Trang cựu sinh viên
 
Seminar góp ý đề án đào tạo phương pháp tiếp cận CDIO

Ngày 3/7/2009, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức seminar góp ý đề án đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO do PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng làm chủ tọa.


Đến tham dự seminar về phía khách mời có PGS. TS. Lê Đức Ngọc - Giám đốc Trung tâm CAMEEQ thuộc Hiệp hội các trường đại học tư thục Việt Nam; về phía Trường Đại học Kinh tế có Ban giám hiệu, lãnh đạo - giảng viên Khoa Kinh tế Quốc tế, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Phòng Đào tạo và Bộ phận Khảo thí và Kiểm định chất lượng.
CDIO là một sáng kiến cho ngành giáo dục, trong đó tất cả các khâu phải được thực hiện theo quy trình chuẩn có tính liên hoàn, gắn kết chặt chẽ với nhau. Quy trình này gồm các giai đoạn “Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành” và được quốc tế công nhận. Bản chất của phương pháp xây dựng chương trình theo cách tiếp cận CDIO là sự phát triển của cách tiếp cận phát triển, trong đó nhà trường là nơi tạo tiềm năng cho người học phát triển - người học được trang bị cả “kỹ năng cứng" và “kỹ năng mềm".
Sau khi nghe TS. Vũ Anh Dũng - Phó chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế, đại diện cho Nhóm nghiên cứu trình bày đề cương đề án “Xây dựng quy trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO cho ngành Kinh tế, Quản trị Kinh doanh và thí điểm áp dụng để nâng cấp Chương trình đào tạo Cử nhân Chất lượng cao ngành Kinh tế Đối ngoại” và PGS.TS. Lê Đức Ngọc thuyết trình về “Phát triển chương trình theo cách tiếp cận CDIO”, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đưa ra những ý kiến đóng góp hết sức hữu ích cho đề án. Đề án đào tạo theo cách tiếp cận CDIO đã được các đại biểu đánh giá cao về tính đột phá trong việc đổi mới dạy và học đại học, tạo ra các sản phẩm đào tạo gắn với nhu cầu của người tuyển dụng, giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và yêu cầu của nhà trường trong sử dụng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, đào tạo theo cách tiếp cận CDIO cũng giúp người học phát triển toàn diện các kỹ năng “cứng” và “mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường công việc luôn thay đổi.
Kết thúc buổi seminar, các đại biểu cùng thống nhất sẽ quyết tâm thực hiện đề án và bước đầu thí điểm cho chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế Đối ngoại, sau đó sẽ nhân rộng sang các chương trình khác nhằm xây dựng và phát triển Trường Đại học Kinh tế trở thành một trường đại học có chất lượng giáo dục đạt chuẩn quốc tế.
                  

TS. Vũ Anh Dũng trình bày đề án “Xây dựng quy trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO cho ngành Kinh tế, Quản trị Kinh doanh và thí điểm áp dụng để nâng cấp Chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế Đối ngoại”


Bích Ngân - Vũ Thanh Hương (Khoa KTQT)