Trang cựu sinh viên
 
Những kỷ niệm chưa kể!

(Từ trái sang) Trịnh Thị Hoa Mai, Nguyễn Thị Thư, Mai Thị Thanh Xuân - Các nữ sinh Khóa 1 Khoa Kinh tế Chính trị ngày ấy
Kỷ niệm cũng giống như những món đồ chơi thuở nhỏ được cất trong kho, sẽ làm bạn vui biết bao khi một ngày nhìn lại và cũng buồn nhớ biết bao về một thời đã qua.


Nữ sinh Khóa 1 Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
Ngày ấy...

Chúng tôi nhập học vào ngày 4/11/1974, tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 90 Nguyễn Trãi (nay là số 334-336 Nguyễn Trãi), và được ở cùng nhau trong suốt 5 năm học tập. Là sinh viên khóa đầu tiên của một ngành học mới, của một khoa mới (Khoa Kinh tế Chính trị - tiền thân của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay), nên chúng tôi có những kỷ niệm mà không phải sinh viên nào cũng có được.
Ngay sau khi nhập học, Trường đã dành riêng 5 phòng tại tầng 4 Nhà A (thuộc Trường ĐHKHXH&NV bây giờ) cho lớp Kinh tế Chính trị Khóa I, bao gồm cả Văn phòng khoa và 4 phòng ở (1 phòng cho nữ). Lớp chỉ có 9/43 sinh viên nữ, nên phải ghép thêm 3 người của khóa sau nữa mới đủ “cơ số” cho một phòng 12 người. Có lẽ đây là con số kỷ lục thấp về tỷ lệ nữ của Khoa Kinh tế Chính trị cho đến thời điểm này.
Trong 9 cô gái ấy có đến 4 người quê Hà Nội (Trịnh Thị Hoa Mai, Phạm Trần Thịnh, Phạm Thị Bích Hạnh, và Nguyễn Thị Hiền). Là con gái thành phố nhưng họ không hề thể hiện là đài các hay cao sang, mà ngược lại họ rất giản dị và dễ mến, không khác lắm với mấy người “nhà quê” chúng tôi (Nguyễn Thị Thư quê Hà Tây, Mai Thị Thanh Xuân và Nguyễn Thị Bích Hường quê Hà Tĩnh, Nguyễn Thị Tỵ quê Thái Bình, và Cao Thị Toàn quê Phủ Lý).
Hồi ấy, đối với Khoa Kinh tế Chính trị, nhà trường buộc sinh viên Hà Nội cũng phải nội trú (chỉ cho về nhà tối thứ 7), nên 9 chị em luôn bên nhau trong mọi hoạt động, từ ăn ngủ, học tập cho đến vui chơi, giải trí. Điều đó đã tạo điều kiện để chị em hiểu nhau nhiều hơn, giúp đỡ nhau tốt hơn trong học tập và công tác.

Ấn tượng đầu tiên và cũng sâu đậm nhất (tôi dám chắc là chỉ lớp chúng tôi có) là về mối quan hệ đặc biệt giữa thầy và trò trong Khoa. Cho đến bây giờ, đã gần 40 năm trôi qua nhưng hình ảnh những người thầy đầu tiên của đời sinh viên ấy vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi chúng tôi. Thầy, cô coi chúng tôi như con cháu, tận tình chỉ dẫn, dìu dắt trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa của trường đại học.
Tuy Chủ nhiệm Khoa là GS.Trần Phương (lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế); Phó Chủ nhiệm Khoa là GS. Đào Văn Tập (lúc đó là Đại biểu Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế), nhưng người trực tiếp tổ chức quản lý sinh viên lúc ấy là thầy Hơn, thầy Chánh, và cô Trang (trực Văn phòng).
Chỗ ở của lớp chúng tôi được bố trí gọn trong một tầng, tách biệt với các khoa khác bằng cầu thang bộ nên tương đối yên tĩnh và mang đậm nét không khí gia đình, anh em. Từ đó đến nay, hễ có dịp gặp nhau là chúng tôi lại nhắc đến hình ảnh của thầy Chánh đến gõ cửa từng phòng đánh thức sinh viên vào mỗi 6 giờ sáng và 1 giờ rưỡi chiều, với giọng nói đầm ấm: “Các cháu ơi, dậy học bài đi!”. Nhờ sự chăm sóc đặc biệt đó mà chúng tôi không ai đi học muộn và cũng không ai có thể tự cho mình “quyền” được lười học cả.
Lớp chúng tôi chia thành 3 tổ, và dĩ nhiên 9 bạn nữ cũng được chia 3, trong đó Tổ 1 và Tổ 2 gồm những người đã biết tiếng Nga, còn Tổ 3 tập hợp tất cả những người chưa học ngoại ngữ bao giờ, hoặc những người đã học ngoại ngữ khác. Dù ngẫu nhiên nhưng lại như một tất yếu là trong 9 bạn nữ cũng có 3 người “mù ngoại ngữ” (gồm Xuân, Hường và Toàn), vừa đủ để phân vào Tổ 3.

