trong chương trình trả nợ lần này, Phòng khám đã áp dụng “phương pháp đo kinh lạc” để chẩn đoán bệnh và cấp thuốc cho 150 người nghèo và người già. Đo kinh lạc là phương pháp đo nhiệt độ kinh mạch ở các chi, từ đó chẩn đoán và phát hiện bệnh, đây là phương pháp mới trong Đông Y. Với sự trợ giúp cả về vật chất lẫn tinh thần này, người dân cũng như lãnh đạo chính quyền địa phương đã bày tỏ sự cảm ơn đến Quỹ, đến Phòng khám và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trường ĐHKT - ĐHQGHN.
Đây là chương trình trả nợ cuối cùng của Phòng khám, đợt trả nợ thứ nhất đã được tổ chức tại xã Yên Khang, huyện Ý Yên, Nam Định. Qua 2 lần trả nợ, Phòng khám đã hoàn trả đủ số tiền đã vay từ Quỹ. Hy vọng qua thành công của Chương trình lần này, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển sẽ tiếp tục phối hợp với Quỹ ABS nói riêng và nhiều quỹ khác nói chung triển khai thêm nhiều chương trình mới hữu ích hơn cho người dân và xã hội.


Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển