Khoa Quản trị kinh doanh
 
Văn bản pháp luật mới liên quan đến kinh tế

Những văn bản pháp luật mới nhất liên quan tới kinh tế được cập nhật.


Ưu đãi đầu tư và thuế đối với đơn vị hành chính mới thành lập:
Ngày 19/5/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2010/NĐ-CP quy định về địa bàn ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đơn vị hành chính mới thành lập do Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính.
Theo Nghị định này, trường hợp đơn vị hành chính mới thành lập đã được Chính phủ quy định cụ thể là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn thì được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành đối với các loại địa bàn này. Trường hợp đơn vị hành chính mới thành lập do sắp xếp, điều chỉnh địa giới của các đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nhưng chưa có quy định về ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì được áp dụng ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo đa số (trên 50%) của số đơn vị hành chính cấp xã đang hưởng; trường hợp số đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bằng nhau thì đơn vị hành chính mới thành lập được hưởng ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trường hợp điều chỉnh địa giới hành chính dẫn đến điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao hơn (địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) sang địa bàn có mức ưu đãi thấp hơn (địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn) hoặc ngược lại thì các đơn vị cấp xã bị điều chỉnh được hưởng ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với địa bàn nơi tiếp nhận đơn vị hành chính đó.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2010.

Nghị định về nhập khẩu tàu cá
Ngày 17/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2010/NĐ-CP về nhập khẩu tàu cá. Theo đó, điều kiện chung đối với tàu cá nhập khẩu là: có nguồn gốc hợp pháp; có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên; có trang bị công cụ khai thác, thiết bị bảo quản thủy sản tiên tiến. Một trong các điều kiện nhập khẩu tàu cá đã qua sử dụng là tàu không quá 5 tuổi đối với tàu cá đóng bằng vật liệu vỏ gỗ và không quá 8 tuổi đối với tàu cá đóng bằng vật liệu vỏ thép; máy chính của tàu không nhiều hơn 2 năm so với tuổi của tàu (tính từ năm sản xuất đến thời điểm nhập khẩu).
Theo Nghị định này, khi người nhập khẩu tàu cá có đơn đề nghị nhập khẩu, sau 7 ngày làm việc, căn cứ vào quy hoạch phát triển của ngành thủy sản và của địa phương, cơ quan có thẩm quyền xem xét và có văn bản cho phép nhập khẩu tàu cá. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc không cho phép nhập khẩu, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho người xin nhập khẩu để bổ sung hồ sơ hoặc trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do. Văn bản cho phép nhập khẩu tàu cá của cơ quan có thẩm quyền được gửi cho người xin nhập khẩu, đồng thời gửi đến các cơ quan liên quan: Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan. Hồ sơ nhập khẩu tàu cá đã qua sử dụng phải có biên bản giám định tình trạng kỹ thuật và trang thiết bị phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu cá xin nhập khẩu, do cơ quan Đăng kiểm tàu cá Việt Nam cấp (bản chính).
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2010.

Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa Asean

Ngày 17/5/2010 Bộ Công thương ban hành Thông tư số 21/2010/TT-BCT về thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa Asean.
Theo đó thì hàng hoá được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá Mẫu D (gọi tắt là C/O) là hàng hoá có xuất xứ theo quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này và được Tổ chức cấp C/O Mẫu D cấp C/O. Người đề nghị cấp C/O chỉ được xem xét cấp C/O tại nơi đã đăng ký hồ sơ thương nhân sau khi đã hoàn thành thủ tục đăng ký hồ sơ thương nhân. Mọi sự thay đổi trong hồ sơ thương nhân phải được thông báo cho Tổ chức cấp C/O nơi đã đăng ký trước khi đề nghị cấp C/O. Hồ sơ thương nhân vẫn phải được cập nhật hai (02) năm một lần.
Cũng theo Thông tư này, hồ sơ đề nghị cấp C/O bao gồm: đơn đề nghị cấp C/O; mẫu C/O đã được khai hoàn chỉnh; tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan; hoá đơn thương mại; vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải tương đương trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn. C/O phải được cấp trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc kể từ thời điểm người đề nghị cấp C/O nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Tổ chức cấp C/O có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất trong trường hợp nhận thấy việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để cấp C/O hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với các C/O đã cấp trước đó. Thời hạn xử lý việc cấp C/O đối với trường hợp này không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày người đề nghị cấp nộp hồ sơ đầy đủ. Tổ chức cấp C/O sẽ thu hồi C/O đã cấp trong những trường hợp sau: người xuất khẩu, người đề nghị cấp C/O giả mạo chứng từ; C/O được cấp không phù hợp các tiêu chuẩn xuất xứ.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2010 và thay thế Thông tư số 01/2010/TT-BCT ngày 08/01/2010 của Bộ Công thương thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) để thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN.