Các nữ sinh khóa I - Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

Tổ chức và hoạt động theo tổ hồi đó có tác động rất lớn trong việc giúp nhau học tập và rèn luyện, tạo không khí thi đua rất sôi nổi. Chúng tôi sống với nhau trong không khí vừa hợp tác (trao đổi, tranh luận về nội dung các môn học, giúp nhau trong cuộc sống và sinh hoạt thường ngày…), vừa cạnh tranh (cay cú khi đội bóng đá tổ mình bị đội bạn ghi bàn, hay bị xếp loại thấp trong các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao…). Trong đó hợp tác là chủ yếu.

Vào những năm sau chiến tranh, nhiều người từ chiến trường được trở về mái trường. Lớp Khóa 1 chúng tôi có đến hơn chục người thuộc đối tượng này, trong đó, nữ có hai người (Xuân và Hường). Vì vậy, tuy là bạn cùng lớp nhưng chúng tôi thuộc hai thế hệ, cách nhau đến 4-5 tuổi. Điều đó đã tạo thuận lợi cho chúng tôi trong học tập và cuộc sống.

Các em trẻ tuổi, thông minh nhanh nhẹn thì giúp các chị lớn tuổi hơn trong việc học tập, củng cố lại kiến thức đã bị rơi rớt ngoài chiến trận; còn các chị “già” đã va chạm xã hội nhiều hơn thì giúp các em có thêm vốn sống, hiểu biết cuộc đời thật hơn. Sự bổ sung lẫn nhau đó đã tạo nên sự hoàn hảo trong cuộc sống sinh viên của chúng tôi. Người ta thường nói, bọn con gái hay nói xấu nhau, luôn muốn “chơi trội” nhau, nhưng 9 đứa chúng tôi không như thế. Chúng tôi đi đâu cũng có nhau, làm gì cũng sát cánh bên nhau, khiến cho bọn sinh viên khoa khác nhiều lúc phát ghen.
Chúng tôi có một quy ước: để ghi lại những kỷ niệm đời sinh viên, mỗi năm cả phòng đi chụp ảnh chung một lần (vào dịp 8/3); còn để tăng thêm tình đoàn kết gắn bó và tiết kiệm chi phí; các ngày có tính “sự kiện” như 8/3 hay sinh nhật mỗi người đều được phòng đứng ra tổ chức chung.
Chúng tôi có quỹ riêng, và mọi chi phí đều lấy từ quỹ đó. Hồi ấy, học bổng Nhà nước cấp cho sinh viên vừa đủ để nộp tiền ăn (18 đồng/tháng), nhưng sinh viên nữ được phát thêm 5 hào/tháng, và chúng tôi giữ lại phần chênh lệch đó mà lập ra quỹ này. Vậy là, một năm chúng tôi có được 54 đồng tiền quỹ. Trong khi chỉ có 9 lần sinh nhật và 1 ngày phụ nữ nên “cỗ bàn” và quà sinh nhật cũng “xôm” lắm. Đó là chưa kể quà tặng của các bạn nam cùng lớp nữa.
Còn nhớ, vào dịp 8/3 của năm học thứ 3, ban cán sự lớp có sáng kiến thay đổi cách thức tặng quà cho các bạn nữ, và chính sự thay đổi đó đã tạo nên một không khí vui buồn lẫn lộn.
Những năm trước, lớp giao cho các tổ tự “chịu trách nhiệm” về quà tặng cho nữ của tổ mình, nhưng năm ấy, các món quà được gộp chung lại rồi các bạn nữ trong 3 tổ tiến hành bốc thăm. Kết quả là, các bạn nam Tổ 3 ai cũng buồn thiu vì món quà mà họ rất tâm đắc chuẩn bị dành tặng các bạn nữ tổ mình lại “rơi vào tay” nữ tổ khác. Đó là 3 bộ sách của V.I. Lênin, mỗi bộ gồm 6 cuốn nhỏ (bằng ¼ tờ giấy khổ A4).

