Khoa Quản trị kinh doanh
 
Thủ tướng tham vấn các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế

Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm và tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển KT-XH đất nước trong buổi tham vấn chính sách kinh tế vĩ mô diễn ra sáng 25/3.


Tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành đã có buổi làm việc với hơn 30 nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế trong nước để tham vấn chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách về lĩnh vực tài chính, tiền tệ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Mục tiêu điều hành đúng đắn nhưng vẫn rất cần nỗ lực lớn

Tại buổi làm việc, các nhà khoa học, các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội trong quý I/2012, năm 2011 và các năm trước là rất đáng trân trọng, đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, công tác an sinh xã hội vẫn luôn được đảm bảo.

Theo các nhà khoa học, các chuyên gia, mục tiêu tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội được Chính phủ đề ra trong năm 2012 là hết sức đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên để giữ lạm phát ở mức 1 con số và duy trì tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2012 cần một sự nỗ lực rất lớn.

Các chuyên gia tham góp ý kiến với Chính phủ

Theo các chuyên gia, các nhà khoa học, điểm mấu chốt để duy trì được mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2012 trước hết cần tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nhất là sản xuất công nghiệp, thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng hóa tồn kho.

Nhấn mạnh, tổng kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2012 tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, ước quý I/2012 đạt khoảng 24,5 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, đặc biệt một số nền kinh tế lớn là thị trường xuất khẩu truyền thống của ta như Mỹ, EU bị suy giảm, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá, GS-TSKH Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài), cho rằng, cần tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục dành ưu tiên vốn tín dụng cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghiệp chế biến.

Cùng quan điểm nêu trên về việc cần tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiếp thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất cần đặc biệt quan tâm tới công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đầu tư công nhằm đảm bảo hiệu quả của đầu tư công, chống thất thoát; hạn chế tình trạng phát triển các khu công nghiệp, các trường đại học một cách tràn lan; chú ý tới thị trường bất động sản trong thực hiện chính sách tiền tệ; tập trung xây dựng một nền công nghiệp gia công sản xuất sang nền công nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản  phẩm hàng hóa.

Cho rằng thời gian qua, ý kiến xã hội liên quan đến các chính sách về thuế, phí còn đa chiều, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sĩ Kiêm nêu vấn đề việc xây dựng chính sách về thuế, phí phải được được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo được tính hợp lý trong bối cảnh khó khăn, các chính sách về thuế, phí trước hết phải tập trung theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho nền kinh tế.
Cũng liên quan đến vấn đề về thuế, phí, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy đề xuất Chính phủ tiếp tục có những biện pháp giảm gánh nặng về thuế cho doanh nghiệp, xem xét kỹ khi đưa ra các khoản phí để doanh nghiệp yên tâm hơn trong đầu tư và dám vay vốn để đầu tư. Các khoản phí đề ra phải cân nhắc đến tính hiệu quả của tổng thể nền kinh tế.

Ông Lê Đức Thúy cũng đề xuất việc tiếp tục giải quyết một cách căn cơ về vấn đề thanh khoản của ngân hàng cũng như thực hiện chủ trương tiếp tục hạ lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động và cho vay trên thực tế của các ngân hàng thương mại, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vượt trần lãi suất.

Bên cạnh đề xuất đẩy mạnh tái cơ cấu nều kinh tế, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, TS Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), TS Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển) đề xuất việc cần tìm mọi cách để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp, coi trọng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; cố gắng xử lý nhanh hơn nữa các vấn đề liên quan đến tái cấu trúc kinh tế; đẩy mạnh cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế; thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngoài ra, các nhà khoa học, các chuyên gia cho rằng vấn đề về việc làm, thu nhập, phát triển công nghiệp, thu mua lương thực cho nông dân, tình hình an ninh trật tự xã hội… cũng là những vấn đề lớn, không thể xem thường.

Thủ tướng Chính phủ trao đổi với các chuyên gia. Trong ảnh: Các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thứ nhất từ trái sang), PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT (thứ ba từ trái sang)

Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ  tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm và tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội; cho rằng, những đề xuất, giải pháp của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế là hết sức thiết thực, Chính phủ sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu và thiết thực này cho công tác chỉ đạo, điều của mình.

Với tinh thần bám mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2012 và các năm tiếp theo; tiếp tục đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập.

Tại buổi làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã trao đổi với các nhà khoa học, các chuyên gia về các vấn đề liên quan đến thanh khoản, lãi suất, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nợ xấu của ngân hàng, thị trường chứng khoán, các chính sách tài chính, tiền tệ, giá cả thị trường.

Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, kể từ nửa cuối năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có xu hướng giảm dần và tăng thấp.

CPI 3 tháng đầu năm đều có mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. So với tháng trước, CPI tháng 3/2012 chỉ tăng 0,16% là mức tăng thấp nhất trong vòng gần 2 năm qua.

Tổng kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2012 tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, ước quý I/2012 đạt khoảng 24,5 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu tiếp tục được kiềm chế, tính chung quý I/2012 khoảng 300 triệu USD, bằng khoảng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm gần đây.

Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2012 ước đạt 4%.

 

Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc (Chinhphu.vn)