Danh mục hàng hóa để xác định thời hạn nộp thuế nhập khẩu

Được ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BCT ngày 17/05/2010 của Bộ Công thương. Các loại hàng hóa này gồm có: thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ; cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thủy sinh không xương sống khác; sữa và các sản phẩm từ sữa; trứng chim và trứng gia cầm; mật ong tự nhiên; sản phẩm ăn được gốc động vật, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; cây sống và các loại cây trồng khác; củ, rễ và các loại tương tự; cành hoa rời và các loại cành lá trang trí; rau và một số loại củ, thân củ, rễ ăn được; quả và quả hạch ăn được; vỏ quả thuộc chi cam quýt hoặc các loại dưa; cà phê, chè, chè Paragoay và các loại gia vị…
Thông tư này bãi bỏ Quyết định số 07/2007/QĐ-BTM ngày 28/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Danh mục hàng tiêu dùng để phục vụ việc xác định thời hạn nộp thuế nhập khẩu và Quyết định số 10/2008/QĐ-BCT ngày 16/5/2008 về việc bổ sung Danh mục hàng tiêu dùng để phục vụ việc xác định thời hạn nộp thuế nhập khẩu, Quyết định số 27/2008/QĐ-BCT ngày 11/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ sung ban hành Danh mục hàng tiêu dùng để phục vụ việc xác định thời hạn nộp thuế nhập khẩu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 02/7/2010.
Sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn
Bộ Công thương vừa ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ tại Thông tư số 19/2010/TT-BCT ngày 17/05/2010.
Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục này; các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan; các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn. Việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương quy định tại Thông tư này được thực hiện theo nguyên tắc sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường phải được chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng do Bộ Công thương ban hành.
Trong trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, việc quản lý được thực hiện theo quy định hiện hành cho đến khi có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2010.

