Khoa Quản trị kinh doanh
 
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: Triết lý giáo dục gắn với Sứ mệnh - Đào tạo công dân toàn cầu, kiến tạo, tư duy tự lập, giữ vững bản sắc, hội tụ “Tâm Đức - Trí - Tài” phụng sự Tổ quốc

“UEB is number 1 inside number 1” là lời dành tặng của Ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Anh Quốc tại Việt Nam cho Trường Đại học Kinh tế, đồng thời nhấn mạnh vị thế của ngôi trường được xếp hạng số 1 về tổng thể các mặt hoạt động 2 năm liên tiếp (2020, 2021) của Đại học Quốc Gia Hà Nội – Đại học số 1 Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng trong đổi mới sáng tạo, tiên phong trong hội nhập và quốc tế hóa giáo dục, UEB đang ngày càng khẳng định thương hiệu của mình với sứ mệnh đào tạo các thế hệ công dân toàn cầu hội tụ “Tâm – Đức – Trí – Tài” phụng sự Tổ quốc.


Một trong những bệ phóng để góp sức thực hiện sứ mệnh đó chính là triết lý giáo dục xuyên suốt mà Nhà trường luôn coi là “kim chỉ nam”: “Giáo dục chuẩn quốc tế, kiến tạo, tư duy tự lập, hài hòa, giữ vững bản sắc, trở thành chuyên gia, lãnh đạo”.
“Đẳng cấp tạo nên sự khác biệt” – Điều đó được Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thể hiện trong việc cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phát triển chất lượng, hiệu quả và bền vững; Tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng trong các lĩnh vực nêu trên. Đồng thời trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu ứng dụng được xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực Châu Á và cùng ĐHQGHN vươn tầm ra thế giới.
UEB – Nơi ươm mầm những tài năng Việt tỏa sáng...
Nhìn lại chặng hành trình phát triển của Nhà trường từ Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1974), sau đó trở thành Khoa Kinh tế trực thuộc Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQGHN (9/1995) tiếp đến là Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN (1999), đến nay là Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (6/3/2007) - một chặng đường gần 50 năm lịch sử vẻ vang của bao thế hệ thầy và trò không ngừng phấn đấu, tiếp nối thành công để chắp cánh cho nhiều ước mơ, mang đến nguồn nhân sự chất lượng cho xã hội, góp phần đắc lực vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Có thể thấy, với sự bứt phá mạnh mẽ về mọi mặt từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu, hợp tác đến các chương trình liên kết, hợp tác quốc tế hiện nay, UEB đang dần khẳng định hình ảnh một trường đại học chuyên nghiệp - năng động – sáng tạo và đột phá.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
 PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
 PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
 TS. Phạm Minh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
Không chỉ vậy, triết lý còn thể hiện rõ định hướng phát triển quốc tế hóa giáo dục của Nhà trường, tận dụng tối đa hiệu quả kết nối tổng lực để hội nhập, đạt chất lượng đào tạo, nghiên cứu quốc tế, là môi trường thực sự lý tưởng, đầy đủ điều kiện kiến tạo tương lai cho các thế hệ sinh viên, học viên, làm bệ phóng vững chắc trên hành trình trở thành công dân toàn cầu, giữ vững bản sắc dân tộc, có “Tâm - Đức - Trí - Tài”, có sự nghiệp vững chắc, góp sức phụng sự tổ quốc.
Chia sẻ sâu sắc hơn về bốn chữ Tâm – Đức – Trí – Tài, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Nhà trường cho rằng: Tâm chính là sự rộng lượng, biết yêu thương san sẻ, có lý tưởng, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công việc. Đức là phẩm chất tốt đẹp do con người tu dưỡng, rèn luyện theo những tiêu chuẩn được xã hội thừa nhận. Trí là Trí tuệ, năng lực với khối óc thông minh, tư duy nhạy bén, còn Tài thể hiện ở năng lực xuất sắc, khả năng làm việc sáng tạo của mỗi con người trong công việc của mình đảm nhiệm, đem lại lợi ích cao cho tập thể, cho xã hội. 
