Trang cựu sinh viên
 
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế tham gia chương trình Study tour Singapore

Chuyến đi đã để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ và kiến thức thú vị.
Trong khuôn khổ hợp tác và phát triển của Tập đoàn Công nghệ Thông tin Hewlett - Packard Việt Nam với Đại học Quốc gia Hà Nội, vừa qua (14/12 đến 16/12/2009) Tập đoàn HP đã trao tặng 8 suất học bổng cho các bạn sinh viên xuất sắc của ĐHQGHN đến tham quan, học tập tại trụ sở chính của tập đoàn tại Đông Nam Á: HP Singapore. Trường Đại học Kinh tế đã có 3 sinh viên vinh dự nhận học bổng này.


Dẫn đầu đoàn sinh viên và đại diện ĐHQGHN sang Singapore tham quan học tập là TS. Nguyễn Thị Tuyết - Phó trưởng Ban Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, ĐHQGHN. Về phía Trường Đại học Kinh tế có PGS.TS Hoàng Văn Hải - Phó Chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh (QTKD) cùng với 3 sinh viên: Nguyễn Văn Thịnh QH-2007-E CLC KTĐN, Lê Thị Dung QH-2008-E CLC KTĐN và Nguyễn Thanh Trung QH-2007-E QTKD.
Chương trình tham quan học tập tuy chỉ gói gọn trong 3 ngày nhưng đã mang lại cho các bạn sinh viên rất nhiều bài học thực tiễn lý thú và bổ ích. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến Singapore là sự hiện đại, năng động và thân thiện của người dân Singapore. Gần như mọi khó khăn thắc mắc của khách du lịch đều được người dân địa phương nhiệt tình giải đáp bằng tiếng Anh. Điều này càng khiến sinh viên nhận thức được vai trò quan trọng của tiếng Anh - ngôn ngữ quốc tế - đối với chính bản thân cũng như với xu thế quốc tế hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Một điều lý thú nữa là tuy đất nước Singapore chỉ có vỏn vẹn 4,9 triệu dân, chưa bằng dân số thủ đô Hà Nội, nhưng GDP của họ đã xấp xỉ gần mốc 150 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người nằm trong top các nước cao nhất thế giới khoảng 28000$/người. Singapore cũng được xếp hạng là nước phát triển đầu tiên của Đông Nam Á với tình hình chính trị rất ổn định, phúc lợi xã hội cao và nhiều thành tựu kinh tế rực rỡ khác. Có được điều này là do chính phủ Singapore đã có chiến lược phát triển hết sức đúng đắn. Trọng tâm phát triển kinh tế đặt vào các ngành mũi nhọn tận dụng lợi thế so sánh của đất nước ví dụ như ngành cảng biển (cảng Singapore là cảng lớn thứ 2 thế giới chỉ sau cảng Amsterdam) hoặc phát triển các ngành công nghệ cao: điện tử viễn thông, công nghệ nanô… Vấn đề thương hiệu cũng rất được chú trọng xây dựng ở Singapore. Singapore lúc nào trong con mắt của bạn bè thế giới cũng được biết đến như là một thành phố hòa bình, sạch đẹp, văn minh và là con là thiên đường mua sắm, nghỉ dưỡng, vui chơi. Để đạt được như vậy người dân, doanh nghiệp và chính phủ Singapore đã phải nỗ lực rất nhiều từ việc qui hoạch kiến trúc đô thị, xây dựng hệ thống pháp luật nghiêm minh, xây dựng ý thức cộng đồng tiến bộ, kêu gọi đầu tư nước ngoài, tạo các chương trình khuyến mãi mua sắm tiêu dùng hấp dẫn… Ước tính mỗi năm Singapore thu hút tới hơn 10 triệu khách du lịch dựa vào thương hiệu của mình. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta với vô vàn danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nét đẹp văn hóa, nghệ thuật nhưng mỗi năm cũng chỉ thu hút được trung bình 3-5 triệu khách. Đây hẳn là một vấn đề dành cho các sinh viên, các nhà nghiên cứu kinh tế nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước bạn.
Ngày 15/12, đoàn được thăm quan Trung tâm Công nghệ cao của HP Singapore. Địa điểm được gọi là Cool Town, nơi trưng bày các công nghệ tân tiến nhất của tập đoàn HP, mà đặc sắc nhất có thể nhắc đến là “ngôi nhà số” - Digital Home. Tại đây, đoàn sinh viên và đại biểu được giới thiệu về những công nghệ ứng dụng của HP đã được hiện thực hóa và chắc chắn sẽ xuất hiện cũng như đưa vào khai thác thương mại trong tương lai rất gần. “All in one”, màn hình đa điểm, Wireless USB, nhận dạng Radio, định vị vị trí, màn hình 3D 8 ảnh, … chính là những công nghệ tối tân rất có thể sẽ xuất hiện và phổ biến trong tương lai ở những ngôi nhà “Smart house” của chúng ta. Nhiều công nghệ còn hỗ trợ đắc lực cho điều tra sản phẩm, thị hiếu, kiểm soát luồng hàng, giao thông, truyền thông… Do đó thật không sai khi nhận định rằng, mọi công nghệ mới đều bắt nguồn từ các vấn đề kinh tế. Giờ nghỉ trưa, đoàn còn được đón tiếp và nói chuyện với bà Serena Yong - Giám đốc HP Singapore. Các sinh viên đã có cơ hội được trò chuyện và đặt các câu hỏi với một nhà lãnh đạo tài năng về bí quyết thành công trong kinh doanh và cuộc sống.
Cũng trong ngày hôm đó, đoàn được thăm quan Đại học Công Nghệ Nanyang (NTU). NTU là một đại học lớn bao gồm nhiều trường đa lĩnh vực từ Trường Công nghệ Thông tin, Trường Văn hóa Nghệ thuật, Trường Kinh tế, Khoa học tự nhiên… Đại học NTU cũng là một trong số những đại học danh tiếng của Singapore thuộc top 15 trường đại học công nghệ hàng đầu thế giới. Với sự đón tiếp rất nồng hậu cũng như chương trình giới thiệu đặc sắc của mình, Đại học NTU và Đại học Quốc gia Hà Nội thể hiện mong muốn củng cố mối quan hệ, hợp tác từ trước và phát triển hơn nữa các chương trình mới vì lợi ích cho sinh viên của cả 2 trường. Tại NTU, đoàn sinh viên và đại biểu còn được giới thiệu về hệ thống máy tính “Thin-Client” rất hiện đại và phục vụ nhu cầu truy cập mạng, học tập cực lớn của toàn sinh viên NTU. Đây cũng là một gợi ý cho chúng ta có thể áp dụng tại chính Đại học Quốc gia một “Thin-Client” tương tự nhằm tiết kiệm chi phí, tăng tính hữu dụng và an toàn cho hệ thống.
Sau 3 ngày tham quan và học tập đầy lý thú, bổ ích, đoàn sinh viên và đại biểu quay trở về Việt Nam với nhiều kỷ niệm đáng nhớ và kiến thức thú vị về Tập đoàn HP, Đại học Công nghệ Nan Yang và đất nước Singapore tươi đẹp.

Nguyễn Văn Thịnh (K52CLC KTĐN)