Khoa Quản trị kinh doanh
 
Một số giải pháp khuyến khích giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy

Ảnh: MH
Hãy cùng phân tích những thực trạng của công tác giảng dạy đại học hiện nay để từ đó xây dựng các sở cứ khoa học nhằm đưa ra các giải pháp triển khai để giúp giảng viên làm tốt công việc giảng dạy của mình, trong đó có việc đổi mới PPGD.


Những nguyên nhân hạn chế đổi mới phương pháp giảng dạy đại học hiện nay

Chưa có chính sách khuyến khích học tập nâng cao trình độ chuyên môn: Muốn có giảng viên dạy giỏi, trước hết giảng viên đó phải là người có trình độ chuyên môn cao, chỉ khi nắm vững chuyên môn lúc đó giảng viên mới tiếp cận được các phương pháp giảng dạy môt cách khoa học và tự tin đứng trước bục giảng. Nhiều trường đại học của ta vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên, còn hiện tượng “cơm chấm cơm” (đại học dạy đại học). Không ít giảng viên sau khi cố gắng lấy được tấm bằng Tiến sĩ, Phó giáo sư đã tự kết thúc con đường học tập, nghiên cứu của mình. Vì họ còn phải mưu sinh…

Không có chính sách, chế độ khuyến khích giảng viên nâng cao nghiệp vụ sư phạm: Hầu hết các giảng viên đại học có bằng Tiến sĩ, tâm huyết với nghề đều có nguyện vọng phấn đấu đạt được các danh hiệu cao quí như giáo sư, phó giáo sư (GS/PGS), . . . nhưng các tiêu chí trở thành GS/PGS (trong quyết định 174/2008) không hề tính đến chất lượng giảng dạy, không khuyến khích các giảng viên áp dụng đổi mới PPGD, một số tiêu chí   không sát với công việc và đặc thù của nhà giáo. Suy cho cùng chức danh Giáo sư hay Phó giáo sư do Nhà nước phong tặng phải là cái đích cho giảng viên phấn đấu nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bậc đại học. Vì vậy sẽ là sai lầm lớn nếu chỉ đề cao  các giáo sư phải có nhiều bài báo khoa học đăng trên các Tạp chí khoa học quốc tế nhưng khi lên lớp lại “đọc-chép” nhồi nhét kiến thức cho sinh viên.

Những giảng viên đầu tư cho nghiên cứu khoa học giáo dục, đổi mới PPGD không được hưởng quyền lợi nào có giá trị. GS/PGS là chức danh của nhà giáo, nhưng trong các hội đồng xét công nhận chức danh GS/PGS, ngoài hội đồng khoa học giáo dục, còn 26 hội đồng liên ngành khác đều không thừa nhận các kết quả nghiên cứu đổi mới PPGD chuyên ngành của các ứng viên mà chỉ đánh giá các bài báo khoa học thuần túy theo các danh mục đã được qui định trước. Việc làm này thủ tiêu động lực nghiên cứu khoa học giáo dục, nghiên cứu đổi mới PPGD của giảng viên đại học.

Không có tổ chức, cơ quan hỗ trợ giảng viên đại học đổi mới PPGD đại học: Hiện nay, ở các trường ĐH của ta chỉ mới có trung tâm hỗ trợ sinh viên, chưa có trung tâm hỗ trợ giảng viên trong nghiệp vụ sư phạm. Đa số các trường đại học ở Việt Nam đều giao nhiệm vụ nghiên cứu/nâng cao năng lực dạy và học của nhà trường cho khoa sư phạm (nếu có) hoặc đơn vị chuyên trách công tác đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, trong khi các khoa sư phạm tập trung vào giáo dục phổ thông thì các đơn vị đảm bảo chất lượng thường chịu trách nhiệm chủ yếu về hoạt động kiểm định và khảo thí. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy đại học không ai quản lý, thuộc thành phần lơ lửng, vô chủ!

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, công nghệ thông tin trở thành phương tiện dạy học hiệu quả, công nghệ dạy học ngày càng có nhiều ứng dụng mới và lý luận/phương pháp giảng dạy đại học không ngừng phát triển thì việc xây dựng các đơn vị chuyên trách đổi mới phương pháp giảng dạy  là rất cần thiết nhằm hỗ trợ giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả. Tuy nhiên lâu nay chúng ta hay kêu gọi giảng viên đại học đổi mới phương pháp giảng dạy, nhưng thực tế nhiều giảng viên không biết phải đổi mới như thế nào, ai/đơn vị nào trong trường có thể giúp đỡ hay hỗ trợ họ trong việc đổi mới?

Hầu hết các trường đại học đã được nối mạng, phương tiện tin học đã được trang bị đến tận phòng học, nhưng việc ứng dụng ICT trong dạy học vẫn còn chưa thống nhất và còn tuỳ tiện. Nhiều  giảng viên trẻ mạnh dạn áp dụng công cụ tin học trong giảng dạy, nhưng còn nhiều giảng viên vẫn trung thành và thuỷ chung “phấn trắng bảng đen” tạo nên hình ảnh “trăm hoa đua nở” “mỗi nơi một vẻ” chẳng giống ai và không ai quản lý.