Bốn chữ này nằm trong ý nghĩa Triết lý giáo dục của UEB chính là sự mong mỏi, kỳ vọng vào các em sinh viên sau quá trình đào tạo, giáo dục và định hướng của nhà trường, gia đình, xã hội, các em sẽ không ngừng học tập, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức để trở thành những công dân toàn cầu có khả năng kiến tạo, tư duy tự lập, đồng thời phát triển hài hòa, nhạy bén nhưng vẫn giữ vững bản sắc dân tộc. Khi tích lũy và đạt được các mục tiêu trên, các em sẽ trở thành những chuyên gia, lãnh đạo đủ tầm và đóng góp xây dựng Tổ quốc.
 Bức thư tay xúc động của Thầy Hiệu trưởng - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê chào đón các em tân sinh viên K66 của Nhà trường
Thực tế cho thấy, các thế hệ sinh viên, học viên trưởng thành từ mái trường này, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, trong số đó có nhiều người đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, những nhà khoa học uy tín, những doanh nhân thành công. Điều đó minh chứng cho việc Nhà trường đã khẳng định được thương hiệu trong quá trình phát triển hội nhập quốc tế, đảm bảo chất lượng hiệu quả trong đào tạo, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học chuyên sâu và ứng dụng vào thực tiễn, gắn với các hoạt động tư vấn cho Đảng, Chính phủ, cho địa phương và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi nền giáo dục đại học cần có cách tiếp cận mới, Trường Đại học Kinh tế luôn gắn bó chặt chẽ với sứ mệnh và nhiệm vụ của Đại học Quốc gia Hà Nội, đã chọn cho mình một con đường với chiến lược và sứ mệnh thiêng liêng, gắn với 5 giá trị cốt lõi: Chất lượng hiệu quả; Khuyến khích sáng tạo; Kết nối thành công; Đảm bảo hài hòa; Tôn trọng sự khác biệt. Đây là những nền tảng vững chắc để các thế hệ giảng viên, cán bộ tài năng, tâm huyết và trách nhiệm, tiếp tục vun đắp tạo nên những thành công mới, nâng cao các chỉ số xếp hạng, tăng trưởng chất lượng đào tạo và nghiên cứu, tạo dựng một cơ sở học thuật tiện ích, kết nối tối ưu hiệu quả các nguồn lực và giải pháp công nghệ để chuyên nghiệp hóa công tác quản trị đại học, hướng tới một môi trường, một cộng đồng, một hệ sinh thái tốt đẹp, đặt người học và giảng viên, cán bộ vào trung tâm, mang lại cho họ những điều tuyệt vời nhất.
Chiến lược quốc tế hóa giáo dục có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là chiến lược trọng yếu trong quá trình phát triển mới của Nhà trường. Chiến lược này nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, mở rộng trải nghiệm học tập ở nhiều môi trường trong và ngoài nước cho sinh viên, học viên hướng tới hội nhập quốc tế, chương trình đào tạo tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, được cập nhật liên tục, phù hợp với xu thế hiện nay trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh.
“Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN hiện nay là một điểm đến thú vị của các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế tới Việt Nam. Rất nhiều trường Đại học hàng đầu trong khu vực và trên thế giới đã lựa chọn Đại học Kinh tế là đối tác tin cậy để cùng nhau xây dựng, phát triển môi trường học tập, giao lưu trao đổi học thuật và mang đến những cơ hội học tập dành cho sinh viên, giảng viên. Đây chính là lợi thế cho các sinh viên của Trường được tiếp cận với một môi trường quốc tế đa văn hóa ngay tại Việt Nam” – PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Nhà trường nhận định.
Bên cạnh đó, chiến lược quốc tế hóa giáo dục cùng với định hướng nghiên cứu ứng dụng, giúp sinh viên, học viên của Trường Đại học Kinh tế được trang bị đầy đủ kiến thức song song với chủ động tích lũy kỹ năng thực tế, có năng lực thích nghi trong nhiều môi trường làm việc, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động toàn cầu đang phát triển nhanh chóng như hiện nay.
Hiện nay, Trường có 23 đơn vị, trong đó có 5 khoa, 1 viện đào tạo, 1 viện nghiên cứu, 6 trung tâm và 10 phòng ban, bộ phận chức năng, luôn có sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau để cùng tạo thành một tập thể đoàn kết, vững mạnh.
