Trung tâm hỗ trợ Sinh Viên (Css)
 
Cảm nhận về ngày hội việc làm cho sinh viên 2010

Sinh viên đứng trước nhà tuyển dụng
Ngày 28/4/2010 hàng trăm sinh viên đã đến nhà E4, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN để được tìm hiểu thông tin và được phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp.


 Thêm một cánh cửa mở lối vào đời:

Năm nay, quy mô của Ngày hội việc làm có sự tham gia của 7 doanh nghiệp là: Công ty CP Hưng Thịnh, Công ty Liên doanh Nhà máy bia Đông Nam Á, Công ty TNHH Sơn Jotun Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam, Tập đoàn Alphanam, Công ty CP Huy Phong và Công ty CP An Du. Giải thích về quy mô rút gọn so với năm ngoái, thầy Nguyễn Hải Minh, Phó bí thư Đoàn Trường Đại học Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên cho biết:“Mọi năm nhà trường mời rất nhiều nhà tuyển dụng đến nhưng dường như không mấy hiệu quả. Bắt đầu từ năm nay, số doanh nghiệp sẽ chỉ dao động từ 8 - 10 đơn vị, nhưng đó là những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự. Ngày hội việc làm do vậy cũng sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, chất lượng hơn, khoảng 2 - 3 tháng một lần và tập trung vào những tháng cao điểm thay cho 1 năm một lần như thường lệ”.

Dù không giới hạn đối tượng nhưng chương trình chủ yếu tập trung định hướng và tạo điều kiện cho sinh viên năm cuối. Ngoài thông tin trên băng rôn, website của trường và qua báo chí, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên còn cử các điều phối viên gọi điện trược tiếp hay email cho tất cả các sinh viên năm thứ tư. Nhờ vậy, lượng hồ sơ của sinh viên trong và ngoài trường gửi về Ban tổ chức tăng cao so với mọi năm. Thầy Minh chia sẻ: “Sinh viên năm cuối, dù sắp ra trường vẫn còn khá dè dặt, thiếu tự tin khi tiếp cận các vị trí tuyển dụng. Với ngày hội việc làm do Trường ĐHKT tổ chức có sự giúp đỡ của hội cựu sinh viên, Ban tổ chức mong muốn các em sẽ cảm thấy vững vàng và tự tin hơn để nắm bắt cơ hội của mình”.

Hành trang còn thiếu và những cái lắc đầu của nhà tuyển dụng:

Ra khỏi phòng đăng ký, Trang (Sinh viên ngành Kinh tế Đối ngoại - Trường ĐHKT) than thở với bạn: “Ngoài Canon ra mình chả thấy có chỗ nào phù hợp với mình cả”. Khi được hỏi, Trang bộc bạch: “Các doanh nghiệp yêu cầu quá cao đối với sinh viên kể cả vừa ra trường. Vị trí dễ đăng ký nhất và nhiều nhất chỉ là nhân viên kinh doanh. Rất ít thông tin phù hợp với bọn mình”. Đa phần các bạn sinh viên đều hào hứng đến với ngày hội việc làm bởi sự “bổ ích, thiết thực và lí thú” (Hằng - Học viện Tài chính). Ngày hội việc làm là ngày của những cơ hội, vậy nhưng trên thực tế, có rất ít sinh viên dám chạm vào những ”trái ngọt” ấy.

Ngoài những yêu cầu tối thiểu về trình độ chuyên môn, hầu hết các nhà tuyển dụng đều cần và ưu tiên cho những ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc. Đó có thể nói đã là một xu thế tất yếu. Nhưng xu thế này đồng thời cũng làm nản lòng không ít sinh viên. Dẫu vậy, đây không phải là lần lắc đầu duy nhất của các nhà tuyển dụng. Cả buổi sáng trao đổi với các bạn sinh viên bằng những cuộc hội thoại đơn giản nhằm giảm áp lực mà cái không khí của một buổi phỏng vấn tuyển dụng mang lại, đến lúc tổng kết lại, chị Vân và chị Thư (Công ty An Du) vẫn lắc đầu: “10 người chỉ ưng được một người”“Kỹ năng giao tiếp và đặt câu hỏi còn thiếu và yếu. Đa phần các bạn chỉ biết trả lời những gì nhà tuyển dụng hỏi mà không biết chủ động với việc đặt câu hỏi để tạo ra độ tương tác” (chị Thư cho biết). Công ty An Du có rất nhiều vị trí tuyển dụng hầu hết không yêu cầu năm kinh nghiệm vậy nhưng rất ít sinh viên nhận được những cái gật đầu ưng ý. “Các bạn đến tìm việc thường chỉ quan tâm đến tên những vị trí đăng tuyển và những yêu cầu được thông báo mà không tìm hiểu kỹ về nó và cân nhắc xem mình có phù hợp với nó hay không” (chị Vân bổ sung thêm).

Yêu cầu về kinh nghiệm là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tưởng như trong tầm tay. Tuy nhiên, theo chị Thư, trên thực tế, các nhà tuyển dụng vẫn có thể linh hoạt tạo điều kiện hoặc đào tạo lại cho những vị trí không phải quản lý với điều kiện ứng viên phải dành được thiện cảm khi đáp ứng các yêu cầu còn lại như tự tin, có năng lực, có kỹ năng giao tiếp, có chí tiến thủ, đam mê và tâm huyết với công việc… Chị Nhung (công ty Canon) chia sẻ: “Nhiều bạn chỉ đến vì biết những thông tin về ngày hội việc làm, chứ không hề quan tâm nghiên cứu xem doanh nghiệp đó là gì, kinh doanh gì, ở đâu… Kiến thức về nhà tuyển dụng chỉ lơ mơ hoặc hoàn thoàn không biết”.

Kinh nghiệm là điều rất cần thiết nhưng nó không phải là yêu cầu duy nhất, là yếu tố độc tôn trong tuyển dụng. Chưa có kinh nghiệm không có nghĩa là không còn cơ hội. Ai đó đã nói cơ hội là do chính chúng ta tạo ra. Tự tin vào bản thân và tích cực trau dồi các kỹ năng cần thiết khác sẽ là hàng trang giúp sinh viên vững bước vào đời. Như lời chia sẻ của thầy Minh “Tự tin thì bạn sẽ chiến thắng. Đừng dè dặt, đừng đợi chờ. Cơ hội là dành cho tất cả mọi người ”.


Phạm Phương Huyền(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)