Trang cựu sinh viên
 
40 năm nhìn lại Khoa Kinh tế Chính trị nơi đào tạo tôi

TS. Khuất Duy Kim Hải - Nguyên Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị - Sự thật - Cựu sinh viên Khóa 2 Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHTHHN
Là một trong những sinh viên ưu tú của những lứa đầu tiên Khoa Kinh tế học chính trị - Trường ĐHTHHN, TS.Khuất Duy Kim Hải đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xuất bản của nước ta, từ những ngày đầu đất nước chuyển mình với nhiều gian khổ, khó khăn. Những thành quả ông đạt được trong sự nghiệp, xuất phát từ một hành trang vô cùng quý giá mà ông đã được tôi luyện trong 5 năm năm tại giảng đường đại học: Những bài giảng tuyệt vời của đội ngũ giảng viên kỳì cựu, những ngày chong đèn thâu đêm để học bên những bạn đồng môn thân thiết. và một ngôi trường mà bản thân ông không chỉ được học để có kiến thức, mà còn được học để làm người.


Ấm trà đặc và những đêm chong đèn

Gặp ông Khuất Duy Kim Hải tại một quán cà phê giản dị trên phố Tràng Thi vào một ngày cuối thu gió nhẹ, mới cảm nhận được thật sâu câu chuyện về những ngày đầu bước vào giảng đường đại học, cho đến sự bén duyên với nghiệp làm sách mà ông đã gắn bó gần như trọn cả cuộc đời mình. Năm 1975, sau ba năm tham gia quân ngũ - là một trong những chiến sĩ tham gia vào trận Thượng Đức (Quảng Nam) lịch sử, sau khi bị thương, trở về từ chiến trường, ông Khuất Duy Kim Hải quyết tâm thi vào Trường ĐHTHHN. Lúc đầu, ông thi vào Khoa Sử. Sau đó, Trường chọn những học sinh đạt kết quả cao để tuyển vào Khoa Triết học. Tuy nhiên, do nhiều lý do mà năm đó Khoa Triết học chưa được mở ngay nên ông được chuyển sang Khoa Kinh tế Chính trị.

Gần 80 sinh viên xuất sắc nhất lúc bấy giờ, trải qua khâu chọn lọc đầu vào rất kỹ thông qua điểm số và quá trình phấn đầu, rèn luyện, vinh dự được học tập tại  Khoa Kinh tế Chính trị, dưới sự dẫn dắt của đội ngũ giảng viên đầu ngành như GS. Trần Phương (Nguyên Phó Thủ tướng Chính Phủ), cố GS. Đào Văn Tập (Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam), GS. Vũ Hữu Ngoạn (nguyên Phó Viện trưởng Viện Mác-Lênin)… Đó là thời điểm đất nước vô cùng khó khăn do đang chuyển mình từ chế độ bao cấp sang cơ chế thị trường, những sinh viên như ông phải nỗ lực vượt qua tất cả để được học. “Cái thời say sưa học, được học là một niềm vui bất tận, sự tự giác rất cao. Chất lượng dạy và học rất cao. Chúng tôi được tiếp cận với các tác phẩm kinh điển của Mác, Ăngghen, Lênin… Ngay trên giảng đường những ngày ấy, những thầy dạy chúng tôi đều là chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực nên chất lượng rất cao” - Ông Kim Hải chia sẻ.

Nhớ lại thời sinh viên, những kỷ niệm đáng nhớ cứ theo suốt tâm trí ông Kim Hải cho đến khi trở thành một cán bộ cao cấp của NXB Sự Thật (tiền thân của NXB Chính trị Quốc gia). Vốn là bộ đội xuất ngũ, học bổng mà ông Kim Hải nhận được cao hơn các sinh viên từ phổ thông lên với 30 đồng mỗi tháng (sinh viên học tại đây đều nhận được một khoản tiền học bổng là 18 đồng/tháng). 30 đồng khi ấy đủ để ông trang trải tiền ăn trong tháng. “Nhà tôi ở gần khu Văn Miếu, hàng ngày đến trường ở phố Nguyễn Trãi bằng xe bus. Những hôm học cả ngày thì buổi trưa tôi mua bánh mì ăn hoặc vào Ký túc xá ăn cơm, tối lại về ăn cơm nhà. Tiền có được dành nhiều cho chi phí học như mua hay in sao tài liệu” - Ông Kim Hải hồi tưởng.