Hệ thống các môn học thuộc Khoa, Viện đào tạo được thiết kế khoa học, khả năng vận dụng thực tế cao và luôn được cập nhật, đổi mới theo xu hướng, nhu cầu thực tiễn, đặc biệt gắn tri thức học thuật với các hoạt động thực tế để sinh viên, học viên có cách tiếp thu tốt nhất, phát triển tư duy toàn diện. Nhà trường cũng chú trọng từng bước cải thiện các giải pháp, sáng kiến để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng “cá thể hóa”, tạo điều kiện cho sinh viên được lựa chọn các môn học mà bản thân yêu thích, phù hợp với nhu cầu việc làm của xã hội, có khả năng thích ứng cao với định hướng nghề nghiệp đã chọn.
Tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, nhiều chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) ban hành. Song song với đó, Nhà trường đang trong quá trình rà soát các tiêu chí để chuẩn bị tiến hành kiểm định chất lượng chuẩn ACBSP (Accreditation Council for Business Schools and Programs - Tổ chức kiểm định chương trình kinh doanh trên toàn cầu lớn nhất, được công nhận bởi CHEA, Hoa Kỳ) theo định hướng chiến lược quốc tế hóa giáo dục và hội nhập kinh tế quốc tế. Các chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn ACBSP sẽ giúp Nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học và thực hiện các cam kết với xã hội trong việc không ngừng nâng cao chất lượng của người học, đáp ứng các điều kiện biến đổi của xã hội, giúp sinh viên mở rộng cơ hội việc làm toàn cầu với năng lực vững vàng.
 
Một trong những minh chứng cho độ “hot” của Trường trong nhiều năm gần đây, khi luôn nhận được sự quan tâm, tìm hiểu và đặc biệt, luôn nằm trong top các trường đại học có điểm đầu vào cao nhất thuộc khối ngành kinh tế. Năm 2020, điểm trúng tuyển đầu vào của trường tăng lên trung bình 8,5 điểm/môn (so với mức trung bình 8,3 điểm/môn của năm 2019), năm 2021 tăng cao lên mức là 9,14 điểm/môn.
Hiện nay, UEB đã và đang thu hút, hội tụ nhân tài tạo nên sức mạnh nội lực to lớn, tự tin có thể khẳng định chất lượng giảng dạy top đầu tại Việt Nam - đó là đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm phong phú, được đào tạo bài bản tại các trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế ở nhiều quốc gia nổi tiếng trên thế giới. Thầy cô luôn nỗ lực cống hiến hết mình và phát huy các giá trị tinh thần, nhân cách cao đẹp, đầy trí tuệ và trách nhiệm, tạo ra sự khác biệt, cùng nhau nỗ lực phấn đấu, đột phá, tiên phong hoàn thành các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó mà Nhà trường đặt ra trong từng giai đoạn. Tính đến tháng 6/2021, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm khoảng 70%; trên 70% giảng viên có trình độ tiến sĩ đã từng học tập tại nước ngoài; Các giảng viên là tiến sĩ, thạc sĩ mới tuyển dụng trong những năm gần đây đều tốt nghiệp tại các đại học nước ngoài, trong đó rất nhiều trường có vị trí hàng đầu tại các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Pháp, Úc… Nhiều giảng viên trẻ có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín hàng đầu thế giới.
Để góp phần “kiến tạo tư duy tự lập” trên con đường trở thành công dân toàn cầu, Nhà trường đã trở thành cầu nối để sinh viên trải nghiệm cuộc sống, môi trường học tập, kết nối bạn bè tại các trường đại học trong nước thông qua chương trình trao đổi sinh viên, hay mở rộng kiến thức, tích lũy thêm kinh nghiệm sống phong phú, đa văn hóa, đa sắc tộc thông qua các “chuyến du hành ngắn hạn” trao đổi tín chỉ giữa Trường Đại học Kinh tế với 33 trường đại học uy tín tại 15 nước trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển,...) và gần 10 trường đại học lớn của Việt Nam. Tại UEB, các em sinh viên được thỏa sức đam mê, sáng tạo và chứng tỏ khả năng của mình giành lấy những học bổng tài năng, chinh phục các cơ hội việc làm, xây dựng nền tảng tri thức và kỹ năng sống, chuẩn bị tốt hành trang để tự tin bước vào đời lập nghiệp. 
 Trường ĐHKT là đơn vị có SV quốc tế trao đổi nhiều nhất trong ĐHQGHN, là đơn vị tiên phong thực hiện trao đổi SV trong nước với các Trường ĐH hàng đầu ở Việt Nam
Sức hút của “Số 1” và chặng hành trình vươn tầm quốc tế
Theo công bố của tổ chức giáo dục QS World University Rankings, lần đầu tiên tại Việt Nam, lĩnh vực Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý (Business & Management Studies) của Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng top 501 – 550 của thế giới, cũng là đơn vị đầu tiên, duy nhất tại Việt Nam được xếp hạng lĩnh vực này. Nhà trường vô cùng trân trọng và tự hào khi được ĐHQGHN ghi nhận là đơn vị chủ lực, tiên phong, dẫn đầu, đóng góp chính vào kết quả xếp hạng đó. Đây là thành quả minh chứng cho những nỗ lực, say mê và cống hiến của tất cả cán bộ, giảng viên của Nhà trường trong suốt chặng đường vừa qua.
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đang ngày càng khẳng định thương hiệu quốc gia, vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Sự ghi nhận những thành quả với danh hiệu số 1 trong Đại học Quốc gia Hà Nội trong hai năm liên tiếp (năm học 2019 - 2020 và năm học 2020 - 2021) không chỉ khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp của Nhà trường, mà còn thể hiện dấu ấn quan trọng của Trường Đại học Kinh tế trên bản đồ giáo dục, chuyển giao tri thức của Việt Nam và thế giới. Từ thương hiệu và vị thế đó, “số 1 của số 1 VNU” - UEB là điểm đến vô cùng hấp dẫn của sinh viên và học viên quốc tế khi mỗi năm đón hàng trăm lượt sinh viên, học viên đến từ Srilanka, trường ĐH George Mason - Mỹ, trường ĐH Sydney – Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đến trao đổi và học tập.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển, định hướng nghề nghiệp và tạo điều kiện để các Vận động viên thể thao đạt thành tích cao có thể hòa nhập, tìm kiếm những cơ hội việc làm phù hợp sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc gia, thể hiện trách nhiệm xã hội của đơn vị giáo dục đại học số 1 Việt Nam, từ năm học 2020 - 2021, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã triển khai đào tạo chương trình Cử nhân Quản trị kinh doanh dành cho các Tài năng thể thao. Đây là một chương trình đào tạo mang tính đột phá và tiên phong dành riêng cho các vận động viên chuyên nghiệp. Các em sẽ được trang bị nền tảng kiến thức, kỹ năng thực tiễn trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và kinh doanh thể thao, mở rộng cơ hội phát triển sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu.
Những thành tựu của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong suốt chặng đường phát triển có phần đóng góp không nhỏ từ sự liên kết, hợp tác, đồng hành của các trường đại học, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhà trường có nhiều phương thức, hình thức và những mô hình đa dạng hợp tác, liên kết với các đối tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, trong đào tạo doanh nhân và hỗ trợ doanh nghiệp và nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng khác, góp phần thực hiện khát vọng vươn tầm quốc tế.
Trường đã hợp tác với nhiều trường đại học uy tín ở nước ngoài để xây dựng và triển khai các chương trình liên kết đào tạo, do trường đại học nước ngoài cấp bằng như: Chương trình Cử nhân Quản trị Kinh doanh liên kết với Đại học Troy (Hoa Kỳ), Chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị Kinh doanh (BBA) và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) liên kết với Đại học St.Francis (Hoa Kỳ),...Các chương trình liên kết không những đem lại cơ hội cho người học khi ngay tại Việt Nam vẫn có thể nhận bằng đại học “chuẩn Mỹ”, mà còn góp phần mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với các trường đại học nước ngoài... 