Tại lễ kỷ niệm 15 ngày ra trường của sinh viên khóa I - Khoa KTCT, ĐHTH Hà Nội


Vào thời chúng tôi, đó là món quà quý vì nó không chỉ là sự thể hiện tấm lòng của các bạn nam, mà còn vì nó rất hữu ích đối với những sinh viên “mặc áo cài khuy cổ” (biệt danh do sinh viên Toán - Lý đặt cho, bởi theo họ, chúng tôi học tại Khoa Kinh tế Chính trị thì sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành các nhà lãnh đạo, mà đã là lãnh đạo thì phải ăn mặc chỉnh tề).
Những kỷ niệm đời sinh viên thì còn nhiều lắm. Có biết bao chuyện muốn kể cụ thể hơn để nhìn lại sự ngây ngô (dễ thương) một thời mà chắc các sinh viên thời @ sẽ không thể tưởng tượng nổi. Như chuyện sợ không đi được máy bay để sang giao lưu với sinh viên trường Đại học Lô-mô-nô-xôp (Maxcơva, Liên Xô); chuyện xuống nhà ăn tập thể thấy chưa đủ mâm (6 người) thì trở về phòng đọc thêm một trang sách nữa; chuyện không mua bất cứ hàng hóa nào tại TP. Hồ Chí Minh chỉ vì một lý do đơn giản - nó được sản xuất bởi các nhà tư bản v.v..., nhưng trong khuôn khổ mấy trang giấy này thì không thể viết hết được.
Rồi 5 năm đại học cũng trôi qua nhanh chóng. Chúng tôi tốt nghiệp vào tháng 9/1979. Mặc dù, trong hồ sơ sinh viên năm ấy ai cũng ghi dòng chữ “Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, sẵn sàng làm bất cứ việc gì theo sự phân công của tổ chức”, nhưng rồi hầu hết chúng tôi đều được phân công công tác tại Hà Nội (8/9 người), trong đó phần lớn là giảng dạy đại học (Mai và Xuân ở lại Trường; Hường về ĐH Thương mại; Toàn và Thịnh về ĐH Bách khoa; Hiền về ĐH Luật; Thư về ĐH Nông nghiệp I, sau đó về lại Trường Đại học Kinh tế; Hạnh về Viện Kinh tế; chỉ có Tỵ là về ĐH Huế).
Thời gian trôi đi, các bạn nữ Khóa I cũng đã trưởng thành, đạt được nhiều thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Cả 9 bạn nữ lớp chúng tôi đều được đào tạo sau đại học, trong đó nhiều người đạt được học vị Tiến sĩ (Mai, Hiền, Thư, Hường và Xuân), 2 người có học hàm Phó Giáo sư (Mai và Xuân). Nhiều người trong số họ đã và đang giữ các cương vị quan trọng ở cấp Khoa hoặc cấp Bộ môn (Hoa Mai làm Chủ nhiệm Khoa, còn Hiền và Toàn làm Phó Chủ nhiệm khoa).
Hiện tại, ngoài Hạnh và Thịnh đang sống và làm việc tại Đức, ít có điều kiện gặp mặt, còn chúng tôi, thỉnh thoảng lại gặp nhau vào những ngày kỷ niệm của lớp, của Khoa, và… còn tại đám cưới các con chúng tôi. Một số trong chúng tôi hiện đã lên “chức bà”, nhưng mỗi lần gặp nhau lại thấy mình như vẫn trẻ con. Đó là lúc chúng tôi đang sống lại đời sinh viên của mình.
Lịch sử Khoa Kinh tế Chính trị (nay là Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội) đã trải qua 38 khóa đào tạo sinh viên. Là người chứng kiến từ những ngày đầu, chúng tôi nhận thấy, sinh viên nữ Khóa I là một tập thể đạt được nhiều cái “nhất” so với các tập thể sinh viên nữ khóa sau (nếu đây là sự ngộ nhận thì cũng xin các thầy, cô và các bạn khóa sau thứ lỗi, và bổ sung). Đó là: tỷ lệ nữ so với cả lớp thấp nhất (chưa đến 20%); tỷ lệ sinh viên nữ nội trú cao nhất (100%); số sinh viên nữ là người Hà Nội nhiều nhất (4/9 người); tỷ lệ người đi dạy đại học cao nhất (gần 90%); tỷ lệ người ở lại trường cao nhất (33%); tỷ lệ người có trình độ sau đại học cao nhất (100%); tỷ lệ người có học vị tiến sĩ cao nhất (gần 67%); tỷ lệ người có học hàm Phó Giáo sư cao nhất (hơn 22%).


PGS.TS Mai Thị Thanh Xuân Khoa Kinh tế Chính trị