Vì là khoa mới nên giáo trình chuyên ngành chưa có nhiều, ông cùng các bạn suốt ngày “lê la” Thư viện Quốc gia hoặc tự tìm tài liệu để học. Quý nhất vẫn chính là tập ghi chép lại bài giảng của thầy, bởi không chỉ có kiến thức, bài giảng lồng ghép vào các quan điểm chính trị, có tính ứng dụng thực tiễn cao. Ông kể một  kỷ niệm vui: “Tinh thần học tập hồi đấy rất cao, đua nhau học!Có lúc học căng quá, tôi vào ở tại Ký túc xá với bạn. Thời đấy cà phê không phổ biến như bây giờ, nên chúng tôi uống nước trà để tỉnh ngủ. Tôi vẫn nhớ mãi người bạn Lê Văn Thực (nguyên là giảng viên Môn Mác-Lênin của Trường Đại học Thái Nguyên), mỗi lần từ quê lên đều mang một gói trà rất to. Chúng tôi pha những ấm trà thật đặc uống để chống chọi cơn buồn ngủ. Lúc nào cũng bảo nhau là chỉ học đến 12 giờ đêm thôi, ngủ còn lấy sức mai học. Thế mà một hôm cậu Thực rón rén thức dậy lén… bật đèn để học, bị bọn tôi phát hiện. Và kết quả là cả phòng… cùng nhau thức cả đêm để học”.


Những dấu ấn rực rỡ

Trải qua 5 năm tôi luyện trong môi trường học tập chất lượng cao, cuối năm 1980 ông Kim Hải ra trường và xin vào Nhà xuất bản Sự Thật. Năm 1981, ông chính thức làm việc, gắn bó, và có những cống hiến đáng nhớ cho sự nghiệp xuất bản của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Ra trường với hành trang kiến thức được học, với ông nơi đây đúng như “cá gặp nước”. Những kiến thức được ứng dụng vào thực tiễn nên ông đã bắt nhịp vào công việc rất nhanh. Xuất phát từ vị trí biên tập viên của ban sách Kinh tế, ông tham gia vào tổ chức xuất bản những sách chuyên về Kinh tế. Với tinh thần làm việc cần cù, chịu khó, sáng tạo trong công việc, dám nói, dán làm xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, ông luôn là một cán bộ mẫu mực trong cơ quan, được nhiều đồng nghiệp kính trọng.

Một trong những bước chuyển biến đáng nhớ trong sự nghiệp của ông là sau hơn 7 năm làm việc tại đây, từ biên tập viên giàu kinh nghiệm, ông được chuyển sang phụ trách Phòng Sản xuất Kinh doanh. Từ đây, ông cùng đồng nghiệp bắt đầu “manh nha” các kế hoạch kinh doanh xuất bản phẩm như: tham gia thị trường kinh doanh lịch block, lịch tờ, lịch sổ tay và các văn hóa phẩm khác… Vốn khá nhanh nhạy trong nắm bắt những cái mới, cuối những năm 1980 đến đầu những năm 2000, ông tham gia làm nhóm trưởng nhóm lịch block chính trị - xã hội, phối hợp cùng hàng chục Nhà xuất bản khác. Sản phẩm lịch block chính trị - xã hội khi ấy phát hành được nhiều triệu bản, đem lại nguồn thu đáng kể cho các nhà xuất bản trong bối cảnh ngành xuất bản khó khăn. Chưa dừng lại ở đó, năm 1990-1992, ông là người đề xuất việc thành lập nhà in của Nhà xuất bản Sự thật, lúc đó ít nhà in nên nhà in này mang lại nhiều hiệu quả, như in sách và các sản phẩm thương mại như hộp, bao bì, tạp chí… đưa về nguồn kinh tế lợi kinh tế cho Nhà xuất bản và tạo công ăn việc làm cho một số con em cán bộ trong cơ quan.

