Khoa Quản trị kinh doanh
 
Xây dựng chương trình đào tạo cần có sự tham gia của doanh nghiệp

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN.
Đó là ý kiến của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (ĐHKT) trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo ngày 27/5/2008.


Mở đầu cuộc họp, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Một trường đại học có nổi tiếng, đựợc xếp hạng cao hay không phụ thuộc quan trọng vào chất lượng đào tạo, muốn chất lượng đào tạo tốt, trước hết phải có chương trình đào tạo tốt, đảm bảo được yêu cầu tiên tiến, hiện đại và thực tế, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động. Xem nội dung chương trình đào tạo, người học có thể đoán nhận được chất lượng đào tạo sẽ như thế nào? Do đó nếu chương trình đào tạo lạc hậu, thiếu thực tế thì không thể nói sẽ có chất lượng được và như vậy không ai muốn học”. Việc tiếp tục rà soát, cải tiến chương trình đào tạo của Nhà trường theo hướng hiện đại, tiên tiến, liên thông, hội nhập và gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động ở tất cả các hệ: ngắn hạn, đại học, cao học, nghiên cứu sinh… là cần thiết và cấp bách .
Hiệu trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Cải tiến chương trình không phải là cơi nới, chắp vá (như cách làm truyền thống) mà cần làm một cách bài bản, hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế để các trường, đối tác thừa nhận tín chỉ của chúng ta và hấp dẫn được người học. Cần phải có cách tiếp cận mới trong xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng phân tích yêu cầu khoa học, thực tiễn của nội dung chương trình và có tính dự báo, chứ không phải nhìn từ những gì đang có, cải tiến theo khả năng của giáo viên,…. Việc chuyển đổi chương trình là cần thiết nhưng không làm ồ ạt bởi chuyển đổi chương trình không có lộ trình phù hợp có thể sẽ dẫn tới sự xáo trộn đội ngũ giảng viên và ít khả thi”.
Hiện nay, Trường ĐHKT đang hướng tới đào tạo gắn chặt với thực tiễn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, theo hướng hội nhập, phấn đấu đạt đẳng cấp quốc tế do đó trong quá trình xây dựng, cải tiến, đổi mới chương trình những ý kiến tư vấn, đóng góp của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các giáo sư nước ngoài là hết sức quý báu và có giá trị. Thông qua mối quan hệ hợp tác với các đối tác sẵn có, Ban đổi mới các chương trình cần lấy ý kiến đóng góp thật cụ thể của các doanh nhân, nhà quản lý, chuyên gia nước ngoài, trong đó chú ý đến các chuyên gia Việt Kiều có nhiều kinh nghiệm hiện đại trong đào tạo kinh tế và Quản trị Kinh doanh.
Bên cạnh đó, để làm tốt công tác đổi mới nội dung các chương trình, nhóm giúp việc cho Ban đổi mới phải làm việc hết sức nghiêm túc và được Nhà trường tạo điều kiện thỏa đáng về thời gian, tài chính... Ban đổi mới làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Thanh.
Tất cả các thành viên trong Ban đổi mới và nhóm giúp việc, đều nhất trí với quan điểm chỉ đạo của Hiệu trưởng Phùng Xuân Nhạ. Các ý kiến đóng góp, bổ sung của các thành viên Ban đổi mới và nhóm giúp việc đều được Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng lắng nghe và có phương hướng giải quyết kịp thời để công tác đổi mới khung chương trình thực hiện đúng kế hoạch.


Nguyễn Tuấn Hùng