Một số giải pháp khuyến khích giảng viên đại học nghiên cứu đổi mới PPGD

Trên cơ sở như đã phân tích, nhằm khắc phục những hạn chế của “công cuộc” đổi mới PPGD ở bậc Đại học, chúng tôi đưa ra một số giải pháp cụ thể mà các trường ĐH ở Việt Nam có thể triển khai  để giúp giảng viên làm tốt công việc giảng dạy của mình, trong đó có việc đổi mới PPGD: 

Thành lập trung tâm hỗ trợ giảng dạy cho giảng viên: Các trường đại học Việt Nam hiện nay cần phải có đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ nghiên cứu dạy và học. Tuy nhiên để không tạo thêm biên chế và hoạt động có hiệu quả,   nhân sự của đơn vị này là các giảng viên thuộc các khoa đào tạo của trường được tập hợp lại, vừa tham gia giảng dạy ở các khoa vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu về dạy và học dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban giám hiệu trường đại học. Việc giảng dạy và nghiên cứu phải luôn gắn kết với nhau không tách rời nhau, người thoát ly công tác giảng dạy thì không thể hoạt động ở nhóm này.

Chức năng: Đơn vị này có chức năng chính sau:

- Thiết kế chương trình, phương pháp giảng dạy và đánh giá, sử dụng công nghệ dạy học, thiết kế và ứng dụng các phần mềm phục vụ đào tạo hỗ trợ nghiệp vụ sư phạm cho tất cả giảng viên của trường. Nghiên cứu cách sử dụng Hồ sơ học tập trực tuyến (ePortfolios) và Ma trận đánh giá (Rubrics) - đây là hai thế mạnh trong nghiên cứu ứng dụng về giảng dạy đại học hiện nay.

- Gắn kết giữa các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ thông tin trong cùng một đơn vị để cùng làm việc theo những mục tiêu chung.

Nhiệm vụ:

- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ dạy học mới và các phần mềm phục vụ dạy học và đánh giá

- Hỗ trợ giảng viên các khoa, bộ môn trong công tác đào tạo: thiết kế chương trình, đánh giá, sử dụng công nghệ và phần mềm dạy học, cung cấp thông tin, tư vấn và tổ chức tập huấn về nghiệp vụ sư phạm. Có riêng một phòng máy tính để hỗ trợ bất cứ giảng viên nào có nhu cầu tìm hiểu về các phần mềm phục vụ dạy học.

- Giúp giảng viên phát triển và sử dụng phương pháp giảng dạy tương tác và các phương pháp học tích cực để họ có thể trình bày tài liệu môn học theo các cách và quan điểm khác nhau.

Khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm:

Các trường  Đại học cần tạo điều kiện để giảng viên nâng cao trình độ và chất lượng giảng dạy. Đặc biệt phải đặt ra các ngưỡng về bằng cấp để các giảng viên phấn đấu. Ví dụ muốn ở lại giảng dạy đại học lâu dài, giảng viên sau 10 năm giảng dạy phải có bằng Tiến sĩ, sau 20 năm phải đạt chức danh Phó giáo sư. Chú trọng đến việc tôn vinh những giảng viên mô phạm, xuất sắc nhằm khích lệ sự phấn đấu của giảng viên. Hàng năm, căn cứ vào “phiếu điều tra sinh viên” và kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên, nhà trường chọn ra những giảng viên xuất sắc, lập giải thưởng dành cho họ. Những giảng viên này được vinh dự giới thiệu trước toàn trường trong những dịp lễ quan trọng, được mời nói chuyện nhằm truyền đạt kinh nghiệm cho đồng nghiệp vv... Nhà trường phối hợp với trung tâm hỗ trợ giảng viên “sử dụng” ngay các giảng viên xuất sắc của trường tổ chức những lớp học, những lớp tập huấn miễn phí về chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên. Những chứng chỉ được cấp từ những lớp tập huấn này cũng là một trong những điều kiện để xét học hàm Giáo sư hoặc Phó giáo sư cho giảng viên sau này.   

Tiêu chí để trở thành GS/PGS phải là những giảng viên có nghiệp vụ sư phạm:

Để trả lại đúng nghĩa giáo sư cho các nhà giáo thực sự, rất mong Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục - đào tạo sớm có biện pháp và soạn thảo luật lệ cho phù hợp. Nên chăng từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, GS, PGS. Tiêu chuẩn bầu GS, PGS, cần chú trọng đến chất lượng giảng dạy, thể hiện qua bình giảng, thi giảng, viết sách giáo khoa và đặc biệt GS/PGS phải là giảng viên có tư tưởng  đổi mới PPGD và có nghiệp vụ sư phạm.

Việc nghiên cứu đổi mới PPGD đại học theo kịp phát triển thời đại đang làđiểm nóng trong ngành giáo dục hiện nay, thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý giáo dục. Trên cơ sở phân tích mọi mặt trong môi trường Đại học, bài viết đã kiến nghị phải thành lập các đơn vị chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu về dạy và học trong mỗi trường đại học. Tuy nhiên đó  mới chỉ là điều kiện cần, để việc đổi mới phương pháp giảng dạy thật sự mang lại kết quả mong muốn, các trường cần có thêm những chính sách, chế độ và sự đầu tư phù hợp để tạo điều kiện và động lực đổi mới cho giảng viên.


PGS.TS Ngô Tứ Thành (GD&TĐ)