Trang cựu sinh viên
 
Hệ thống ngân hàng Việt Nam trước yêu cầu tái cấu trúc để phát triển bền vững

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT, trưởng nhóm nghiên cứu (ngồi giữa)
Đó là hội thảo do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức chiều ngày 5/7/2012 nhằm công bố các kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu tài chính - ngân hàng, Trường ĐHKT do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường thực hiện từ cuối năm 2011 đến tháng 5/2012, trong khuôn khổ đề tài trọng điểm cấp Đại học Quốc gia về “Phát triển bền vững hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”.


Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của gần 100 học giả, các chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng và đông đảo giảng viên, các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Sau lời phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo của PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, TS. Quách Mạnh Hào - Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐHKT đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày báo cáo “Một số yếu kém trong hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam”.
TS. Quách Mạnh Hào
Theo đó, nhóm nghiên cứu phân tích và mạnh dạn chỉ ra một số yếu kém của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam hiện nay bao gồm: quy mô của vốn điều lệ và tài sản của các ngân hàng còn nhỏ so với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng trưởng của hoạt động huy động vốn và tín dụng không ổn định, nhiều ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng huy động và tín dụng âm; khả năng cân đối thanh khoản của hệ thống còn yếu kém, tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn hạn cao, lãi suất huy động trên thị trường liên ngân hàng dao động mạnh; lợi nhuận hoạt động không bền vững và chỉ tập trung ở một nhóm các ngân hàng lớn; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng cao, tiềm ẩn rủi ro từ hoạt động cho vay các doanh nghiệp nhà nước, các khoản vay bất động sản và chứng khoán.
Bài viết cũng phân tích các nguyên nhân yếu kém của hệ thống ngân hàng, nhằm tìm ra các vấn đề cần giải quyết khi thực hiện tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn tới.

TS. Nguyễn Thị Minh Huệ

Báo cáo thứ hai được trình bày bởi TS. Nguyễn Thị Minh Huệ, Viện Ngân hàng Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân về “Năng lực quản trị rủi ro và quản trị điều hành của ngân hàng thương mại Việt Nam so sánh với thông lệ quốc tế”. Báo cáo đã tập trung đánh giá thực trạng quản trị rủi ro của các NHTM Việt Nam trên cơ sở khảo sát gần 20 NHTM. Về cơ bản, các kết quả nghiên cứu cho thấy công tác quản trị rủi ro đều được các NHTM coi trọng tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức; rủi ro trong hoạt động của các NHTMVN được đánh giá ở mức cao nhưng công tác quản trị rủi ro chưa tương xứng; các phương pháp quản trị rủi ro theo Hiệp ước Basel II và Basel III vẫn chưa được phổ biến trong các NHTM ở Việt Nam. Thông qua các phân tích, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro của NHTM Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu cũng trình bày kết quả đánh giá quản trị công ty (corporate governance) của hệ thống NHTM Việt Nam trên cơ sở so sánh với nguyên tắc quản trị công ty của OECD và uỷ ban Basel; từ đó sử dụng bộ chỉ số quản trị công ty (CGI) để đánh giá mối liên hệ giữa CGI với kết quả kinh doanh và việc niêm yết. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có khoảng cách lớn giữa thực tế quản trị công ty của các ngân hàng với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, các ngân hàng niêm yết có chỉ số CGI cao hơn các ngân hàng không niêm yết, và không có mối quan hệ rõ ràng về số liệu thống kê giữa CGI với ROE, ROA của ngân hàng.
ThS. Phạm Thị Bảo Khánh
Báo cáo thứ 3 “Hệ thống bảo hiểm tiền gửi vai trò trong xử lý khủng hoảng và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng” được trình bày bởi ThS. Phạm Thị Bảo Khánh - Trưởng phòng Giám sát Ngân hàng, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV). Bài trình bày nhấn mạnh về vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong mạng an toàn tài chính quốc gia, vai trò trong việc góp phần giảm thiểu rủi ro, góp phần xử lý khủng hoảng tài chính trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm một số nước trên thế giới.

TS. Trần Thị Thanh Tú
Báo cáo cuối cùng “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam - Từ góc nhìn phản biện chính sách” được trình bày bởi TS. Trần Thị Thanh Tú - Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐHKT. Báo cáo tập trung phân tích khung khổ lý thuyết về tái cấu trúc ngân hàng, trên cơ sở đó, nghiên cứu phản biện chính sách đối với đề án “Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng” mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại để chỉ ra những ẩn số cần làm rõ nhằm đảm bảo quá trình tái cấu trúc ngân hàng thành công.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra khảo sát 41 ngân hàng thương mại và phỏng vấn sâu 20 chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng để thu thập các ý kiến, quan điểm của chuyên gia, trên cơ sở đó lấy ý kiến phản biện chính sách. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những ẩn số cần làm rõ để thực hiện thành công đề án: mô hình/ định dạng hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu; nguồn lực tài chính cho tái cơ cấu; vai trò của công ty mua bán nợ trong quá trình tái cơ cấu…

Công trình của nhóm nghiên cứu nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các chuyên gia. Trong ảnh là phần góp ý của TS. Võ Trí Thành
Hội thảo đã lắng nghe ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia phản biện, các nhà nghiên cứu cao cấp như TS. Bùi Khắc Sơn - Tổng giám đốc Bảo Hiểm Tiền gửi Việt Nam, TS. Dương Thu Hương - nguyên Phó Thống đốc NHNN, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Đỗ Văn Hưng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội…
Trong đó, các báo cáo được các chuyên gia đánh giá cao về nội dung khoa học, phương pháp nghiên cứu, tính đầy đủ và toàn diện; đề tài nghiên cứu mang tính thiết yếu, các phân tích, nhận định mang tính gợi mở những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu. Những góp ý, trao đổi, thảo luận sôi nổi và hấp dẫn đã cuốn hút các đại biểu tham dự đến phút cuối hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Tin: Nguyễn Hải Hà (Khoa TCNH) - Ảnh: Đỗ Đỗ