Ông Kim Hải đã đưa ý tưởng cho rất nhiều sản phẩm đầu tiên trong sự nghiệp xuất bản của đất nước. Và một trong những sản phẩm mới ông tham gia gây được sự chú ý là việc đề xuất bản CD-Rom về Hồ Chí Minh toàn tập vào năm 2001. (Công trình chào mừng Đại hội lần thứ IX của Đảng), đĩa CD-Rom này đã được ghi nhận Kỷ lục Guiness Việt Nam đưa vào là đĩa CD-Rom về chính trị đầu tiên của đất nước.

Trước đấy, cũng là một kỷ niệm trong sự nghiệp của ông là tham gia với tư cách là người tổ chức xuất bản cuốn sách song ngữ (hai phiên bản Việt - Anh và Việt - Pháp) với tên gọi Có một Việt Nam như thế (Such is Vietnam)vào năm 1995 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Quốc Khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cuốn sách dày gần 300 trang, vừa là một công trình nghiên cứu, tổng kết 50 năm xây dựng và phát triển đất nước, vừa là cuốn sách ảnh với gần 100 bức ảnh của Việt Nam trên mọi lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế… Nhớ lại những ngày này, ông chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ khi cuốn sách được phát hành đã gây tiếng vang rất lớn không chỉ trong nước mà còn với bạn bè quốc tế. Rất nhiều hãng thông tấn lớn của nước ngoài hỏi mua bản quyền nhiều bức ảnh trong sách. 100 bức ảnh được lọc ra từ hàng ngàn bức ảnh của Thông tấn xã và các nhiếp ảnh gia. Ê kíp chúng tôi đã phải thức nhiều đêm để lọc ảnh, trăn trở với từng bức ảnh.. Cuốn sách có 100 bản đặc biệt có hộp đựng sách bằng sơn mài, tên sách ở ngoài được dát vàng thật rất kỳ công để làm quà tặng cho nhiều bạn bè quốc tế và các chính khách lúc bấy giờ. Có thể nói, Có một Việt Nam như thế là một trong những dấu ấn rực rỡ nhất trong sự nghiệp của ông, mang lại tiếng vang lớn cho cả Nhà xuất bản và nhận được nhiều đánh giá cao của các chính trị gia và đồng nghiệp trong nước lẫn quốc tế. Năm 1996, cuốn sách được tặng Giải vàng Giải thưởng Sách hay và Sách đẹp của Hội Xuất bản Việt Nam.

Lời nhắn gửi

Khép lại câu chuyện thú vị, khi tôi hỏi: “Hành trang lớn nhất của ông sau 5 năm học tại Khoa Kinh tế Chính trị là gì?”, ông Kim Hải trầm ngâm một lúc rồi nói: “Chính là chất lượng đào tạo tuyệt vời được kết tinh từ trí tuệ của cả một đội ngũ giảng viên đầy tài năng và tâm huyết. Các thầy đã đào tạo chúng tôi không chỉ kiến thức mà còn cả về nhân cách, để mỗi một sinh viên ra trường đều sẵn sàng dấn thân, say mê và cống hiến cho công việc của mình. Có lẽ bạn không thể tưởng tượng được những ngày học tập say mê của chúng tôi khi ấy. Khi mà mỗi lần thầy Nghĩa - giảng học phần Duy vật biện chứng - đứng giảng trên bục là cả giảng đường im phăng phắc, bài giảng của thầy hấp dẫn đến độ các sinh viên ở ngoài đi ngang qua đều phản nán lại và đứng chen nhau ngoài cửa sổ để nghe thầy giảng. Cả cuộc đời tôi không bao giờ quên những cảm giác rất tuyệt vời ấy!”

Trước sự đổi thay của Khoa Kinh tế Chính trị, bây giờ là Trường ĐHKT, ông Kim Hải cảm thấy tự hào khi là những thế hệ sinh viên đầu tiên của Trường. Những nhắn nhủ của ông cho thế hệ bây giờ của Trường rất đỗi giản dị: Ông mong chất lượng đào tạo của Nhà trường luôn đạt kết quả cao, công tác đào tạo bài bản, và đầy đủ hành trang cho sinh viên, để sau khi ra trường, các em đều đều tự tin, vững bước vào đời.


Trích: Kỷ yếu kỷ niệm 40 năm truyền thống Trường ĐHKT - ĐHQGHN Tháng 11/2014