Trang cựu sinh viên
 
Hiệu trưởng Trường ĐHKT tham gia hội thảo “Vấn đề tự chủ - tự chịu trách nhiệm ở các trường đại học và cao đẳng Việt Nam”

PGS. TS Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo và trả lời các câu hỏi của đại biểu tham dự.
Ngày 23/10/2009, tại Trường Đại học Tây Nguyên (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VUN) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Vấn đề tự chủ - tự chịu trách nhiệm ở các trường đại học và cao đẳng Việt Nam”


GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, hiện là Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập; TS. Trần Viết Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Đào tạo Dạy nghề Ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo của 277 trường đại học, cao đẳng là thành viên của VUN đã về tham dự hội thảo. Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng nhà trường đã tham dự hội thảo.
Với thực tiễn ở nước ta và nhìn rộng ra về kinh nghiệm của vấn đề tự chủ cho các trường đại học ở một số nước có nền giáo dục đại học phát triển như Anh, Pháp, Thụy Ðiển, Mỹ, Nga, Ấn Ðộ..., hầu hết các đại biểu đều cho rằng, tự chủ đại học là vấn đề mấu chốt giúp các trường tự tìm con đường riêng để xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội với chất lượng ngày càng cao. Vì vậy, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học, cao đẳng là điều tất yếu.
TS. Võ Xuân Đàn (ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM), cho rằng: tự chủ, tự chịu trách nhiệm chính là bước đột phá của cải cách giáo dục ĐH, CĐ Việt Nam. Ông khẳng định: “Có tự chủ, tự chịu trách nhiệm được những vấn đề chuyên biệt cao của ĐH thì tính khả thi của đề án đổi mới, cải cách giáo dục ĐH từ nay đến năm 2020 mới thực hiện hiệu quả”. Theo PGS.TS. Phạm Xuân Hậu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM, tự chủ - tự chịu trách nhiệm là nội dung quan trọng trong quá trình cải cách giáo dục ĐH nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, cần phải có điều kiện cần thiết và lộ trình phù hợp cho việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Để được tự chủ, trường phải có được thương hiệu, khẳng định đẳng cấp về quy mô và chất lượng trong lĩnh vực đào tạo chính, cùng các nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn, có niềm tin với xã hội.
GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, chia sẻ: song song với vấn đề tự chủ cần đẩy mạnh việc thanh tra để tránh tình trạng tự chủ thì muốn làm gì thì làm, muốn thu học phí bao nhiêu thì thu.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho rằng, tự chủ phải dựa trên ba vấn đề: đào tạo, tài chính và tổ chức. Một khi đã trao quyền tự chủ cho các trường rồi thì lãnh đạo trường phải có trách nhiệm trước mọi hoạt động của mình: minh bạch về tài chính, thu chi phải rõ ràng, đồng thời chủ động về nhân lực, lượng đầu vào lẫn đầu ra, thu nhập của cán bộ công chức... Khi xảy ra tiêu cực phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và xã hội chứ không thể đổ lỗi cho ai.
PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có bài phát biểu nêu bật vai trò của Kiểm định chất lượng giáo dục trong vấn đề tự chủ - tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH-CĐ Việt Nam và thực tiễn áp dụng của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Ông cho rằng: “Với thực tiễn còn nhiều bất cập của giáo dục ĐH hiện nay, không thể giao một lúc quyền tự chủ hoàn toàn và cho tất cả các trường ĐH, CĐ. Mặt khác, khi được giao quyền tự chủ, chưa chắc một số trường đủ sức nhận. Hoặc, một số trường sau khi nhận có thể lạm dụng quyền tự chủ để tùy tiện mở rộng quy mô đào tạo mà không cần quan tâm đến chất lượng”.
Hầu hết các ý kiến cũng đồng tình với việc xếp loại, phân loại các trường đại học, cao đẳng để trao quyền tự chủ cho họ. Theo các đại biểu, vấn đề cốt lõi khi trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học, cao đẳng là cần xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ. Cùng với đó, cần đề ra một lộ trình cụ thể để thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, cao đẳng. Với một hành lang pháp lý chặt chẽ, đủ mạnh thì Bộ GD&ĐT sẽ giám sát chất lượng đào tạo thông qua công tác kiểm định chất lượng được xây dựng thành các tiêu chí rõ ràng, chứ không phải thắt chặt quyền tự chủ của các trường đại học, cao đẳng.
__________________________
Tin liên quan:


Đức Hà - Mai Anh