Trang cựu sinh viên
 
Tọa đàm với học viên ĐH Houston (Hoa Kỳ)

Ngày 11/7/2011, tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã diễn ra buổi tọa đàm Giao lưu kinh doanh và Thảo luận về các vấn đề kinh tế vĩ mô của Việt Nam giữa các học viên và giáo sư Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Phân khoa Thương mại - ĐH Houston, Hoa Kỳ (C.T Bauer College of Business - University of Houston) và các học viên của Trường ĐHKT.


Các học viên, giảng viên hai trường tại buổi tọa đàm đã được nghe thuyết trình của TS. Lê Đăng Doanh - Cố vấn kinh tế cao cấp của Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT.

Học viên Chương trình Thạc sĩ QTKD (MBA) của Phân khoa Thương mại - ĐH Houston hầu hết đang làm cho các công ty đa quốc gia và có những mối quan tâm đặc biệt đến thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Về phía Trường ĐHKT, tham dự tọa đàm là các học viên thuộc chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh liên kết với ĐH Troy và ĐH Benedictine - những người đang nắm vị trí quan trọng trong các công ty, tập đoàn hoặc Bộ ngành Việt Nam.

Tọa đàm được bắt đầu với bài thuyết trình “Các vấn đề kinh tế Vĩ mô đương đại của Việt Nam” của TS. Lê Đăng Doanh, đề cập đến nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô đang được quan tâm hiện nay như: tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, thị trường vàng, thị trường ngoại hối và các chỉ số kinh tế quan trọng trong kinh tế. Bài thuyết trình đã thu hút được sự quan tâm và nhiều câu hỏi của sinh viên MBA ĐH Houston. Do có mối quan tâm đặc biệt đến thị trường cũng như các chính sách kinh tế của Việt Nam, các câu hỏi đề cập đến các vấn đề như: tình hình kinh tế nửa cuối năm 2011, hiệu quả của các chính sách kinh tế do chính phủ ban hành, các lĩnh vực đầu tư tiềm năng tại Việt Nam.

Tiếp đó, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT - TS. Nguyễn Ngọc Thanh có bài thuyết trình về “Chính sách lãi suất và tỷ giá hối đoái của Việt nam”. Qua đó, TS. Nguyễn Ngọc Thanh đề cập đến vấn đề chủ đạo là chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam qua các thời kỳ: trước khi mở cửa (giai đoạn 1988 - 1989), khủng hoảng kinh tế Châu Á (1997 - 1998) và khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008 - 2009). Tiến sĩ đề cập tới các hệ thống và phương pháp đánh giá, định giá đồng Việt Nam và lãi suất ngân hàng kết hợp với các điều kiện kinh tế vĩ mô thực tế ở Việt Nam. Bài nói chuyện nhận được hưởng ứng đặc biệt của các học viên đến từ Đại học Houston với rất nhiều câu hỏi được đưa ra như: chính sách dự trữ ngoại tệ của Việt Nam, cơ sở của hệ thống dự báo tỷ giá, dự đoán tỷ giá giữa đô-la Mỹ và đồng Việt Nam trong thời gian tới…

Phần giao lưu và trao đổi, các học viên đến từ hai trường được chia thành các nhóm có cùng mối quan tâm gồm: kinh tế; bất động sản; công nghệ thông tin và truyền thông; tài chính; xuất nhập khẩu; công nghiệp; nông nghiệp và thủ công nghiệp; thực phẩm. Các nhóm đã tiến hành thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa hai thị trường Mỹ  - Việt Nam và trao đổi thông tin liên lạc. Phần thảo luận diễn ra sổi nổi vì mỗi quan tâm đặc biệt của hai bên tới các lĩnh vực được trao đổi. Sau cùng, mỗi nhóm đều có thời gian trình bày trước tất cả các nhóm còn lại các vấn đề mà nhóm mình đã thảo luận, những dự định đã được đặt ra, vấn đề thực tế của thị trường mỗi nước.

 Buổi tọa đàm và giao lưu giữa học viên Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội  và học viên Phân khoa Thương mại - ĐH Houston (Hoa Kỳ)  đã đạt kết quả ngoài mong đợi, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng người tham dự và mở ra cơ hội hợp tác mới giữa hai trường.


Tuấn Anh - Thùy Dương