Một trong những mũi nhọn xuyên suốt trong mục tiêu hoạt động của Nhà trường đó là nâng cao tỉ lệ các bài báo công bố quốc tế trên các danh mục ISI/SCOPUS, góp phần nâng cao uy tín học thuật của UEB trong cộng đồng nghiên cứu khoa học trong nước, khu vực và xa hơn tiến tới khẳng định thương hiệu và uy tín trên trường quốc tế.... Để thực hiện được những kế hoạch đó, nhà trường luôn đẩy mạnh các hoạt động mở ra các khóa đào tạo, training, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiên cứu, viết báo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, tạo điều kiện cho các thầy cô được học hỏi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với những chuyên gia, nhà khoa học tên tuổi trong nước và quốc tế.
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng là đơn vị được đánh giá cao về năng lực tổ chức các hội nghị, hội thảo lớn trong nước và quốc tế, khi đã nhiều lần tổ chức thành công các chương trình như: Hội nghị Kinh tế trẻ Châu Á 2019 – phối hợp với YSI thuộc Viện Nghiên cứu Tư duy Kinh tế mới (INET, Mỹ), đây là Hội nghị Kinh tế trẻ đầu tiên tại Châu Á thu hút hơn 400 học giả trong nước và quốc tế đến tham dự; Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Kinh tế, Phát triển và Bền vững (2019) – phối hợp với NXB Springer (Hoa Kỳ), hội thảo là minh chứng góp phần khẳng định UEB là trung tâm nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, điểm đến uy tín của tri thức thế giới. Liên tục trong 12 năm, từ 2009, UEB tổ chức thành công Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam, những báo cáo này của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã trở thành tài liệu quan trọng, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước...
UEB – Bệ phóng vững chắc cho sự nghiệp thành công
Nhà trường luôn đồng hành và nỗ lực mang đến những cơ hội tốt nhất dành cho sinh viên và học viên, để giúp các bạn làm nên sự khác biệt, có đầy đủ kiến thức, trở thành những người biết độc lập nghiên cứu chuyên sâu và có phương pháp học tập toàn diện, biết đam mê tri thức, say mê sáng tạo, có ý chí, kỷ luật, nghị lực và lòng quyết tâm, biết đồng cảm, sẻ chia những khó khăn, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và học tập, biết yêu thương nhau và biết mang lại niềm vui cho người khác. 
UEB tiếp tục lan tỏa sức mạnh tập thể của sinh viên, cựu sinh viên, học viên với tinh thần nhiệt huyết, đam mê hoài bão và sống có lý tưởng. Các thầy cô sẽ là những người truyền cảm hứng giúp các thế hệ học trò thấy rõ được giá trị lao động và trân trọng những thành tựu khoa học, “để khát khao mong muốn trở thành những người có thực lực, thực tài, biết yêu và biết hy sinh vì Tổ quốc, đủ khả năng bảo toàn và xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng trong quá trình hội nhập quốc tế.” – PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Nhà trường kỳ vọng. 
Khi học tập tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, sinh viên không chỉ được học kiến thức chuyên môn, được thử sức với vai trò “nhà khoa học trẻ” trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, mà còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa sôi nổi và cuộc thi trí tuệ. Khi đến với “Kinh tế”, các sinh viên cũng được thoải mái lựa chọn các Câu lạc bộ phù hợp cho riêng mình, để “sống và đam mê” với sở thích của cá nhân, kết nối và gắn bó với bạn bè cùng trang lứa. 
Lời nhắn nhủ của Thầy Hiệu trưởng - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê tại Lễ trao bằng Tốt nghiệp năm 2020
Một trong những hệ giá trị tốt đẹp của UEB luôn được giữ gìn và phát huy bên cạnh truyền thống học tập, nghiên cứu sâu rộng, đó là “văn hóa gia đình” - sự yêu thương tận tâm, tận tình của thầy cô giáo, sự tích cực, chủ động và gắn kết của các thế hệ sinh viên – tất cả cùng hòa hợp, tạo nên một tập thể thống nhất đoàn kết, vững mạnh, đồng lòng hướng tới chinh phục đỉnh cao. 