Phí, lệ phí trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử:
Ngày 17/05/2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 76/2010/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài khi đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép tiến hành công việc bức xạ, giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử, chứng chỉ nhân viên bức xạ và chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử phải nộp phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư này. Đối tượng nộp phí, lệ phí phải nộp toàn bộ số tiền phí, lệ phí theo mức thu quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư này ngay khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, giấy đăng ký và chứng chỉ.
Cũng theo Thông tư này, mức thu phí thẩm định cấp giấy phép sử dụng thiết bị bức xạ trong y tế được quy định như sau: thiết bị X-quang chụp răng, chụp vú thu 1,5 triệu đồng/1 thiết bị; thiết bị X-quang chẩn đoán thông thường thu 02 triệu đồng/1 thiết bị; thiết bị X-quang chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) thu 06 triệu đồng/1 thiết bị.... Cơ quan thu phí, lệ phí được trích 85% số tiền phí thu được trước khi nộp ngân sách nhà nước để trang trải các chi phí cho việc thực hiện công việc thẩm định và thu phí theo những nội dung, công việc trong trường hợp những nội dung, công việc này chưa được ngân sách nhà nước đảm bảo. Hàng năm cơ quan thu phí, lệ phí phải quyết toán thu chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí, lệ phí được trích để lại trong năm nếu chưa chi hết thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi tiêu theo chế độ quy định. Cơ quan thu phí, lệ phí có trách nhiệm nộp 100% tiền lệ phí và 15% tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước.
Thông tư có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 38/2006/QĐ-BTC ngày 24/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ.
Cơ chế tài chính đối với chuyến bay chuyên cơ
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 75/2010/TT-BTC ngày 17/05/2010 quy định về việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán ngân sách nhà nước cho công tác bảo đảm, bảo vệ chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam. Đối tượng thực hiện là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức thực hiện các chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam bao gồm: Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các bộ, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan đến chuyến bay chuyên cơ; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng.
Thông tư quy định, hàng năm, vào thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước, các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức các đoàn công tác của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí cần thiết thực hiện nhiệm vụ bảo đảm, bảo vệ chuyến bay chuyên cơ của năm kế hoạch, tổng hợp chung trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan mình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Căn cứ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm phân bổ và giao dự toán kinh phí cho các đơn vị trực thuộc (trong đó ghi rõ kinh phí bảo đảm chuyến bay chuyên cơ) sau khi có ý kiến thẩm tra của cơ quan tài chính cùng cấp. Kinh phí bảo đảm chuyến bay chuyên cơ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giao cho các đơn vị thực hiện được quản lý theo quy định hiện hành; đến hết ngày 31/12 nếu còn dư kinh phí, các cơ quan, đơn vị không được chi tiếp trừ trường hợp có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Các tổ chức, doanh nghiệp có tổ chức đoàn công tác đi cùng chuyên cơ nhưng không thuộc đối tượng quy định nêu trên thì mỗi doanh nghiệp được miễn tiền vé tàu bay cho 01 người, những người còn lại thực hiện thu tiền vé tàu bay theo giá vé hạng phổ thông vào thời điểm thực hiện chuyến bay do Hãng Hàng không Việt Nam công bố (quy định này không áp dụng đối với các chuyến bay chuyên cơ do Bộ Quốc phòng thực hiện).
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Sửa đổi thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công cho nước ngoài
Bộ Tài chính có Thông tư số 74/2010/TT-BTC ngày 14/5/2010 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 116/2008/TT-BTC ngày 4/12/2008 hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài.
Theo nội dung sửa đổi, bổ sung, nội dung hợp đồng gia công thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ. Trường hợp bên đặt gia công và bên nhận gia công phát sinh giao dịch qua bên thứ ba thì phải thể hiện trên hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng hoặc văn bản, tài  liệu có liên quan để chứng minh. Việc thực hiện thủ tục hải quan đối với một hợp đồng gia công cụ thể (gồm tiếp nhận hợp đồng, tiếp nhận định mức, làm thủ tục hải quan cho từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của hợp đồng, thanh khoản hợp đồng) được thực hiện tại một Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố do doanh nghiệp lựa chọn (tại Chi cục Hải quan nơi có cơ sở sản xuất thực hiện hợp đồng gia công - kể cả cơ sở gia công lại hoặc tại Chi cục Hải quan nơi có trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh của doanh nghiệp được thành lập theo qui định của pháp luật. Trường hợp tại nơi có cơ sở sản xuất hoặc nơi có trụ sở chính, trụ sở chi nhánh của doanh nghiệp không có tổ chức Hải quan thì doanh nghiệp được lựa chọn một Chi cục Hải quan thuận tiện để đăng ký làm thủ tục hải quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Quy định về khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 11/2010/TT-BTTTT ngày 14/5/2010 của Bộ Thông tin Truyền thông, mức giảm tối đa khi khuyến mại đối với giá bán Sim có chứa số thuê bao di động, giá bán máy điện thoại di động đã được gắn sẵn số thuê bao di động, giá bán thẻ nạp tiền không được vượt quá 50% giá bán hàng hóa chuyên dùng đó ngay trước thời gian khuyến mại.
Mức giảm tối đa đối với giá cước hòa mạng, giá cước thuê bao ngày, giá cước thuê bao tháng, giá cước thông tin được khuyến mại không được vượt quá 50% giá cước đó ngay trước thời gian khuyến mại. Mức tăng tối đa với thời gian liên lạc, lượng thông tin, gói thông tin khi giữ nguyên giá cước không được vượt quá 100% thời gian liên lạc, lượng thông tin, gói thông tin đó ngay trước thời gian khuyến mại.
Cũng theo Thông tư này thì doanh nghiệp di động có thể thực hiện khuyến mại đối với một hoặc đồng thời một số đơn vị dịch vụ nhưng phải bảo đảm nguyên tắc tất cả các giá cước (hòa mạng, thuê bao ngày, thuê bao tháng, thông tin) thực tế khi áp dụng khuyến mại đồng thời một số đơn vị dịch vụ không được giảm quá 50% giá cước ngay trước thời gian khuyến mại. Tổng thời gian thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá đối với mỗi nhãn hiệu dịch vụ thông tin di động và mỗi nhãn hiệu hàng hóa chuyên dùng thông tin di động không được vượt quá 90 ngày trong một năm. Một chương trình khuyến mại giảm giá không được vượt quá 45 ngày. Giá cước dịch vụ thông tin di động sau khi thực hiện khuyến mại giảm giá của doanh nghiệp di động chiếm thị phần khống chế không được thấp hơn giá thành dịch vụ mà doanh nghiệp đã đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010.

Vietlaw