UEB luôn quan tâm phát triển liên tục các hoạt động, công tác hỗ trợ sinh viên để giúp các em giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình học tập.... Đặc biệt, Ban giám hiệu Nhà trường đã thành lập Tổ công tác 24/7 để luôn sẵn sàng đảm bảo thông suốt việc dạy và học, cung cấp thông tin, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc cho sinh viên..
Ngoài hệ thống học bổng khuyến khích học tập, UEB còn có rất nhiều các học bổng ngoài ngân sách hấp dẫn, giá trị cao, có học bổng lên tới 100 triệu đồng như Học bổng IMG,...Các chương trình học bổng này đều được ĐHQGHN và Trường Đại học Kinh tế kết nối với các đơn vị, tổ chức để giúp đỡ các em sinh viên hiếu học, có thành tích học tập cao và rèn luyện xuất sắc, khích lệ động viên các em cố gắng nỗ lực hơn nữa để trở thành những sinh viên thành đạt trong tương lai... 
Bên cạnh đó, Nhà Trường cũng ký kết với các đối tác để tạo nên quỹ vay vốn đồng hành, hỗ trợ sinh viên trang trải học phí với lãi suất thấp nhất Việt Nam như Quỹ hỗ trợ từ ngân hàng BIDV (tổng trị giá 50 tỷ đồng) để các em có cơ hội học tập trong môi trường mơ ước, tham gia các hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế bổ ích, thiết thực,... Với sinh viên xuất sắc, hoạt động Đoàn thể tích cực, các em còn có cơ hội được nhận học bổng để trả khoản lãi vay này, tổng giá trị học bổng 80 triệu/năm. Đây cũng là một trong những sản phẩm hỗ trợ tài chính đột phá của nhà trường năm 2021.
Không chỉ chú trọng xây dựng mô hình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế, các hoạt động thực tế, ngoại khóa sôi nổi đem lại những cơ hội “vàng” cho sinh viên, học viên, Nhà trường cũng rất chú trọng đến cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng. Với lợi thế “One VNU”, Trường Đại học Kinh tế sử dụng cơ sở vật chất của Đại học Quốc Gia Hà Nội như Thư viện Lic, Hội trường, Giảng đường, Khu thể chất, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh, Ký túc... Nhà trường đã và đang đầu tư hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đồng bộ và tinh gọn, đáp ứng được yêu cầu phát triển, xây dựng giảng đường, văn phòng đảm bảo cho học tập, làm việc theo chuẩn quốc tế. Đặc biệt, xây dựng một môi trường “đại học xanh” thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững cũng được Ban giám hiệu Trường Đại học Kinh tế quan tâm. 
Trường Đại học Kinh tế tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi hoạt động, hướng đến đổi mới các hoạt động quản trị, đào tạo, nghiên cứu theo hướng lấy cán bộ, giảng viên và người học làm trung tâm dựa trên việc xử lý dữ liệu lớn về nhu cầu xã hội. Chuyển đổi số thành công chính là sự đột phá, hướng tới mô hình quản trị đồng bộ, thống nhất, tiếp cận đại học thông minh song song với thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị của người học, quản trị chất lượng, quản trị rủi ro. Nhà trường cũng đặt ra mục tiêu thiết lập được hệ sinh thái đổi mới và chuyển đổi số trên cơ sở cung cấp các dịch vụ, chứng chỉ nền tảng, chú trọng giảng dạy online (e-learning), giảng dạy tích hợp (blend learning), xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu và trục tích hợp các hệ thống phần mềm... Để triển khai thực hiện, trường linh hoạt kết hợp hài hòa trong đầu tư giữa nguồn lực hiện có và xã hội hóa. 
 Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, thân thiện với môi trường
Với sứ mệnh, tầm nhìn cùng chiến lược phát triển gắn liền triết lý giáo dục, Ban giám hiệu cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN quyết tâm xây dựng một Trường đại học đổi mới, sáng tạo, cách làm đột phá, tiên phong, chinh phục thử thách, vượt qua khó khăn, hoàn thành mọi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nỗ lực bứt phá, gặt hái những thành quả rực rỡ trong sự nghiệp giáo dục vinh quang, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước - vì một Việt Nam đổi mới, phồn vinh, hùng cường.
>>> Tin bài liên quan: 
 

Ngọc Thúy - UEB Media